Dù có diện tích lớn nhất khu tự trị Tây Tạng nhưng đây lại là thành phố duy nhất ở Trung Quốc nơi cây xanh không tồn tại được suốt hàng nghìn năm qua.
Ở những vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới vẫn có loài cây tồn tại. Thế nhưng một thành phố duy nhất ở Trung Quốc không thể trồng được bất cứ loại cây xanh nào. Điều này càng tạo nên sự kỳ lạ của thành phố Nagqu, nơi mệnh danh là trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực phía bắc Tây Tạng.
Với diện tích lên tới hơn 160.000 km2, Nagqu là một trong những khu đô thị lớn nhất ở Trung Quốc đại lục. Tuy vậy, nơi này có dân số vỏn vẹn chỉ khoảng 500 nghìn người.
Biển báo địa phận của thành phố Nagqu (Ảnh: Top).
Nằm ở khu tự trị Tây Tạng, không chịu ảnh hưởng nặng nề của các khu công nghiệp nên khí hậu tại thành phố này rất trong lành, mát mẻ, đồng thời sở hữu nhiều cảnh đẹp nổi tiếng thu hút khách tham quan.
Tại độ cao 4.513m so với mực nước biển và nằm hoàn toàn trong cao nguyên Tây Tạng, cây cối ở đây cơ bản không thể phát triển. Chỉ những nơi gần ao hồ nguồn nước mới có cỏ xanh mọc sát mặt đất. Những người du mục đã tận dụng các bãi cỏ xanh mướt này để chăn thả đàn gia súc. Chúng được thưởng thức thảm thực vật hiếm có.
Tại sao suốt nghìn năm cây xanh không xuất hiện ở Nagqu?
Vùng đất rộng lớn này là nơi tập trung nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm và cả thực vật hiếm có như đông trùng hạ thảo, sen tuyết. Đây còn là nơi sở hữu nhiều tài nguyên khoáng sản quý.
Nagqu nằm tại phía bắc Tây Tạng, giữa dãy núi Tanggula và Nyainqentanglha. Du khách tới đây sẽ được chiêm ngưỡng những dãy núi trùng điệp, cánh đồng cỏ rộng lớn. Khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt đã mang lại cho nơi này vẻ đẹp khác lạ.
Thế nhưng, cây xanh lại không thể tồn tại được. Lý do đầu tiên cản trở sự phát triển của cây cối là do lớp băng vĩnh cửu ở Nagqu. Khí hậu quá lạnh nên băng khó tan và cây không thể ra rễ.
Vắng bóng cây xanh, Nagqu chỉ có những thảm cỏ xanh mượt (Ảnh: China Travel).
Lý do thứ 2 đó là cây cối khó lòng tồn tại ở Nagqu vì gió quá mạnh. Đây là kiểu thời tiết điển hình ở cao nguyên Tây Tạng. Trên địa hình đồi núi cao nguyên, những cơn gió dữ dội là hiện tượng thường thấy. Vào mùa đông, Nagqu bị những cơn gió lớn hoành hành.
Các lối đi tự nhiên hình thành giữa những ngọn núi càng làm tăng sức gió. Bao nhiêu loài thực vật có thể sống sót qua những đợt gió này? Cây lớn sẽ bị quật ngã, còn cây non mới trồng dễ chết sau khi gặp phải cơn gió mạnh như vậy.
Hàng năm, cứ từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thành phố bước vào thời kỳ khô hạn. Khi đó, gió lớn mang theo cát và bụi. Các chuyên gia cho biết, sức gió thời điểm này mạnh tới mức có thể khiến những cây si khổng lồ bật gốc. Vào mùa gió, thảm thực vật tại đây sẽ "biến mất không còn dấu vết".
Vẻ đẹp siêu thực ở thành phố thuộc cao nguyên Tây Tạng (Ảnh: Baidu).
Ngoài ra, nước vốn là nguồn gốc của sự sống. Cây cối phát triển được hay không, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố này. Đất ở Nagqu không thể giữ nước. Tầng đất ở thành phố này cạn.
Tuy lượng mưa không nhỏ, nhưng khả năng thấm của đất đóng băng quá mạnh khiến bộ rễ cây không phát triển, khả năng hút nước cũng kém. Bên cạnh đó, dưới sự tác động của yếu tố khác như ánh sáng tự nhiên cũng là nguyên nhân quan trọng góp phần hạn chế sự tồn tại cây xanh ở đây.
Tờ Xinhuanet của Trung Quốc từng mô tả, tình trạng vắng bóng cây xanh ở Nagqu khiến những người tới đây gặp nhiều khó khăn để thích nghi. Thậm chí, có người chấp nhận bắt chặng xe bus dài tới thành phố Lhasa ở gần đó chỉ để tìm một bóng cây râm mát.
Đây là nơi tập trung nhiều loài động vật quý hiếm (Ảnh: Tibet).
Dù Mẹ thiên nhiên không mang cây xanh tới Nagqu nhưng người dân ở đây từ nhiều đời nay vẫn không ngừng nỗ lực để một ngày nào đó cây cối có thể bén rễ trên vùng đất này. Nhằm khuyến khích người dân, chính quyền địa phương đã treo thưởng hàng trăm nghìn nhân dân tệ cho bất cứ ai trồng được cây xanh thành công.
Huy Hoàng/dantri.com.vn