Hiện tại, nhà chức trách ở nhiều quốc gia đang phải tiến hành những biện pháp mạnh tay để xử lý hiệu quả những vấn đề gây ra bởi một số khách du lịch thiếu tôn trọng pháp luật.
Bị phạt tiền, bị trục xuất, nhận án tù... khi đi du lịch nước ngoài
Tháng 6 năm nay, một nhóm du khách người Đức bị phạt 4.200 euro (tương đương hơn 100 triệu đồng) vì để đồ ăn lên một nắp giếng cổ ở Venice, Ý, rồi ngồi dùng bữa bên nắp giếng. Venice được biết tới là một điểm đến có nhiều quy định nghiêm ngặt để bảo vệ các công trình cổ có niên đại lên tới hàng trăm năm tuổi.
Du khách đến Venice cần nhớ rằng họ không được phép nhảy xuống kênh, không được mặc đồ bơi đi trên đường phố, không được cho chim bồ câu ăn, không được treo ổ khóa trên thành cầu để làm minh chứng cho những lời ước hẹn...
Những bậc thang cổ bằng đá cẩm thạch được thực hiện từ thế kỷ 18 nằm ở Rome, Ý (Ảnh: Getty).
Cũng trong tháng 6 vừa qua, hai du khách người Mỹ thả trôi xe trượt hai bánh trên những bậc thang cổ bằng đá cẩm thạch được thực hiện từ thế kỷ 18 nằm ở Rome, Ý, gây thiệt hại 25.000 euro (tương đương hơn 600 triệu đồng). Hai du khách sau đó bị phạt 800 euro (gần 20 triệu đồng) và vĩnh viễn bị cấm quay trở lại tham quan công trình này.
Công trình bậc thang cổ này đã từng trải qua một đợt phục chế tốn kém 1,5 triệu euro (tương đương hơn 36 tỷ đồng) hồi năm 2015. Vậy nhưng, chính du khách tham quan đã có những lần gây tổn hại cho công trình này. Hai tuần trước khi xảy ra vụ việc liên quan tới hai du khách Mỹ, một du khách đến từ Ả Rập Saudi trong khi lái một chiếc xế sang đã làm vỡ đá của hai bậc thềm cầu thang.
Tháng 4 năm nay, một du khách nam người Canada đã gặp rắc rối lớn khi tới du lịch tại đảo Bali, Indonesia. Người đàn ông này đã khỏa thân, đứng nhảy múa trước ngọn núi lửa linh thiêng Batur. Toàn bộ sự việc được ghi lại trong video clip lan truyền trên mạng xã hội, khiến dư luận tại Indonesia bức xúc.
Dư luận Indonesia bất bình vì người khách ngoại quốc không tôn trọng các giá trị tôn giáo và văn hóa của họ. Người đàn ông này sau đó đã bị trục xuất khỏi Indonesia vì hành động "ngông cuồng" của mình.
Cũng trong tháng 4 năm nay, hai du khách Hà Lan bị phạt 1.000 euro (hơn 24 triệu đồng) vì nhảy vào đài phun nước Trevi - một công trình cổ nổi tiếng ở Rome, Ý, được thực hiện từ thế kỷ 18.
Đài phun nước Trevi - một công trình cổ nổi tiếng ở Rome, Ý, được thực hiện từ thế kỷ 18 (Ảnh: Getty).
Tháng 4/2021, nữ du khách người Nga gây phẫn nộ khi quay "clip nóng" với bạn trai tại chân ngọn núi Batur, nằm ở đảo Bali, Indonesia. Đối với người Indonesia, Batur là ngọn núi thiêng, nơi đây có ngôi đền Pura Batur thu hút rất đông tín đồ tới cầu nguyện hàng năm.
Khi chính quyền vào cuộc điều tra, hai du khách này đã kịp trở về quê nhà. Đại diện cảnh sát cho hay trong trường hợp hai người vẫn còn ở Bali, họ sẽ bị bắt giữ và đối diện với án tù lên tới 3 năm.
