Trong nhiệm kỳ qua, công tác Đoàn và phong trào thanh niên (CTĐ&PTTN) của LLVT Quân khu 5 phát triển toàn diện, đồng bộ, hướng về cơ sở, lấy cơ sở để triển khai thực nghiệm nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị.
Hiệu quả “3 không, 4 tốt”
Cùng Thiếu tướng Võ Văn Hưng, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 đến tham quan “Câu lạc bộ quân nhân” của Lữ đoàn 575, chúng tôi như lạc giữa màu xanh của hoa lá, cỏ cây và quần thể văn hóa khép kín. Hài lòng với công trình thanh niên chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Quân khu 5 lần thứ X (2022-2027), Thiếu tướng Võ Văn Hưng vui vẻ cho biết: “Không chỉ Lữ đoàn 575 mà tất cả đầu mối trực thuộc đều xây dựng các công trình chào mừng đại hội Đoàn. Đây là dấu ấn đáng ghi nhận của tuổi trẻ, thể hiện thái độ chính trị của cán bộ, đoàn viên các cấp trong LLVT Quân khu 5”.
Chiến sĩ trẻ Lữ đoàn Pháo binh 572 bảo quản vũ khí trang bị sau giờ huấn luyện. |
Theo đồng chí Chủ nhiệm Chính trị quân khu, nét nổi bật trong hoạt động CTĐ&PTTN của LLVT Quân khu 5 là từng bước đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) về mục tiêu, lý tưởng; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; xây dựng bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, lãnh đạo quân khu đặc biệt ghi nhận kết quả thực hiện Chương trình “3 không, 4 tốt” ở tuổi trẻ. Trong đó, nội dung “3 không” là: Không có ĐVTN đào bỏ ngũ; không có ĐVTN vi phạm kỷ luật nghiêm trọng; không có ĐVTN vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các tệ nạn xã hội.
Nội dung “4 tốt” bao gồm: Có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt; chất lượng huấn luyện, học tập, công tác tốt; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân và dân chủ tốt; cảnh quan môi trường văn hóa tốt. Trên cơ sở các nội dung "3 không, 4 tốt", tổ chức đoàn các cấp quan tâm thường xuyên đến việc xây dựng động cơ thi đua đúng đắn cho thanh niên. Nhất là cụ thể hóa nội dung của các phong trào, cuộc vận động thành các tiêu chí cụ thể, gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng và hướng vào việc nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị.
Việc triển khai và thực hiện tốt các tiêu chí Chương trình “3 không, 4 tốt” đã góp phần nâng tỷ lệ tổ chức đoàn vững mạnh. Hằng năm, có 100% tổ chức đoàn hoàn thành nhiệm vụ (85% trở lên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ); 100% cán bộ, ĐVTN hoàn thành nhiệm vụ (85% trở lên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ); 100% đơn vị bố trí đủ cán bộ đoàn; 100% thanh niên được kết nạp vào Đoàn; có trên 12% đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng.
Nở rộ mô hình hay, thiết thực
Theo Thượng tá Nguyễn Đăng Thạch, Trưởng phòng Công tác quần chúng (Cục Chính trị Quân khu 5), xuất phát từ thực tiễn, một số tổ chức đoàn ở các cơ quan, đơn vị đã sáng tạo tổ chức hoạt động phù hợp với đặc thù cơ sở và tính chất hoạt động. Những mô hình “Chi đoàn mẫu mực về điều lệnh chính quy”, “Chi đoàn huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm”, “Chi đoàn không có ĐVTN đào bỏ ngũ” được triển khai rộng khắp đã góp phần nâng cao nhận thức, tính tự giác, tự chủ của thanh niên trong chấp hành nền nếp, chế độ, thực hiện nếp sống văn hóa, rèn luyện kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Các mô hình: “Buồng bệnh, ca trực thanh niên”, “Đường dây, tổ tuần tra, cụm kho, vọng gác, đầu xe thanh niên”... góp phần xây dựng quan điểm, thái độ phục vụ tốt, hành vi ứng xử, giao tiếp có văn hóa cho ĐVTN.
Thực hiện kế hoạch hoạt động hai ngày nghỉ cuối tuần bổ ích, tuổi trẻ Sư đoàn 2 và Sư đoàn 315 có sáng kiến huy động mọi nguồn lực và sức sáng tạo của tuổi trẻ để xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cho thanh niên như mô hình “Câu lạc bộ quân nhân”, được bố trí thành một quần thể bao gồm: Khuôn viên vườn hoa-cây cảnh; phòng đọc sách, báo; phòng hát karaoke; khu thi đấu thể thao... Mô hình này giúp ĐVTN tham gia sinh hoạt, học tập quây quần bên nhau... góp phần nuôi dưỡng tình cảm cán-binh.
Đáng chú ý, mô hình “Nuôi heo đất vì nghĩa tình biên giới, hải đảo” đã trở thành phong trào sâu rộng, thu hút nhiều đối tượng tham gia. Theo đó, mỗi ngày, từng đoàn viên tự nguyện bỏ vào heo đất 100 đồng (mỗi tháng 3.000 đồng) để tiết kiệm. Phong trào phát động từ năm 2012, đến nay đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng. Số tiền này được sử dụng để xây dựng nhà tình thương tặng các gia đình nghèo thuộc tỉnh biên giới Quảng Nam và Kon Tum.
Ngoài ra, những mô hình: “Hũ gạo vì học sinh nghèo vượt khó” của tuổi trẻ Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận; “Trao phương tiện sinh kế cho người nghèo” của ĐVTN Bộ CHQS TP Đà Nẵng... được triển khai hiệu quả, góp phần giáo dục truyền thống và nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ về thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tinh thần “Tương thân tương ái”... Tuổi trẻ LLVT quân khu còn vận động quyên góp gần 100 tấn gạo, 40.000 bộ quần áo, gần 2.000 bộ chăn màn tặng người có công, hộ nghèo; huy động hàng nghìn ngày công lao động giúp dân, tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả lũ lụt...; thăm hỏi, trao hơn 1.700 suất quà (trị giá gần 600 triệu đồng) tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đối tượng người có công; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 25.000 lượt người (tổng trị giá gần 1 tỷ đồng)...
Tùng Lâm/qdnd.vn