Cung đường Hạnh Phúc những ngày qua nhộn nhịp hơn hẳn khi liên tiếp có những chuyến xe du lịch, ô tô cá nhân, xe máy chạy theo đoàn đến với Hà Giang để chiêm ngưỡng hoa tam giác mạch đang nở rộ.
Sau chuyến bay sớm từ TP.HCM đến Hà Nội ngày, chị Ngô Thị Kim Hoàn (TP. HCM) tiếp tục di chuyển bằng ô tô đến Hà Giang.
Ngày 25/10, đặt chân đến đồi hoa tam giác mạch thuộc địa phận thôn Sán Trồ (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang), chị Hoàn dường như quên hết mọi mệt mỏi sau hành trình hàng ngàn cây số.
Chị Hoàn (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm bạn trên đồi hoa ở xã Lũng Cú. (Ảnh: P. H. H)
Chị Hoàn cho biết, trước đây chị chỉ được nhìn thấy hoa tam giác mạch qua các bài báo, mạng xã hội. Chị rất tò mò về sức sống mãnh liệt của những bông hoa nhỏ bé trên vùng cao nguyên đá này.
Ngay khi nghe tin hoa tam giác mạch bắt đầu nở rộ, chị cùng 10 người bạn của mình đã đặt tour du lịch đến với Hà Giang.
Khi được tận mắt ngắm nhìn những bông hoa phớt hồng giữa núi đồi, người phụ nữ phương Nam không ngừng thốt lên sung sướng. "Quá đẹp. Đẹp hơn rất nhiều so với những gì tôi xem được trên ảnh", chị Kim Hoàn cho hay.
Thôn Lũng Táo tập hợp vườn hoa của nhiều hộ gia đình. (Ảnh: P. H. H).
Chị Quỳnh Trang (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cũng tranh thủ xin nghỉ phép ít ngày để đi du lịch Hà Giang. Lần đầu đến với vùng cao nguyên đá, chị vô cùng ấn tượng trước những triền hoa trải dài khắp đường đi.
Quỳnh Trang không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những triền hoa. (Ảnh: P. H. H).
"Giá chung vào check-in mỗi ruộng hoa là 10.000 đồng. Thời tiết Hà Giang những ngày qua rất đẹp, nên chúng tôi đã có những bức ảnh ưng ý", chị Trang cho hay.
Giá vé chung mỗi điểm chụp hoa tam giác mạch là 10.000 đồng. (Ảnh: P. H. H).
Cũng theo nữ du khách Hà Nội, hoa tam giác mạch tập trung nhiều nhất ở hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc. Có những ruộng hoa chỉ rộng ba bốn chục mét vuông, nhưng cũng có những nơi hoa được trồng trên một quả đồi hay dưới các thung lũng rộng lớn. Mức "vé" chung các chủ vườn thu là 10.000 đồng bất kể ruộng hoa to hay nhỏ.
Ai cũng muốn lưu giữ những bức hình đẹp nhất với loài hoa đặc trưng của Hà Giang. (Ảnh: P. H. H)
Theo quan sát của PV Dân trí, cung đường Hạnh Phúc những ngày qua nhộn nhịp hơn hẳn khi liên tiếp có những chuyến xe du lịch, ô tô cá nhân, xe máy chạy theo đoàn đến với Hà Giang.
Những đồi hoa dọc cung đường Hạnh Phúc đã bắt đầu đón khách. (Ảnh: P. H. H).
Hoa tam giác mạch được trồng ven cung đường này và tại các điểm tham quan, làng du lịch cộng đồng để phục vụ du khách. Khắp các đồi hoa, thung lũng hoa thuộc bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, hoa đã nở rộ và rất đẹp.
Chị Vừ Thị Mị (thôn Lũng Táo, huyện Đồng Văn) cho biết, gia đình chị trồng hoa để làm bánh kết hợp phục vụ khách du lịch. Phí thu mỗi lượt khách vào vườn chụp ảnh là 10.000 đồng. Khách chụp hoa đang đông đần những ngày qua.
"Mấy năm trước, những tháng cao điểm, trung bình mỗi ngày tôi thu được khoảng 500.000 đồng, có ngày 1 triệu đồng. Hy vọng, năm nay sẽ có nhiều người đến đây hơn. Hoa tam giác mạch đã giúp gia đình tôi có thêm thu nhập", chị Mị cho hay.
Hoa tam giác mạch có màu trắng, phớt hồng. (Ảnh: P. H. H).
Để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, người dân Hà Giang thường trồng gối vụ. Vì vậy, dù vòng đời chỉ khoảng 2 tháng nhưng tam giác mạch vẫn nở rộ trên khắp cao nguyên đá từ tháng 10 cho đến khoảng 1, tháng 2 năm sau (thời điểm Tết âm lịch).
Thời tiết Hà Giang những ngày qua rất đẹp nên du khách có được nhiều bức hình ưng ý. (Ảnh: N. Đ. T).
Hoa tam giác mạch có màu trắng, phớt hồng. Đặc biệt, khi thời tiết lạnh, hoa càng thắm màu và đẹp. Nếu muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những "bông hoa trên đá", du khách có thể đến Hà Giang vào những thời điểm này trong năm.
Trời càng lạnh, sắc hoa tam giác mạch càng thắm và đẹp. (Ảnh: N. Đ. T)
Trao đổi với Dân trí, ông Đặng Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, hoa tam giác mạch là sản phẩm độc đáo nhất của du lịch tỉnh vùng cao này.
Từ giữa tháng 10, Hà Giang đã đón những đoàn khách du lịch đầu tiên đến tham quan các thung lũng hoa đẹp nổi tiếng như ở thôn Lũng Táo, làng văn hóa Lũng Cẩm, làng văn hóa dân tộc Pả Vi…
Phạm Hồng Hạnh/dantri.com.vn