Ngày 20-5, UBND Đồng Tháp đăng cai tổ chức Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 2 với chủ đề “Hợp tác và hành động”.
Phát biểu tại diễn đàn ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, diễn đàn đã một lần nữa khẳng định quyết tâm của các địa phương trong nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như chủ trương của Chính phủ đã đề ra. Diễn đàn lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch địa phương. Vì vậy, Đồng Tháp mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là của TP Hồ Chí Minh và các địa phương bạn trong vùng ĐBSCL.
Quang cảnh diễn đàn. |
Tại diễn đàn các đại biểu đã cùng nhau đánh giá thực trạng phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL. Theo các đại biểu, chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp của vùng đã hình thành nhưng chưa rõ nét, nhiều mô hình chuỗi chưa thật sự hiệu quả. Có 2 dạng mô hình chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp đang được khai thác là: Các mô hình đơn giản do người dân tự phát làm du lịch và khách tự đến; các mô hình có yếu tố liên kết do người dân tự liên kết với nhau, doanh nghiệp liên kết với người dân…
Cùng với đó, các hoạt động khai thác và cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch nông nghiệp còn ít, trùng lặp, chưa thực sự thu hút; tính liên kết giữa các chủ thể đã tồn tại nhưng còn mang tính cơ học; trong các hoạt động liên kết, vai trò điều phối, chủ đạo chưa được nổi lên khiến cho các liên kết mờ nhạt, lỏng lẻo….
Du khách thích thú với hoạt động du lịch của Đồng Tháp. |
Các đại biểu cho rằng, để liên kết sản phẩm du lịch đặc trưng vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh cần dựa trên hệ sinh thái đa dạng, đặc sắc như: Biển, đảo, đất ngập nước, rừng ngập mặn, khu bảo tồn thiên nhiên…
Bên cạnh đó, tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá, phân tích tiềm năng đặc trưng của vùng, của từng tỉnh về văn hóa, lịch sử, con người để xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương trong một không gian thống nhất và đồng bộ để tạo thế mạnh cho vùng; tăng cường liên kết, hợp tác xây dựng các tour, tuyến du lịch nội vùng, liên địa phương, liên vùng hấp dẫn; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch…
THÚY AN/qdnd.vn