Dự kiến vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, không gian phố đi bộ số 4 của Hà Nội sẽ được đưa vào hoạt động. Đặc biệt, tuyến phố này nằm trong không gian thành cổ Sơn Tây- di tích sắp tròn 200 tuổi.
Hiện tại, công tác chuẩn bị cho tuyến phố đi bộ đạt hơn 80%. Nhiều hạng mục đang được gấp rút hoàn thiện giai đoạn cuối. Việc đưa tuyến phố đi bộ vào hoạt động sẽ đáp ứng được niềm vui, mong mỏi của người dân trên địa bàn thị xã. Sơn Tây chủ yếu phát triển về kinh tế du lịch dịch vụ. Vì vậy tuyến phố đi bộ sẽ tạo điểm nhấn cho nhân dân và du khách các huyện lân cận như Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất… thêm điểm vui chơi. Tuyến phố đi bộ này sẽ được kết nối với nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn như Đền Và, Chùa Mía, Văn miếu…
Điểm nhấn của tuyến phố đi bộ được xác định nằm trong các chương trình văn hóa, văn nghệ của các đoàn văn hóa nghệ thuật được đầu tư bài bản, quy mô. Bên cạnh đó, địa phương cũng đầu tư thêm nhiều chương trình hội chợ, văn hóa văn nghệ, triển lãm ảnh, trưng bày cây cảnh… phát huy được giá trị của thành cổ.
Ông Trần Đình Chiến, Phó phòng Quản lý đô thị (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết thêm, Thị xã Sơn Tây đang trình hồ sơ lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để công nhận thành cổ Sơn Tây là di tích đặc biệt. Liên quan đến việc quản lý khi tuyến phố đi bộ hoạt động, đối với các hộ kinh doanh, buôn bán trên phố đi bộ (tại phường Quang Trung, Ngô Quyền và Lê Lợi), lãnh đạo Thị xã Sơn Tây đã có công văn về các xã, phường nhằm hướng dẫn các hộ kinh doanh chủ động đăng ký các mặt hàng muốn kinh doanh. Từ danh sách tập hợp, chính quyền các xã, phường sẽ có hướng dẫn cụ thể đến các đơn vị kinh doanh theo quy định.
Theo lãnh đạo Thị xã Sơn Tây, sẽ có khoảng 50 đến 70 quầy hàng được phép kinh doanh trong khu vực tuyến phố đi bộ. Vì vậy, địa phương đang cân nhắc hình thức bốc thăm để đảm bảo tính công bằng cho các hộ kinh doanh. Sau đó, Thị xã sẽ thành lập Ban quản lý nhằm đảm bảo an ninh, trật tự cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện tại, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện các hạng mục để đưa không gian phố đi bộ vào hoạt động, Thị xã Sơn Tây cũng tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được các yếu tố phòng dịch khi tham gia tuyến phố đi bộ. Sau thời gian đầu vận hành thử nghiệm, Thị xã sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để dựng kế hoạch, phương án chi tiết...
Trước đó vào ngày 28-10-2021, Thị xã Sơn Tây đã thông qua đề án 525/ĐA-UBND về việc thí điểm tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây (đoạn từ cổng trụ sở UBND thị xã đến cầu Cửa Tiền).
Theo đề án, khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ sẽ bao quanh thành cổ Sơn Tây với 4 tuyến phố chính, gồm: Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh, Lê Quý Đôn và Phạm Ngũ Lão. Tổng chiều dài khoảng 1.600m. Ngành nghề chính của các hộ dân nơi có tuyến phố đi qua chủ yếu là buôn bán, kinh doanh thẩm mỹ, cà phê, hàng ăn uống... Trước mắt, không gian phố đi bộ sẽ được thí điểm trên 2 tuyến phố là Phó Đức Chính và Phan Chu Trinh.
Sau khi đi vào hoạt động, đây sẽ là không gian đi bộ thứ 4 của Hà Nội được hình thành, sau không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội và phố Trịnh Công Sơn (Tây Hồ).
Dưới đây là một số hình ảnh về công tác chuẩn bị cho tuyến phố đi bộ tại thành cổ Sơn Tây do phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử ghi nhận:
Thành Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (năm 1822) với 4 cổng thành xây bằng gạch cổ. |
Tháng 10-2021, Thị xã Sơn Tây đã thông qua đề án về việc thí điểm tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây (đoạn từ cổng trụ sở UBND thị xã đến cầu Cửa Tiền). |
Dự kiến tuyến phố đi bộ thí điểm có tổng chiều dài 820m, tổng diện tích sử dụng 34.550m2. |
Kết hợp giữa không gian cổ kính hài hòa với thiên nhiên, tuyến phố đi bộ số 4 được kỳ vọng sẽ là một trong những tuyến phố đi bộ đẹp của TP Hà Nội. |
Khi chưa trở thành phố đi bộ, thành cổ Sơn Tây đã cũng thu hút số lượng không nhỏ du khách thập phương. |
Các bạn trẻ thường chọn nơi đây để lưu lại các hình ảnh đẹp. |
Công tác hoàn thiện cơ sở, hạ tầng của tuyến phố đi bộ đang được hoàn thành. |
Tuyến phố đi bộ sẽ giúp hình thành không gian giải trí, văn hóa, du lịch, đồng thời phát huy giá trị di tích lịch sử quan trọng của Thị xã Sơn Tây. |
TUẤN SƠN/qdnd.vn