Theo anh Thanh, khi ăn uống hay nhờ chế biến hải sản, khách du lịch nên nói rõ yêu cầu của mình sau đó hỏi kỹ về mức giá. Nếu thấy đắt có thể mặc cả. Không mặc cả thì rất dễ bị "chặt chém".
Nhà hàng không ai thích chế biến "hộ"
Vụ việc nhóm khách du lịch bị phụ thu 4,5 triệu đồng sau khi nhờ một nhà hàng ở Phan Thiết (Bình Thuận) chế biến 18kg hải sản đang gây ra nhiều luồng tranh cãi. Nhiều người cho rằng, mức thu này là hợp lý, song cũng không ít ý kiến nói đây là hành động "chặt chém" không thể thông cảm.
Câu chuyện "chặt chém" mùa du lịch lại một lần nữa được bàn tán sôi nổi, nhất là vào thời điểm các gia đình, cơ quan ở khắp nơi đang tổ chức những chuyến tham quan, nghỉ dưỡng sau 2 năm bị "chôn chân" vì Covid-19.
Anh Phạm Ngọc Thanh (37 tuổi, Hà Nội) - một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ, nạn "chặt chém" thường xảy ra với nhóm khách lẻ. Các nhà hàng xác định nhóm này không phải khách quen, số lượng ít, chỉ đến một lần nên sẽ tung ra một số "chiêu" bòn rút.
Khách phản ánh mức phí phụ thu 4,5 triệu đồng cho 18 kg hải sản là quá cao (Ảnh: A.X.).
Anh Thanh cho biết: "Nhiều nơi thường mập mờ giá tiền trong thực đơn, giao cho người này báo giá nhưng lúc thanh toán lại là một người khác chốt hóa đơn và viện cớ… người trước đó báo giá nhầm. Ngoài ra, họ có thể báo giá thấp cho khách nhưng khi tính tiền lại chỉ vào giá cao hơn trên bảng niêm yết đang được đặt ở vị trí khuất tầm nhìn…
Hình minh họa trong thực đơn thường chụp đầy đặn nhưng trong thực tế món ăn lên đĩa lại ít nhiều khiến nhiều người bắt buộc phải gọi thêm… Ngoài ra, còn một số chiêu trò khác như cân ngay hải sản khi vừa vớt khỏi bể chứa khiến phần nước chưa kịp thoát bớt, điều chỉnh thông số trên cân…".
Nói về tiền công chế biến hải sản, anh Thanh cho rằng, không có một mức giá hay một công thức chung cho việc này bởi còn tùy vào thể loại hải sản, độ cầu kỳ của món ăn, gia vị đi kèm… Nếu khách hàng ăn ngay tại cửa hàng thì sẽ phải tính thêm phí phục vụ, tiền đồ uống, chỗ ngồi, phí rửa chén bát…
Khách hàng nên hỏi rõ về giá cả, phí dịch vụ của các nhà hàng. (Ảnh: P. H)
"Trước đây, khi làm việc tại một tàu du lịch ở Hạ Long (Quảng Ninh), tôi cũng thấy không ít khách nhờ nhân viên trên tàu chế biến hải sản. Thông thường, tiền công chế biến hải sản cho một nhóm khoảng 6 người ăn "bèo" cũng phải 700 nghìn đến 1 triệu đồng. Đó là các món chế biến đơn giản, ít cầu kì", hướng dẫn viên du lịch 37 tuổi cho hay.
Vì không có cơ sở cụ thể để xác định nên tiền công chế biến thường là chủ đề gây ra nhiều bất đồng. Có cửa hàng sẽ coi đây là cơ hội để kiếm thêm khi có khách hàng nhờ chế biến.
Theo anh Thanh, các nhà hàng thường không thích chế biến cho khách vì họ cũng đang kinh doanh chính những mặt hàng hải sản đó. Nếu có khách đưa đến những món hàng mà bản thân họ cũng đang bán đương nhiên họ sẽ cảm thấy sản phẩm của mình đang bị "chê", không được tin tưởng nên không thoải mái.
