Thành phố cổ 3.400 năm tuổi từ thời Đồ Đồng bất ngờ nổi lên giữa hồ

Thứ 4, 01.06.2022 | 14:38:41
757 lượt xem

Từ hồi đầu năm nay, khi mực nước giảm nhanh do hạn hán nghiêm trọng, tàn tích của một thành phố cổ từ thời kỳ Đồ Đồng bất ngờ nổi lên giữa hồ.

Một nhóm các nhà khảo cổ học người Đức và người Kurd đã phát hiện thấy tàn tích của một thành phố cổ với niên đại khoảng 3.400 năm tuổi từ thời Đế chế Mittani nằm trên sông Tigris, Iraq. Từ hồi đầu năm nay, khi mực nước giảm nhanh do hạn hán nghiêm trọng, thành phố cổ từ thời kỳ Đồ Đồng bất ngờ hiện lên.

Các chuyên gia cho biết, đó là một đô thị rộng lớn, sở hữu cung điện riêng, một số tòa nhà lớn có thể là Zakhiku cổ đại - nơi từng là trung tâm quan trọng của Đế chế Mittani (khoảng 1550 - 1350 trước Công Nguyên).

Thành phố cổ 3.400 năm tuổi từ thời Đồ Đồng bất ngờ nổi lên giữa hồ - 1

Thành phố cổ đại từ thời kỳ Đồ Đồng bất ngờ nổi lên giữa hồ (Ảnh: Penzu).

Iraq là một trong những quốc gia hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Miền nam nước này chịu tác động mạnh do đợt hạn hán kéo dài nhiều tháng liền. Để ngăn hoa màu không bị chết khô, giới chức địa phương phải huy động lượng nước lớn lấy từ hồ Mosul - hồ chứa nước quan trọng nhất của Iraq từ tháng 12 năm ngoái, khiến lượng nước các sông xung quanh cũng ảnh hưởng. Điều này dẫn tới "sự trở lại" của thành phố cổ từng chìm dưới sông Tigris suốt nhiều thập kỷ.

Việc xuất hiện của tàn tích cổ đại khiến các nhà khảo cổ học đứng trước áp lực nặng nề. Họ buộc phải khai quật và tìm kiếm tư liệu nhanh tối đa trước khi nơi này lại bị ngập một lần nữa.

Thành phố cổ 3.400 năm tuổi từ thời Đồ Đồng bất ngờ nổi lên giữa hồ - 2

Các chuyên gia đang tiến hành khảo cổ khu vực này trước khi nó lại bị nhấn chìm một lần nữa (Ảnh: Phys).

Chỉ trong thời gian ngắn, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc lập bản đồ phần lớn thành phố cổ. Ngoài một cung điện được xác định, giới chuyên môn khám phá thêm những tòa nhà khác như pháo đài khổng lồ có tháp canh, tượng đài, tòa nhà lưu trữ và khu tổ hợp. Hiện đã xác định quần thể này được xây vào thời kỳ Vương quốc Mittani kiểm soát phần lớn vùng phía bắc Lưỡng Hà và Syria.

Nhóm khảo cổ đã vô cùng sửng sốt trước tình trạng những bức tường đôi khi cao tới vài mét vẫn được bảo quản tốt. Mặc dù thực tế các bức tường làm từ gạch bùn này từng nằm dưới nước suốt hơn 40 năm. Ngoài ra, họ còn phát hiện các bình gốm chứa hơn 100 bảng chữ hình nêm có niên đại từ thời kỳ Trung Assyria. Thông qua những cổ vật, giới chuyên môn hy vọng sẽ có thêm thông tin quan trọng về thành phố này cũng như thời điểm người Assyria bắt đầu cai trị.

Nhằm ngăn chặn thiệt hại cho khu tàn tích tránh bị nước dâng thêm, các chuyên gia đã che phủ những nơi đã khai quật bằng vải nhựa bó chặt và phủ đầy sỏi. Đây là cách bảo vệ những bức tường bằng đất sét.


Huy Hoàng/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/du-lich/thanh-pho-co-3400-nam-tuoi-tu-thoi-do-dong-bat-ngo-noi-len-giua-ho-20220601093254992.htm

  • Từ khóa