Du lịch Đắc Lắc nỗ lực làm mới sau đại dịch

Thứ 4, 13.07.2022 | 08:28:30
465 lượt xem

Sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19, du lịch tỉnh Đắc Lắc đã phục hồi mạnh mẽ, lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Để thu hút và giữ chân du khách, ngành du lịch Đắc Lắc đã nỗ lực làm mới mình bằng nhiều sản phẩm hấp dẫn, độc đáo.

Nhiều tour du lịch mới lạ 

Sau nhiều lần ấp ủ chờ dịch Covid-19 được khống chế, Nguyễn Thanh Dung (Hà Nội) mới có cơ hội đặt chân đến thành phố cà phê Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Cô ghé buôn Ako Dhông, phường Tân Lợi, nằm trong lòng thành phố, ngắm những ngôi nhà dài Ê Đê truyền thống cổ kính. Tiếp đến, Dung tìm về làng đảo Bản Đôn (thuộc xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) trải nghiệm cảm giác chênh vênh trên những chiếc cầu treo vắt qua dòng Sêrêpôk, nghe kể về huyền thoại săn, thuần dưỡng voi rừng. Điểm cuối cô dừng chân là vòng quanh hồ Lăk (huyện Lắc), ngắm vẻ đẹp hoang sơ mà hùng vĩ; đến dinh Bảo Đại tọa lạc trên đồi lộng gió, thăm nơi ở của vị vua cuối cùng triều Nguyễn. Kết thúc chuyến đi hai ngày một đêm, Dung chia sẻ nhiều kỷ niệm tuyệt vời và mong có dịp trở lại với cao nguyên Đắc Lắc.

Du lịch Đắc Lắc nỗ lực làm mới sau đại dịch
Du khách tham quan Bảo tàng Thế giới cà phê. 

Khi ngành du lịch mở cửa cũng là lúc các công ty kinh doanh trong lĩnh vực du lịch “bừng tỉnh” sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch bệnh. Những ngày này, anh Lê Hoàng Cơ, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Du lịch và Thương mại Đam San (Đắc Lắc) khá bận rộn với việc tiếp đón, thiết kế các tour du lịch theo yêu cầu của du khách. Anh Cơ cho biết, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch mở cửa trở lại thì lượng du khách tăng cao. Riêng công ty của anh, lượng khách tăng hơn 60% so với 3 tháng trước. Những ngày cuối tuần, lượng khách lưu trú rất đông, hết phòng, công ty phải giới thiệu sang điểm lưu trú khác.

Theo anh Cơ, du lịch Đắc Lắc đang hồi phục, trở về thời điểm năm 2019 (khi chưa có dịch Covid-19). Đây là tín hiệu vui cho ngành công nghiệp không khói của địa phương. Có nhiều lý do khiến du lịch phục hồi mạnh như: Đang kỳ nghỉ hè, lượng khách phía Bắc và Nam có nhu cầu khám phá vùng đất mới với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; nhiều khách lên Đắc Lắc tìm cơ hội kinh doanh, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng.

Du lịch Đắc Lắc nỗ lực làm mới sau đại dịch
Du khách trải nghiệm ẩm thực, âm nhạc Tây nguyên. 

Nắm bắt nhu cầu, xu hướng thiên về trải nghiệm khám phá thiên nhiên của du khách, Công ty TNHH Đầu tư Du lịch và Thương mại Đam San đã chủ động khảo sát, đưa ra nhiều điểm du lịch mới lạ cho khách lựa chọn, gồm: Tham quan trang trại (vườn bơ, sầu riêng, ca cao...); thám hiểm cảnh quan du lịch trên sông, thác; khám phá hệ thống hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận ở Đắc Nông. 

