Từ ý tưởng “đi đến những miền đất mới một cách thuận tiện, an toàn và độc đáo”, một nhóm bạn trẻ Việt Nam và Vương quốc Anh đã cùng nhau tạo ra Tubudd - nền tảng công nghệ kết nối khách du lịch quốc tế với những người bạn bản địa. Trải qua bốn năm phát triển, trong đó trụ vững qua hai năm đại dịch Covid-19, họ đang nỗ lực gây dựng một cộng đồng hướng dẫn viên năng động, tâm huyết với đam mê đóng góp cho du lịch Việt Nam.
Buddy Phạm Hoàng Vũ đồng hành với du khách Australia khám phá Hà Nội. (Ảnh Thảo Phương)
Trên thực tế, việc kết nối khách du lịch quốc tế với những người bạn am hiểu địa phương đã có từ nhiều năm nay và vẫn luôn diễn ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... Trong đó, các câu lạc bộ tình nguyện của nhiều trường đại học có nhiều thế hệ sinh viên sẵn sàng giao lưu, hướng dẫn du khách trong những chuyến đi ngắn ngày. Tuy nhiên, Tubudd vẫn là nền tảng công nghệ đầu tiên ở Việt Nam kết nối du khách và hướng dẫn viên bản địa. Chính yếu tố tính bản địa là điều khiến Tubudd tự hào và là yếu tố cạnh tranh với những hình thức du lịch truyền thống, phổ biến khác.
Trải nghiệm hơn cả một chuyến đi
Một ngày mùa hè cuối tháng 7, vợ chồng anh Jeff Vogstad (quốc tịch Canada) và chị Glady Vogstad (quốc tịch Singapore) cùng hai con lần đầu đến Hà Nội. Dành một ngày tham quan, họ có sự đồng hành của Nguyễn Hồng Minh (sinh năm 1992), một nữ nhiếp ảnh gia tự do. Không quen biết nhau từ trước, nhưng quen qua “cầu nối” là nền tảng Tubudd trước đó, cả khách và “chủ nhà” đều có những trải nghiệm tuyệt vời. Hồng Minh dẫn gia đình du khách đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội, xuyên qua những con ngõ nhỏ để ngắm nhìn những công trình cổ kính và thưởng thức ẩm thực đường phố Hà Nội, nơi cô sinh ra và lớn lên. Thông tin về kiến trúc, lịch sử, văn hóa được Minh truyền tải đến những người bạn ngoại quốc một cách gần gũi, hấp dẫn, bằng góc nhìn và cả kỷ niệm của bản thân mình.
Ngay cả trận mưa giông bất chợt trên đường cũng không làm chuyến đi vòng quanh phố phường Thủ đô bớt thú vị. Lúc đó cả đoàn đang đi bộ từ Hoàng thành Thăng Long về phía Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồng Minh nhanh chóng đưa khách vào trú mưa tại một quán cà-phê trên đường Điện Biên Phủ và không bỏ lỡ cơ hội giới thiệu về Cột cờ Hà Nội cùng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ngay kế bên, những điểm đến đặc sắc dù không có trong kế hoạch.
Kết thúc tour tham quan kéo dài tám giờ, Minh nhận được một khoản thù lao tương xứng và những dòng đánh giá tốt đẹp từ gia đình Vogstad: “Cảm ơn bạn đã khiến cho một ngày ở Hà Nội trở nên đặc biệt, đáng nhớ. Kiến thức về lịch sử, văn hóa của bạn thật tuyệt vời, bạn đã cho chúng tôi thấy những góc thật khác lạ, ít thấy của Hà Nội. Và cảm ơn vì đã “xử lý” cơn mưa!”. Dù đã gắn bó với Tubudd 4 năm và có nhiều tour thành công, Hồng Minh vẫn luôn xúc động khi được khách hàng động viên, khen ngợi. Cô gái trẻ từng tự ti, cho rằng phải ăn nói khéo léo lắm thì mới được làm hướng dẫn viên, thì nay rất yêu thích công việc của mình và hiểu rằng điều chinh phục du khách chính là sự chân thành, nhiệt tình cùng tình yêu dành cho thành phố mình sống.
