Sau hai năm chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, từ ngày 15/3, hoạt động du lịch tại nước ta chính thức được mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới. Ðể hoạt động du lịch đạt kết quả vững chắc, tránh tình trạng "mở ra" rồi lại "đóng vào", chính quyền các địa phương cùng các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kịch bản, quy trình đón khách, cũng như cơ sở hạ tầng, nhân lực, chất lượng sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Lễ hội trên mây Sa Pa tại đỉnh Phan Xi Păng, tỉnh Lào Cai. (Ảnh QUỐC HỒNG)
Ðể chuẩn bị cho quá trình khôi phục du lịch, tháng 2/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong năm 2022-2023. Thành phố thực hiện việc đón khách theo hai giai đoạn.
Linh hoạt nhưng bảo đảm an toàn
Quý I và II/2022, thành phố lấy thị trường khách du lịch nội địa làm động lực chính để phục hồi; khai thác thị trường khách du lịch quốc tế theo lộ trình của Chính phủ. Giai đoạn đầu tập trung khai thác thị trường khách đến từ các nước trong khu vực Ðông Nam Á và Ðông Bắc Á, sau đó mở rộng đối tượng khách đến từ các thị trường du lịch trọng điểm khác. Bắt đầu từ quý II/2022, thành phố khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch phải bảo đảm tuân thủ các quy định, điều kiện về phòng, chống dịch và các tiêu chí về đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND thành phố Hà Nội.
Ngay trong tháng 2/2022, thành phố Hà Nội đón 800 nghìn khách du lịch nội địa, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 80% lượng khách năm 2020. Ðây là con số đáng khích lệ bởi các hoạt động đón khách du lịch tại Hà Nội mới chủ yếu diễn ra từ giữa tháng 2. Ðể khách yên tâm khi đi du lịch, tất cả điểm đến đều triển khai các quy trình đón khách theo yêu cầu phòng dịch.
Tại di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội bố trí thêm các biển thông báo về phòng dịch tại những lối đi lại, những nơi tập trung đông người, bố trí nước sát khuẩn, thường xuyên nhắc nhở khách tham quan đeo khẩu trang, không tập trung đông người trong không gian hẹp.
Ðể thực hiện mục tiêu sớm phục hồi ngành du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt, kiên trì phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, nâng cao năng lực y tế từ tỉnh tới cơ sở. Tỉnh đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 cao nhất và sớm nhất trong cả nước. Hiện, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người đủ 12 tuổi trở lên đạt hơn 99%; mũi 3 cho người đủ 18 tuổi trở lên đạt 96%.
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết, ngành du lịch đã hoàn thiện đề án "Du lịch luồng xanh" trình tỉnh thông qua, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để du khách biết, yên tâm khi đến tham quan, trải nghiệm những điểm du lịch an toàn, hấp dẫn. Hiện hơn 600 cơ sở du lịch, dịch vụ ở Quảng Ninh được dán nhãn an toàn phòng, chống dịch Covid-19; gần 1.500 cơ sở lưu trú du lịch đã thực hiện đăng ký đánh giá an toàn Covid-19 tại Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch an toàn (safe.tourism.com.vn) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Bên cạnh đó, tỉnh lựa chọn các mô hình du lịch khép kín thí điểm đón khách quốc tế.
Tỉnh Lào Cai thực hiện mở cửa du lịch theo hướng thông thoáng, linh hoạt, nhất là với khách du lịch đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Sa Pa, các đơn vị lữ hành quốc tế chỉ cần có văn bản đồng ý của Tổng cục Du lịch là có thể đưa khách đến địa phương. Các đơn vị lữ hành quốc tế đưa khách đến cần hoàn tất mọi thủ tục cho các đoàn khách tại các sân bay khi làm thủ tục nhập cảnh.
Khi đến Sa Pa chỉ cần kiểm tra thủ tục, giấy tờ của các đoàn khách thông qua đơn vị lữ hành để nắm bắt và theo dõi hoạt động của đoàn trong thời gian tham quan tại Sa Pa. Tỉnh tổ chức ba lớp tập huấn cho các cơ sở lưu trú ở thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai và huyện Bắc Hà về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; xây dựng hướng dẫn quy trình xử lý khi khách du lịch bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 (F0).
Ðể hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động sớm phục hồi sau đại dịch, ngành du lịch Ninh Bình triển khai chính sách giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành; giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023; thực hiện chi trả hỗ trợ cho 103 hướng dẫn viên bị ảnh hưởng do dịch Covid-19... Nhờ tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin cho người dân đạt cao, Ninh Bình đã ban hành kế hoạch phục hồi du lịch, cho phép các khu, điểm du lịch chính thức mở cửa đón khách từ ngày 1/2. Sở Du lịch Ninh Bình ban hành bộ 30 tiêu chí về hoạt động du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khai thác nền tảng số, mạng xã hội để quảng bá, tổ chức các tua online hằng tuần.