Đầu năm 2015, 3 du khách trẻ người Pháp tới quần thể đền Angkor Wat, Campuchia, chụp ảnh khỏa thân, khiến dư luận nước này giận dữ vì biểu tượng tín ngưỡng - văn hóa của họ bị xúc phạm nghiêm trọng. 3 du khách phải nộp phạt 750 USD (hơn 17 triệu đồng), nhận án tù treo 6 tháng và bị cấm quay lại Campuchia du lịch trong vòng 4 năm.
Cũng trong năm 2015, hai du khách người Mỹ khiến dư luận Thái Lan bất bình khi chụp hình khoe vòng 3 tại khu đền Wat Arun linh thiêng ở thủ đô Bangkok. Mức phạt dành cho hai du khách là 5.000 baht (hơn 3 triệu đồng), bị trục xuất về nước và cấm quay trở lại Thái Lan.
Phạt mạnh tay liệu đã đủ?
Hiện tại, nhà chức trách ở nhiều quốc gia đã và đang tiến hành những biện pháp mạnh tay để nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của khách du lịch.
Chẳng hạn, nhà chức trách Venice (Ý) sẽ bắt đầu áp dụng thuế du lịch từ năm 2023 như một biện pháp nhằm kiểm soát số lượng du khách đổ về Venice, đồng thời, họ sẽ tăng cường lực lượng cảnh sát tuần tra trên đường phố để ngăn chặn những hành động xấu xí gây ra bởi du khách.
Khu vực phố đèn đỏ ở Amsterdam, Hà Lan (Ảnh: Getty).
Năm 2018, chứng kiến việc lượng khách du lịch đổ về quá đông khiến khu vực phố đèn đỏ ở Amsterdam, Hà Lan trở nên lộn xộn, chính quyền thành phố này cũng đã quyết tâm cải thiện tình hình.
Theo đó, vào những đêm cao điểm, chính quyền sẽ tạm chặn khách tham quan đi vào khu phố đèn đỏ để tiến hành "dọn dẹp đường phố". Ngoài ra, cảnh sát sẽ đi tuần để bắt giữ và xử phạt những trường hợp hành xử vi phạm luật pháp. Quyết định trên được đưa ra sau khi tình trạng "vô pháp" trên những con phố đèn đỏ được phản ánh tới nhà chức trách.
Nhiều quốc gia hấp dẫn du lịch trên thế giới đã áp dụng những biện pháp xử phạt mạnh tay bao gồm các mức phạt tiền, trục xuất, thậm chí phạt tù đối với du khách phạm luật.
Nhưng thực tế, những thông tin gây sửng sốt về các du khách vi phạm luật pháp trong quá trình đi du lịch vẫn thường xuyên xuất hiện trên các trang tin du lịch.
Giữa bối cảnh hoạt động du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới đang dần phục hồi trở lại, người dân ở khắp nơi trên thế giới cũng đang gia tăng mạnh mẽ nhu cầu đi du lịch, sau quãng thời gian buộc phải "bó chân" vì đại dịch Covid-19, đó là một tín hiệu vui, nhưng nhà chức trách ở nhiều quốc gia cũng đang phải đối diện với những "cơn đau đầu" gây nên bởi những du khách thiếu tôn trọng pháp luật.
Một mùa hè bùng nổ du lịch nhưng cũng là một mùa hè tiềm ẩn những sự lộn xộn, hỗn loạn là điều mà nhiều tờ tin tức quốc tế đang cảnh báo về bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch trên thế giới ở thời điểm hiện tại.
Để trải nghiệm đi du lịch thực sự là trải nghiệm vui vẻ, ý nghĩa, để lại những ký ức đẹp đẽ, du khách cần trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về luật pháp tại địa phương mình tới tham quan, để là những du khách hành xử văn minh, hiểu biết, đúng luật.
Bích Ngọc/dantri.com.vn