Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Tỉnh Khánh Hòa đang tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, du lịch biển; bảo đảm môi trường phát triển du lịch bền vững.
Một góc Khu kinh tế Vân Phong - nơi được quy hoạch là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp.
Nha Trang-Khánh Hòa là địa chỉ được khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm với những tua du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn liền với biển, đảo, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, cơ sở nghiên cứu khoa học... Cùng với đó, khí hậu ôn hòa, cảnh quan tươi đẹp và con người thân thiện đã tạo cho du lịch biển, đảo Nha Trang-Khánh Hòa một nét sắc thái độc đáo, riêng biệt.
Từng bước khẳng định thương hiệu
Tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, Bộ Chính trị đánh giá, thời gian gần đây, Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển trong phát triển kinh tế-xã hội. Với hệ thống đô thị ven biển được hình thành tương đối hiện đại, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Khánh Hòa đang trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế, từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, kết quả mang lại từ dịch vụ, du lịch biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế to lớn của Khánh Hòa. Sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng; quy hoạch của một số bãi biển đẹp, danh lam thắng cảnh chưa thật sự phù hợp; kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu, chưa đồng bộ; chưa hình thành được một hệ thống kinh tế biển liên hoàn, hiệu quả... Cũng tại Nghị quyết số 09-NQ/TW nêu trên, về điểm yếu, Bộ Chính trị đánh giá vắn tắt: Du lịch Khánh Hòa phát triển chưa bền vững.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành chương trình hành động, trong đó, xác định: Về phát triển dịch vụ, du lịch, tỉnh tập trung phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng; có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; là điểm tựa vững chắc cho sản xuất, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ logistics, kinh tế số theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh.
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh tập trung đầu tư mạnh để khu vực dịch vụ có khả năng tiếp cận với trình độ hiện đại, bảo đảm hội nhập quốc tế và khu vực. Cụ thể là hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; đầu tư, xây dựng hệ thống kho vận, hệ thống logistics, trong đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng và khai thác có hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, cảng hàng hóa, cảng tổng hợp, cảng du lịch chuyên dụng... Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới đẳng cấp quốc tế, tỉnh chú trọng các sản phẩm du lịch có đẳng cấp, chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc gắn với du lịch biển, đảo, du lịch núi rừng, sinh thái cộng đồng, du lịch di sản văn hóa, tâm linh và du lịch chăm sóc sức khỏe.
Thực tế cho thấy, dịch vụ, du lịch biển Nha Trang-Khánh Hòa gắn với các khu vực vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang và vịnh Vân Phong. Từ nhiều năm nay, xác định các khu vực này là vùng động lực phát triển của tỉnh, Khánh Hòa đã tập trung xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư để đẩy mạnh phát triển. Đến nay, ba khu vực này đang từng bước thể hiện được vị thế của mình trong phát triển kinh tế-xã hội.
Riêng khu vực vịnh Vân Phong, đồng chí Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, hiện Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đang trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với tính chất là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp, có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Nha Trang là Đô thị du lịch, Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh là Khu du lịch quốc gia, Trường Sa là Điểm du lịch quốc gia. Mới đây, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị cho phép tỉnh Khánh Hòa được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cơ chế khuyến khích và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch biển đảo, dịch vụ vận tải biển, đô thị ven biển. Đây được coi là bước ngoặt mới trong phát triển dịch vụ, du lịch biển, đảo của Khánh Hòa.
Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh - được xác định trở thành Khu du lịch quốc gia. |
Nhiều việc phải làm
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa phát triển mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo chất lượng cao kết hợp vui chơi giải trí, tham quan, thể thao mạo hiểm và khám phá đại dương ở không gian ven biển. Đặc biệt, trong những năm gần đây, du lịch sinh thái ở khu vực phía tây Nha Trang được quan tâm đầu tư khai thác, kết nối với du lịch biển, đảo đã và đang tạo nên một diện mạo mới cho phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Thực hiện mục tiêu định hướng đến năm 2030 đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển mang tầm vóc quốc tế, ngành du lịch tập trung các giải pháp như: ưu tiên đầu tư và khuyến khích mọi nguồn lực tham gia đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; khuyến khích phát triển sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù, sản phẩm dịch vụ mang tính độc đáo, bền vững; xây dựng và triển khai thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn phù hợp quy hoạch tại khu kinh tế Vân Phong, tạo sức lan tỏa của cả tỉnh, khu vực cũng như cả nước.
"Chúng tôi tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: quy hoạch, phát triển hạ tầng; cải thiện môi trường đầu tư, nhằm huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng ưu tiên trước hết cho dịch vụ du lịch biển, đảo chất lượng cao, hướng tới sự chọn lọc, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, từ đó từng bước chủ động cơ cấu được các dòng khách đến với Nha Trang-Khánh Hòa; tập trung bảo đảm môi trường phát triển du lịch bền vững", đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thanh nhấn mạnh.
Tỉnh Khánh Hòa đang kiến nghị Chính phủ xem xét, có cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối để tạo động lực thu hút đầu tư du lịch tại ba vùng động lực phát triển của tỉnh; xem xét bổ sung Khánh Hòa vào danh mục các địa phương được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau theo đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Hiện nay, bảo vệ môi trường biển đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Mới đây, tại Hội thảo Báo chí truyền thông về phát triển kinh tế biển bền vững tại Nha Trang, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi khuyến nghị, để phát triển bền vững kinh tế biển, trước hết cần duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển. Nhằm phát triển bền vững du lịch biển, hướng tới đẳng cấp quốc tế, trong các nhóm giải pháp của mình, Khánh Hòa chú trọng gắn phát triển du lịch với bảo tồn các giá trị thiên nhiên, xã hội của biển, đảo.
Theo nhandan.vn