Hà Nội có 18 huyện, thị xã ngoại thành với nhiều dư địa và tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), tái cơ cấu nông nghiệp là hướng đi mới nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, du lịch nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của Hà Nội.
Lãnh đạo huyện Thạch Thất đi thăm mô hình sản xuất.
Với mục tiêu thúc đẩy liên kết, xây dựng, phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả , thành phố đã xây dựng và ban hành kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 04/3/2022, giai đoạn 2022-2025 về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM trên địa bàn thành. Đây được xem là một trong những giải pháp căn cơ, tạo động lực để thúc đẩy xây dựng NTM hiệu quả bền vững.
Nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có…
Với diện tích đất nông nghiệp và khu vực nông thôn ngoại thành rộng lớn. Hà Nội hội tụ đủ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn., đặc biệt ở các địa phương như: Sơn Tây, Phú Xuyên, Thường Tín, Mỹ Đức, Ba Vì,... có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với núi non xanh thẳm cùng các thôn quê trù phú, rất thuận lợi cho việc tổ chức hình thức du lịch nông nghiệp với nhiều làng nghề truyền thống, nhiều loại sản vật gắn liền với truyền thống canh tác và văn hóa bản địa.
Mô hình trồng rau hữu cơ tại huyện Thạch Thất.
Phó chánh Văn phòng điều phối NTM Hà Nội, Ngọ Văn Ngôn cho biết: Để phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả, Hà Nội đang tiếp tục tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội; tạo việc làm, nâng cao thu nhập từ các loại hình du lịch gắn với kinh doanh các sản phẩm nông sản địa phương. Khôi phục các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng đã bị mai một ở các địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông thôn và hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bố trí nguồn ngân sách và lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện các mô hình thí điểm về du lịch nông thôn.
Với nhiều làng quê nổi tiếng về du lịch như: xã Hồng Vân (huyện Thường Tín); Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Bát Tràng, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)... đã và đang thu hút nhiều du khác trong và ngoài nước, mở ra cơ hội phát triển du lịch làng, xã nông thôn mới cho nhiều địa phương khác trên toàn thành phố. Thực tế cho thấy, Những địa phương có kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp bài bản, thu nhập của nông dân mới cao và đảm bảo ổn định. Điển hình như xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì đã vận dụng tốt vai trò của các HTX trong phát triển các mô hình nông sản sạch đem lại hiệu quả cao.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết: Huyện đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho phát triển du lịch nông nghiệp bài bản và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Chúng tôi xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là một giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn.
Bên cạnh bề dày văn hóa mang đậm nét Việt cổ (văn hoá Việt - Mường), Ba Vì còn được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hoang sơ của sông, suối, núi, rừng với hệ sinh thái đa dạng, phong phú rất thích hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn trong thời gian tới.
Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Quang Trung cho biết: Huyện đang tập trung thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng NTM đối với từng xã. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng, miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử. Phát triển du lịch nông thôn ở Ba Vì hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành, nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong và ngoài nước.
Phát triển du lịch nông thôn là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn, đồng thời, giúp chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa ngành. Tuy nhiên, phát triển du lịch nông thôn vẫn cần những bước đi thận trọng vì du lịch nông thôn hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế. Số lượng lao động tham gia vào du lịch nông thôn chưa nhiều, chủ yếu ở quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn cũng chủ yếu mang tính chất tự phát. Sản phẩm du lịch nông thôn của nhiều địa phương hiện chưa đặc sắc, chủ yếu vẫn là khách trong nước và khách tại chỗ.
Vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Là người trực tiếp tham gia sản xuất có trang trại rau sạch và khu vườn nho thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan trải nghiệm. Bà Đặng Thị Cuối - Giám đốc HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý chia sẻ: Trong quá trình triển khai chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển từ đất nông nghiệp sang loại hình khác là vấn đề rất khó giải quyết. Bên cạnh đó, là vấn đề quy hoạch hay kêu gọi đầu tư... Thực tế mới chỉ có một số địa phương xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho phát triển du lịch nông thôn. Hiện nay có nhiều mô hình du lịch cộng đồng, nhưng chủ yếu là tự phát vì chưa tiếp cận được chính sách đầu tư, chính sách đất đai... Để phát triển loại hình du lịch này tôi nghĩ cần phải có những chính sách, cơ chế, đặc thù và đưa nó vào thực tiễn.
Cũng khó khăn về chính sách, những nông dân Yên Bài, Ba Vì lại không thể vay vốn hay mở rộng diện tích do vùng đất nông nghiệp rộng lớn nơi đây trước kia thuộc đất nông lâm trường. Chủ tịch UBND xã Yên Bài, huyện Ba Vì chia sẻ: Khi đi vào hoạt động, qua rà soát kiểm tra lại thấy rất nhiều vấn đề đặt ra. Mặc dù địa phương địa hình phù hợp với phát triển du lịch nông nghiệp, phát triển sản xuất nhưng lại vướng vào việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang loại hình khác. Cụ thể ở xã có hàng trăm hộ có đất thuộc nông lâm trường, khi giao khoán lại cho người dân nhiều năm về trước, đến nay tuy sống qua nhiều thế hệ nhưng họ vẫn không được phép xây nhà, thế chấp vay vốn.., do là đất nông nghiệp. Thực tế này đã tồn tại nhiều năm chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nên việc phát triển kinh tế là rất khó khăn.
Ngoài ra, các hộ dân làm du lịch chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn... Một số vùng nông thôn tuy đã chú ý đến cảnh quan môi trường, song vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí vẫn diễn ra, chưa khắc phục triệt để.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Ngọ Văn Ngôn nhấn mạnh: Cần phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn. Đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông-lâm-ngư nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thẩn của người dân nông thôn, góp phần thực hiện 2 mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Như vậy, Hà Nội cần rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện về tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch nông thôn, trang trại nông nghiệp làm dịch vụ du lịch, dịch vụ trên địa bàn, để có bức tranh tổng toàn diện, nhằm đánh giá cụ thể cho từng huyện, xã, bởi mỗi một địa phương lại có lợi thế, đặc điểm riêng. Bên cạnh đó, cần có những khảo nghiệm chắc chắn, từ đó đưa ra những chính sách thích hợp, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, đặc biệt là về cơ chế, chính sách cho người dân trong quá trình tiếp cận vốn, nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, chuyên nghiệp hóa kinh doanh du lịch cho từng nông hộ đến các HTX nông nghiệp trên địa bàn.
Ngoài ra, phát triển du lịch nông thôn cũng cần hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đặc biệt chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo động lực để phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/thao-go-vuong-mac-trong-phat-trien-du-lich-nong-thon-703352/