Chiều 15/7, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị (Ảnh: TCDL)
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, sự vượt khó của ngành đã tạo ra được bức tranh tươi sáng về ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, sau 2 năm gần như đóng băng hoàn toàn do Covid-19, du lịch Việt Nam đã có những dấu hiệu khởi sắc khi Chính phủ cho phép mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 413 nghìn lượt. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 tăng gấp đôi so với tháng 4; tháng 6 tăng gấp 4 lần so với tháng 5. Đa số khách từ các quốc gia được miễn thị thực (Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia), khách sử dụng thị thực điện tử (Mỹ, Australia, Ấn Độ).
Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn hạn chế do một số nước vẫn đang áp dụng các chính sách phòng chống dịch chặt chẽ. Trung Quốc thực hiện chính sách “không Covid-19”, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Hàn Quốc, Nhật Bản còn thận trọng trong việc mở cửa đi lại, du lịch. Xung đột Nga-Ukraine và những hệ lụy dẫn đến sự sụt giảm lượng khách Nga và ảnh hưởng tiêu cực đối với các khách du lịch ra nước ngoài của châu Âu. Mặt khác, thời điểm này chưa phải là mùa cao điểm đón khách quốc tế, hơn nữa du khách quốc tế thường cần thời gian từ vài tháng đến 1 năm để lên kế hoạch trước chuyến đi du lịch.
Để thực hiện mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch quốc tế năm 2022 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần khai thác tốt các thị trường đã có kết nối lại hàng không như Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Australia, ASEAN; chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng: Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tham luận tại Hội nghị (Ảnh: TCDL) |
Tổng cục Du lịch sẽ kết nối, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hãng hàng không và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch triển khai Chương trình “Live fully in Vietnam" theo 5 nội dung cụ thể: (1) tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Âu, Australia và New Zeland; (2) tham gia tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam và các hoạt động xúc tiến tại hội chợ du lịch JATA (tại Nhật Bản vào tháng 9) và Hội chợ WTM (tại London vào tháng 11); (3) phối hợp với các hãng hàng không triển khai các gói kích cầu, áp dụng cho các đường bay để cùng thu hút nhanh khách vào Việt Nam; tổ chức chương trình khảo sát tại Việt Nam cho hãng lữ hành, báo chí từ châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ; (4) phát huy vai trò Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ kết nối lại doanh nghiệp du lịch Việt Nam với các đối tác nước ngoài sau khi bị gián đoạn bởi Covid-19, (5) đẩy mạnh hoạt động e-marketing, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, năm 2022, Quảng Nam vinh dự được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, đã truyền tải thông điệp du lịch an toàn, thân thiện, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế, phát triển theo hướng hài hòa và bền vững với 6 nhóm chủ đề gồm 64 hoạt động trong cả năm 2022. Trong 6 tháng, toàn tỉnh đã đón được 2,5 triệu lượt khách.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, để phục hồi ngành du lịch trong tình hình mới, Thành phố đã ban hành các chủ trương, chương trình, kế hoạch tạo tiền đề phục hồi, phát triển du lịch như Chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City", chương trình thu hút khách MICE cũng như nâng cấp, phát triển sản phẩm mới, đẩy mạnh thông tin, xúc tiến quảng bá trên các nền tảng trong hệ sinh thái thông tin du lịch của Thành phố đến các nhân vật có sức hút lớn trong cộng đồng mạng. Đồng thời, Thành phố đã khởi động lại hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch song phương, đa phương với các tỉnh, thành và các vùng miền trong cả nước.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong 6 tháng đầu năm, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo các địa phương, toàn ngành đã gặt hái được những thành công, trong đó có những điểm sáng quan trọng.
Đối với ngành du lịch, về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu cần lưu ý quy hoạch về điểm đến và khu du lịch. Theo Bộ trưởng, dù du lịch bùng nổ trở lại nhưng về lâu dài thì cần phải dựa trên Quy hoạch này mới thu hút đầu tư, tạo ra sản phẩm.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao các điểm sáng về du lịch của các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa… và cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ đồng hành, hỗ trợ để có thêm các điểm đến an toàn, có thêm sản phẩm mới về du lịch.
Theo nhandan.vn