Minh khẳng định qua những chuyến đi không chỉ du khách có thêm hiểu biết về đất nước, con người Việt Nam mà chính cô cũng học hỏi được rất nhiều. Thí dụ, có lần Minh gợi ý một nữ du khách Brazil mua chuồn chuồn tre làm quà lưu niệm, thấy vị khách tỏ ra ấn tượng trước vẻ đẹp và sự độc đáo của sản phẩm, cho nên cả hai đã cùng đi luôn đến làng nghề chuồn chuồn ở Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội), tận mắt chứng kiến các nghệ nhân khéo léo biến thân tre thành những chú chuồn chuồn sống động muôn màu…
Kể từ khi chính thức hoạt động vào năm 2018, Tubudd (cách gọi biến thể của “tour buddy”, tạm dịch “người bạn của chuyến đi”) đã hỗ trợ hàng nghìn du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới trải nghiệm du lịch Việt Nam theo cách mới mẻ, hòa mình vào cuộc sống địa phương, đồng thời mang đến cơ hội trau dồi kỹ năng và kiếm thêm thu nhập cho hàng trăm bạn trẻ người Việt. Với mức giá trung bình một giờ dẫn tour từ 5 đến 20 USD (khoảng 115.000-465.000 nghìn đồng), tùy trình độ ngoại ngữ và một số năng lực khác, Tubudd thu hút cả hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp lẫn “buddy” làm việc bán thời gian.
Đáng chú ý, không chỉ có du khách nước ngoài mà người Việt Nam cũng hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ của Tubudd để tìm bạn đồng hành cho chuyến phiêu lưu của mình. Ngay khi du lịch nội địa mở cửa trở lại sau Covid-19, chị Nguyễn Thị Anh Vân (43 tuổi, sống ở Hà Nội) đã thực hiện một chuyến đi kéo dài gần ba tháng từ Móng Cái (Quảng Ninh) tới Đất Mũi (Cà Mau), gặp gỡ 15 “buddy” của Tubudd ở nhiều tỉnh, thành phố duyên hải và có những trải nghiệm “để đời”, như cắm trại qua đêm trên bờ biển, ăn đặc sản vùng, miền chưa bao giờ được thử...
Chỉ cần truy cập website hoặc tải ứng dụng Tubudd trên điện thoại thông minh rồi lựa chọn điểm đến, ngày giờ, ngôn ngữ..., du khách sẽ lựa chọn bạn đường trong một danh sách hướng dẫn viên bản địa với thông tin cá nhân đầy đủ và đã được xác minh, cùng nhận xét từ những tour trước đó. Một lợi thế khác của các chuyến đi này so với du lịch truyền thống là tính “cá nhân hóa”, khách không cần đi theo tour cố định cùng nhiều người khác. Thay vào đó, “buddy” sẽ hỗ trợ lên lịch trình và thay đổi tùy cảm hứng, thậm chí tùy thời tiết.
Không chỉ phục vụ khách lẻ hoặc những nhóm bạn, Tubudd cung cấp cả hướng dẫn viên cho xu hướng “workcation” (vừa đi làm, vừa kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi). Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều doanh nhân nước ngoài có nhu cầu đến Việt Nam vì công việc kinh doanh đã đưa gia đình theo và ở lại trong nhiều tuần. Họ có thể đặt “buddy” làm trợ lý sắp xếp lịch trình họp hành, di chuyển, hoặc đặt “buddy” đưa cả nhà đi chơi, hoặc đồng thời cả hai.
Tối ưu hóa ý tưởng bằng công nghệ
“Đa dạng, minh bạch và bản địa” là ba từ khóa mà thành viên sáng lập kiêm giám đốc điều hành Vũ Thị Thái An chọn khi miêu tả Tubudd. Đây không phải một ý tưởng bất chợt mà là kết quả từ quá trình quan sát, tư duy của cô gái trẻ sinh năm 1991. Là cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thái An ham du lịch và từng nhiều lần dẫn bạn ngoại quốc đi chơi ở Hà Nội, có cả những lần đi “phượt” từ bắc vào nam. Khi du học ở thành phố Manchester (Anh), Thái An gặp Anthony Cruickshank, một người Anh cũng đam mê du lịch và có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này.