Hành khách từ Singapore đến sân bay quốc tế Nội Bài trong ngày đầu mở cửa đón khách quốc tế. (Ảnh VŨ ÐIỆP)
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Cùng với những giải pháp bảo đảm an toàn cho du khách, ngành du lịch các địa phương cũng chủ động tạo những sản phẩm du lịch mới. Tại Hà Nội, từ tháng 2, Ban Quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò đã bán tua cho hai sản phẩm du lịch đêm gồm: "Ðêm thiêng liêng: Sáng ngời tinh thần Việt", "Ðêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa".
Cuối tuần qua, các tua này đều được bán hết rất sớm. Trưởng Ban quản lý di tích Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: "Cán bộ Ban quản lý được quán triệt các biện pháp chống dịch để phục vụ sao cho an toàn mà khách vẫn cảm thấy vui vẻ nhất". Hiện tại, đơn vị này tiếp tục xây dựng tua "Ðêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân" tôn vinh các Anh hùng, liệt sĩ trẻ tuổi hy sinh lại Nhà tù Hỏa Lò, dự kiến tháng 7 sẽ ra mắt, đồng thời, xúc tiến xây dựng một tua đặc biệt dành cho khách nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp cũng tích cực khai thác những loại hình du lịch mới.
Ðiển hình như VietFoot Travel triển khai các tua đạp xe đến Thăng Long tứ trấn, làng cổ Bát Tràng... mở các tua liên kết đến các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh... Doanh nghiệp AZA Travel có tua đến làng cổ Ðường Lâm, với nhiều hoạt động trải nghiệm mới, gắn với đời sống làng quê...
Tỉnh Quảng Ninh đã lên kế hoạch tổ chức hàng chục sự kiện, hoạt động, chương trình kích cầu du lịch trong năm 2022. Trong đó tập trung vào một số sự kiện lớn như: Chương trình du lịch "Quảng Ninh an toàn - trải nghiệm trọn vẹn"; Ngày hội Văn hóa, Du lịch Quảng Ninh 2022 tại Hà Nội; Carnaval Hạ Long; Festival áo dài; đăng cai tổ chức Ðại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ IX, phố đêm du thuyền...
Ðồng thời tập trung xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu, riêng có của Quảng Ninh, phát triển sản phẩm du lịch theo hướng mỗi huyện, thị xã, thành phố có một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Ðể thu hút khách du lịch quốc tế, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch liên kết xây dựng các sản phẩm mới với mức chi tiêu cao như du lịch trải nghiệm các sân gôn tiêu chuẩn quốc tế cùng nhiều tổ hợp, quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy mô lớn.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai Hà Văn Thắng cho biết, tỉnh làm mới các sản phẩm du lịch, hướng du khách trải nghiệm các sản phẩm theo xu hướng an toàn, sinh thái và du lịch cộng đồng. Tỉnh sẽ tổ chức chương trình Festival "Tinh hoa Tây Bắc - hương sắc Lào Cai" gắn với kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh Lào Cai; Hội nghị liên kết vùng, Hội chợ du lịch quốc tế Lào Cai và Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Lào Cai năm 2022 với quy mô cấp tỉnh.
Xác định Sa Pa là điểm đến hấp dẫn, thu hút số lượng lớn du khách quốc tế và trong nước, thị xã Sa Pa tập trung vào tổ chức Lễ hội Sa Pa năm 2022, với 31 sự kiện văn hóa thể thao và du lịch, thông qua 5 nhóm sự kiện chính gồm Lễ hội tình yêu và các lễ hội trong bốn mùa. Bên cạnh đó, địa phương xây dựng thêm các sản phẩm du lịch trải nghiệm mới như: Giải leo núi chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn; Chương trình du lịch Ngày hội trên di sản danh thắng Ruộng bậc thang; đầu tư hai tuyến trekking dọc thung lũng Mường Hoa; hình thành các điểm du lịch nông nghiệp, dược liệu và phục hồi sức khỏe…
Cùng với việc làm mới các sản phẩm du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương khảo sát cơ sở vật chất, từ đó có giải pháp nâng cấp, hoàn thiện, cung ứng dịch vụ cho khách du lịch; tập huấn, củng cố đội ngũ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, đào tạo lại lực lượng lao động phục vụ du lịch...
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tỉnh Ninh Bình đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới mang lợi thế của địa phương; chú trọng các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch đêm ở phố cổ Hoa Lư, phố cổ Tràng An; phát triển sản phẩm "du lịch xanh" ở cố đô Hoa Lư, mở rộng liên kết du lịch với các địa phương trong cả nước. Tỉnh đang huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hình thành các khu du lịch quốc gia Tràng An và khu du lịch Kênh Gà-Vân Trình, phấn đấu doanh thu du lịch đạt hơn 8.000 tỷ đồng vào năm 2025.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/mo-cua-du-lich-an-toan-trong-dieu-kien-binh-thuong-moi-689360/