Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 tại Quảng Nam là cơ hội vàng để tỉnh quảng bá hình ảnh và tăng cường liên kết du lịch với các nước thành viên của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Quang cảnh Diễn đàn du lịch Mekong 2022 . (Ảnh: TTXVN)
Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 (MTF) với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, kiên cường phục hồi du lịch” đã khai mạc ngày 12/10 tại Khu nghỉ dưỡng Hoiana Resort & Golf, tỉnh Quảng Nam.
Đây là sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam chủ trì tổ chức với sự phối hợp của Văn phòng Điều phối du lịch Mekong (MTCO) và hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Được tổ chức sau Phiên họp Nhóm công tác du lịch Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 50 và phiên họp Hội đồng Văn phòng Điều phối du lịch Mekong, diễn đàn đã thu hút hơn 250 đại biểu đến từ các nước Tiểu vùng sông Mekong, đại diện các tổ chức du lịch quốc tế và Việt Nam.
Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 bao gồm 3 phiên thảo luận gồm: “Doanh nghiệp công: Một công cụ hiệu quả và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững”; “Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững” và “Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh."
Tại đây, các diễn giả đã chia sẻ phương pháp tối ưu nhất về việc tận dụng các công cụ kỹ thuật số để tối đa hóa tác động tích cực của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương.
Các phiên thảo luận nêu bật những thách thức, giải pháp và cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để áp dụng tốt hơn công nghệ và hội nhập vào nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh Diễn đàn du lịch Mekong được tổ chức hằng năm nhằm nâng tầm khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).
Sự kiện đã quy tụ các nhà lãnh đạo du lịch trong khu vực để xem xét việc xây dựng lại ngành du lịch của khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa vào khả năng phục hồi và tận dụng hiệu quả công nghệ để tạo ra một ngành du lịch bền vững và toàn diện hơn.
Ông Nguyễn Trùng Khánh khuyến khích các bên liên quan đến du lịch ở mọi quy mô tận dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ khả năng phục hồi và tính bền vững của ngành; đồng thời nâng cao năng lực của ngành du lịch thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân chia sẻ Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 là sự kiện du lịch cấp vùng trực tiếp đầu tiên được tổ chức tại Quảng Nam từ năm 2020. Đây là cơ hội vàng để tỉnh quảng bá hình ảnh và tăng cường liên kết du lịch với các nước thành viên của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Quảng Nam đang nỗ lực giúp ngành du lịch phục hồi do tầm quan trọng về kinh tế, cũng như các giá trị xã hội và môi trường mà du lịch mang lại.
Là đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện du lịch quốc gia lớn nhất trong năm “Du lịch Việt Nam 2022” với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh," Quảng Nam cam kết tăng trưởng bền vững ngành du lịch bằng cách tận dụng công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường tự nhiên.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Diễn đàn du lịch Mekong 2022 là cơ hội quý để tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mới lạ đến bạn bè, du khách gần xa.
Đây còn là dịp để đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển mạnh mẽ du lịch sau đại dịch COVID-19 đồng thời tăng cường kết nối các điểm đến du lịch giữa Việt Nam, Quảng Nam với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.
Chuyên gia cao cấp về du lịch bền vững, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Wouterus Schalken đã chia sẻ quan điểm về “Hồi sinh du lịch bền vững-Suy ngẫm về Mekong."
Các đại biểu tham dự diễn đàn. (Ảnh:TTXVN)
Theo ông Wouterus Schalken, các nước Tiểu vùng sông Mekong cần quan tâm nhiều đến các chính sách, quy định và đầu tư liên quan cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch; tập trung vào cơ sở hạ tầng chất lượng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và áp dụng các thực tiễn điều hành và đa dạng hóa thân thiện với môi trường trong toàn ngành du lịch.
Bà Fernanda Rodak đến từ Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) nhấn mạnh du lịch trên toàn cầu đã bắt đầu khôi phục và phát triển sau đại dịch Covid-19 sẽ có tác động mạnh đến sự phục hồi của du lịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Tiểu vùng sông Mekong nói riêng.
Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 với chủ đề "Tái thiết ngành du lịch, kiên cường phục hồi du lịch" chắc chắc sẽ có tác động mạnh đến sự phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng của các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo nhandan.vn