Cả hai cùng nhận ra những khó khăn, bất lợi của người nước ngoài khi đi du lịch tự túc tại Việt Nam, song chưa có giải pháp cụ thể. Ít ai biết rằng, những ngày đầu, Thái An từng gây dựng Tubudd bằng cách gọi vốn trên… Facebook. Cho đến một lần, An kết nối được với người đồng hương Đặng Tiến Cường, kỹ sư công nghệ thông tin từng làm việc cho nhiều tập đoàn lớn ở Hàn Quốc và Singapore. Anh Tiến Cường ủng hộ ý tưởng của Thái An và dùng sở trường của mình để phụ trách phần tạo ra một nền tảng trực tuyến. Những cuộc gọi xuyên đêm, xuyên biên giới đã hình thành nên đội ngũ Tubudd. Thái An, Anthony và Tiến Cường quyết định đặt trụ sở Tubudd tại Việt Nam bởi niềm tin vào tiềm năng phát triển du lịch của quê hương Việt Nam, và cả mong muốn làm điều gì đó chắp cánh cho giấc mơ của những bạn trẻ muốn khám phá thế giới.
Ý tưởng sáng tạo được tối ưu hóa bởi công nghệ đã giúp Tubudd vượt qua sóng gió mà đại dịch Covid-19 gây ra. Trong thời gian ngành du lịch “đóng băng”, Tubudd vẫn không phải giải thể hay biến mất, mà phát huy hiệu quả khi chuyển hướng sang hỗ trợ các vị khách nước ngoài bị mắc kẹt do Covid-19. Nền tảng này từng giành nhiều giải thưởng về khởi nghiệp sáng tạo trong nước và ngoài nước, trong đó có các giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Du lịch Việt Nam...; giải ba VietChallenge tại Boston (Mỹ)…
Mới đây nhất, tháng 7/2022, Tubudd gọi vốn thành công từ quỹ khởi nghiệp TheVentures (Hàn Quốc). Ông Chris Kim, đại diện quỹ này tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong những đất nước được nhiều người Hàn Quốc yêu thích, muốn đi du lịch. Sau đại dịch, ngành du lịch Việt Nam đang hồi sinh nhanh chóng với tiềm năng to lớn, và đầu tư cho Tubudd chính là bước đầu tiên của chúng tôi”.
Để bảo đảm sự minh bạch, Tubudd yêu cầu cá nhân đăng ký làm “buddy” cung cấp các giấy tờ chứng minh nhân thân, địa chỉ được xác thực, rồi đến một buổi phỏng vấn kỹ năng ngoại ngữ và kiến thức xã hội. Ứng dụng này cũng có chức năng xếp hạng, bình luận... để khách lưu lại những đánh giá chân thực về “buddy” và chuyến đi. Để hướng tới sự đa dạng, vừa qua Tubudd công bố lộ trình phát triển sau Covid-19 với sự phân loại và chuyên nghiệp hóa hướng dẫn viên, chia thành sáu nhóm để phục vụ mọi nhu cầu phong phú của du khách: du lịch khám phá, mua sắm, ăn uống, thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu lịch sử, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh...
Bên cạnh việc kiểm tra những kỹ năng đã có, Tubudd còn tổ chức tập huấn cho các “buddy” về giao tiếp, dịch vụ khách hàng, và mới đây nhất là phối hợp với FAS Angel (nhóm tình nguyện hỗ trợ sơ cứu lưu động do một nhóm tài xế công nghệ sáng lập) để đào tạo những kiến thức cần thiết về sơ cứu, cấp cứu... Tất cả đều nhằm nâng cao chất lượng các chuyến đi, khiến khách hàng hài lòng và hướng dẫn viên cũng hưởng lợi.
Hiện nay, Tubudd đang triển khai liên kết với các câu lạc bộ ngoại ngữ, hướng nghiệp trong các trường đại học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm nguồn nhân lực, với mục tiêu cung cấp 1.000 hướng dẫn viên đạt tiêu chuẩn trong năm 2022. “Chúng tôi nỗ lực để tổ chức các hoạt động gặp mặt, học tập và giao lưu giữa tập thể “buddy” ở từng thành phố, để mọi người hiểu và gắn kết với nhau hơn”, CEO Vũ Thị Thái An chia sẻ thêm. Tất nhiên, lý tưởng và ước mơ của doanh nhân trẻ và những người bạn của mình không dừng lại ở đó. Với tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào về Việt Nam tươi đẹp, những “buddy” ấy còn khát khao biến Tubudd thành một trong những ứng dụng mà mọi du khách sẽ tải về và sử dụng khi đến với Việt Nam.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/ket-noi-nhung-trai-tim-yeu-viet-nam-post711316.html