Chính vì vậy, anh Thanh đưa ra lời khuyên với những khách hàng thường thích tự đi chợ nhưng lại không muốn nấu nướng mỗi lần đi du lịch rằng: "Khách nên nói rõ yêu cầu của mình sau đó hỏi kỹ về mức giá. Nếu thấy đắt có thể mặc cả. Không mặc cả thì rất dễ bị chặt chém. Chủ hàng thấy khách dễ tính sẽ càng lấn tới, mặc sức "chém".
Ngoài ra, để đôi bên thoải mái, nên mua thêm một vài món ăn của nhà hàng để phía phục vụ cảm thấy mình cũng có thêm lợi ích, không phải tính đến việc tính công chế biến quá cao".
"Bí kíp" chọn quán uy tín
Mùa du lịch đang ở vào thời kỳ cao điểm. Nhiều nơi tại Việt Nam chỉ có thể đón khách trong những tháng hè, chính vì vậy, khó tránh khỏi tình trạng "chặt chém" du khách. Để trở thành những vị khách du lịch thông thái, thiết nghĩ mỗi người nên trang bị cho mình một số "bí kíp" để tránh gặp phải tình trạng tăng giá, "móc túi" khi đi tham quan, nghỉ dưỡng.
Chị Phạm Thu Hà (34 tuổi, sống tại chung cư Kim Văn - Kim Lũ, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, trước khi đi du lịch, chị thường lên mạng hoặc tham gia các hội nhóm để tìm hiểu trước một số nhà hàng, quán ăn được đánh giá, phản hồi tốt/xấu ở nơi đó.
Trước khi gọi món, chị sẽ kiểm tra trước bảng giá niêm yết. Nếu quán không có bảng giá rõ ràng, chị sẽ cân nhắc tới phương án chuyển qua quán khác.
"Nếu dùng bữa tại quán, tôi sẽ kiểm tra kỹ và chụp hình hóa đơn (hoặc danh sách số món đã gọi) để xem hóa đơn có đúng với số món mình đã gọi và sử dụng hay không, sau đó mới thanh toán. Tôi chưa gặp tình trạng tính tiền bất nhất, nhưng thiết nghĩ, nếu thấy giá cao hơn niêm yết, hãy thẳng thắn trao đổi với chủ quán", chị Hà nói.
Mỗi lần đi du lịch, chị Hà cũng không quên "bỏ túi" số điện thoại đường dây nóng của phòng/sở du lịch địa phương để kịp thời phản ánh nếu mình bị "bắt chẹt" khi đi mua sắm hay ăn uống.
Chị Thu Hà thường tìm hiểu kỹ thông tin về các điểm đến trong chuyến du lịch của mình. (Ảnh: P. H)
Anh Phạm Quốc Thắng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể rằng bản thân không bao giờ bước chân vào những quán chèo kéo, gạ gẫm khách. Anh nhận thấy những nơi này thường có giá cao hoặc có chiêu trò "móc túi" khách hàng như cân "điêu", tính tiền cao hơn so với giá niêm yết.
"Một số quán vắng khách thường có xu hướng chèo kéo, gạ gẫm khách vào mua. Bạn nên chọn những quán đông khách vì có thể đó là những quán uy tín, được nhiều người biết đến và ủng hộ.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo, hỏi người dân địa phương để biết những quán ăn chất lượng, bán đúng giá. Một số tài xế thường gợi ý khách đến quán này, quán kia rồi "bơm" bằng những thông tin như quán đó ăn ngon, giá rẻ, được nhiều người chọn. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc vì có thể tài xế đã liên kết với nhà hàng để được nhận "hoa hồng", anh Thắng chia sẻ kinh nghiệm.
Theo dantri.com.vn