Mới đây nhất, anh Cơ đã thiết kế tour khám phá hang động núi lửa Nâm Blang (huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông) cho đoàn khách đi bằng mô tô phân khối lớn từ TP Hồ Chí Minh lên Đắc Lắc vào cuối tháng 6. Theo cách tổ chức của anh Cơ, du khách có cơ hội khám phá cảnh quan thiên nhiên, trải nghiệm vượt dòng sông chảy ngược huyền thoại. Sau chuyến đi, du khách có phản hồi khá tích cực. Đây là một trong những động lực để anh Cơ tiếp tục tìm kiếm, khai phá thêm nhiều điểm du lịch mới, hấp dẫn. Ngoài ra, anh Cơ còn chủ động kết hợp các đơn vị lữ hành để giới thiệu tiềm năng du lịch, thu hút khách đến với Đắc Lắc. Công ty TNHH Đầu tư Du lịch và Thương mại Đam San cũng thường xuyên tổ chức các đoàn famtrip mời các công ty lữ hành đến khảo sát, lựa chọn, xây dựng chương trình du lịch hấp dẫn, hiệu quả, thiết thực để giới thiệu đến du khách.

Làm mới để giữ chân du khách

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc, hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc. Trong 6 tháng, Đắc Lắc đón khoảng 540.000 lượt khách; doanh thu du lịch ước đạt 432 tỷ đồng, đạt 56,14% kế hoạch và tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng Bảo tàng Đắc Lắc đón và phục vụ 21.552 lượt khách tham quan. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành du lịch Đắc Lắc sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch Covid-19. Dẫu vậy, để giữ được mức tăng trưởng trên và ổn định là thử thách rất lớn. Bởi thị hiếu du lịch của du khách cũng thay đổi theo hướng thiên về du lịch canh nông, du lịch farmstay và du lịch tâm linh.

Du lịch Đắc Lắc nỗ lực làm mới sau đại dịch
Các nghệ nhân biểu diễn nghề làm gốm thủ công độc nhất Tây Nguyên. 

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, các công ty lữ hành kiến nghị, chính quyền, các sở, ban, ngành quản lý du lịch cần xây dựng nghị quyết phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh; quan tâm hơn đến công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch của địa phương; xác định được khách hàng tiềm năng để tổ chức các đợt xúc tiến, kết nối trúng, đúng, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn về đất đai, thậm chí có nghị quyết riêng thúc đẩy loại hình farmstay phát triển; xây dựng các buôn văn hóa giàu bản sắc; đặc biệt nên lấy TP Buôn Ma Thuột làm điểm nhấn, kích cầu thu hút du lịch của tỉnh Đắc Lắc và toàn vùng Tây Nguyên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Gia Duẩn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc cho biết, khi dịch bệnh được kiểm soát, việc phục hồi du lịch nhận được sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị chứ không riêng ngành văn hóa, thể thao, du lịch. Mỗi người dân, mỗi đơn vị kinh doanh du lịch đều trăn trở làm sao xây dựng hình ảnh tươi mới để du khách khi quay trở lại sẽ ấn tượng hơn, hấp dẫn hơn và cần phải cởi mở, thân thiện hơn để thu hút du khách đến với Đắc Lắc. Sở đã có chỉ đạo ngành văn hóa toàn tỉnh và đặc biệt là Hiệp hội Du lịch Đắc Lắc xây dựng những mô hình, phiên bản du lịch mới thu hút du khách, đi kèm đó là phải bảo đảm an toàn cho du khách.

“Rất mừng là trong các dịp lễ hội gần đây, nhiều cơ sở lưu trú du lịch ở Đắc Lắc luôn kín phòng. Đây là tín hiệu rất vui cho ngành du lịch, chưa kể những đoàn khách đi theo kiểu trải nghiệm. Họ không ở khách sạn mà ở lều trại hoặc về các homestay. Hiện những mô hình du khách ưa thích khi đến Đắc Lắc là trải nghiệm du lịch sinh thái: Có cà phê, không gian văn hóa cồng chiêng, đặc biệt là văn hóa voi. Bên cạnh đó, hiện nay, các hộ gia đình chủ động mở homestay, farmstay gắn với du lịch xanh và bền vững, đặc biệt gắn với nông nghiệp. Đó là một lợi thế, nền tảng phát triển du lịch nông nghiệp thời gian tới của tỉnh Đắc Lắc”, ông Đặng Gia Duẩn nhận định.


PHƯƠNG KHÁNH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/du-lich-dac-lac-no-luc-lam-moi-sau-dai-dich-699694

  • Từ khóa