Khách quốc tế sụt giảm, du lịch Việt Nam vẫn "đuổi" Thái Lan?

Thứ 5, 03.11.2022 | 09:07:42
719 lượt xem

Dù đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022 tuy nhiên hiện tại chúng ta mới đi được 1/3 chặng đường. Trong khi đó, Thái Lan tự tin sẽ đón ít nhất 10 triệu lượt khách quốc tế.

Việt Nam là một trong những nước tiên phong mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch sau đại dịch, song lượng khách quốc tế đạt được chưa thực sự cao.

Theo Tổng cục Du lịch, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9 ước đạt 430.000 lượt khách. 9 tháng năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt gần 1,7 triệu lượt. Dù so với năm 2021, con số này gấp 16,4 lần nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ 2019 - năm chưa có dịch Covid-19.

Như vậy, so với mục tiêu 5 triệu khách quốc tế đặt ra trong năm nay, du lịch Việt Nam mới đi được khoảng 1/3 chặng đường.

Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí, việc lượng khách quốc tế chưa được như kỳ vọng có nhiều lý do, để đạt được con số như trước dịch Covid-19, Việt Nam có thể phải chờ đến năm 2024.

Khách quốc tế sụt giảm, du lịch Việt Nam vẫn đuổi Thái Lan? - 1

Khách nước ngoài thích thú chụp ảnh tại phố đường tàu Hà Nội trước khi bị đóng cửa (Ảnh: Tố Linh).

Phải đến 2024 lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới trở về như trước dịch?

Đặt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay, song 9 tháng qua,Việt Nam mới đạt 1/3 mục tiêu với khoảng 1,7 triệu lượt khách. Có thể thấy, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thu hút khách khiến cho ngành du lịch chưa thể phục hồi như kỳ vọng, thưa ông?

Việt Nam mở cửa quốc tế từ ngày 15/3 nhưng du lịch thế giới hồi phục không như kỳ vọng của chúng ta. Các thị trường trọng điểm của Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… chiếm quá nửa khách quốc tế trước dịch nhưng đến hết quý 3/2022, họ vẫn chưa mở cửa hoàn toàn.

Một số thị trường tiềm năng được kỳ vọng như Ấn Độ để thay thế lại còn quá mới mẻ và có nhiều hạn chế cần được đánh giá kỹ với du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, hành vi của du khách sau đại dịch thay đổi là một yếu tố quan trọng khiến công tác quảng bá tiếp thị, xây dựng sản phẩm du lịch của chúng ta buộc phải thiết kế lại từ đầu. Trong giai đoạn hiện nay khách quốc tế có xu hướng đi du lịch theo từng nhóm nhỏ, chú trọng môi trường sinh thái, tự nhiên và bảo đảm yếu tố sức khỏe.

Các đoàn khách đông thường là đi theo dạng khách MICE đòi hỏi điểm đến có cơ sở hạ tầng tốt và dịch vụ chuyên nghiệp sẵn sàng, còn khách lẻ ghép đoàn du lịch thì giảm.

Các hãng lữ hành đón khách quốc tế có thể xem như "xóa bàn cờ làm lại" nên không thể một sớm một chiều đón được khách truyền thống trở lại như xưa.

Dù năm 2023 du lịch được đánh giá là sẽ có nhiều tín hiệu khả quan nhưng tôi cho rằng, phải tới năm 2024 hoặc sau đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới có thể trở về mức năm 2019.

Khách quốc tế sụt giảm, du lịch Việt Nam vẫn đuổi Thái Lan? - 2

Nhiều đơn vị lữ hành cho rằng, visa là "nút thắt" khiến họ khó lòng cạnh tranh trong việc kéo du khách đến Việt Nam (Ảnh: Tố Linh)

Đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á hiện miễn thị thực cho khách quốc tế từ 30 ngày và có thể gia hạn trước khi hết hạn, trong khi đó Việt Nam chỉ cấp visa 15 ngày. Nhiều đơn vị lữ hành cho rằng, visa là "nút thắt" khiến họ khó lòng cạnh tranh trong việc kéo du khách đến Việt Nam, thưa ông?

Chính sách visa đúng là có cản trở sự cạnh tranh thu hút khách quốc tế và các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch inbound của Việt Nam với các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên nói rằng chính sách visa là điểm nghẽn duy nhất ảnh hưởng đến số lượng khách quốc tế đến Việt Nam thì cần phải xác định cụ thể bao nhiêu lượt khách bị từ chối hay bao nhiêu khách bị ảnh hưởng bởi chính sách visa. Đây là điều là khó thể thống kê.

Việc lượng khách quốc tế chưa được như kỳ vọng có nhiều lý do như tôi đã nói ở trên. Ngoài ra, có thể thấy, ngay cả sau khi tuyên bố mở cửa từ 15/3 nhưng ngành du lịch của chúng ta vẫn chưa hoàn toàn có đầy đủ một kế hoạch quảng bá tiếp thị bài bản phổ biến về các thủ tục nhập cảnh phòng chống dịch COVID mà chủ yếu vừa làm vừa rút kinh nghiệm triển khai.

Các giải pháp thu hút khách quốc tế của ngành du lịch cũng chưa được đồng bộ, chưa được sự phối hợp chặt chẽ các ngành khác.

Một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch được bàn luận rất nhiều tại các hội nghị, như hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp du lịch, miễn visa nhiều quốc gia hơn, cơ chế duyệt evisa thông thoáng hơn và kéo dài thời hạn miễn visa cho khách quốc tế… nhưng thiếu vắng sự hiện diện của các ngành liên quan ngoại giao, công an, tài chính để trao đổi trực tiếp khiến các đề xuất này đi bằng con đường vòng đến các cơ quan liên quan phản hồi lâu hơn.

Ngoài ra, công tác quảng bá tiếp thị còn hạn chế vì Việt Nam thiếu kinh phí quảng bá xúc tiến và mở các văn phòng đại diện xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm cũng là lý do chúng ta chưa thể bứt phá như kỳ vọng.

Năm 2022, du lịch Thái Lan tự tin sẽ đón ít nhất 10 triệu lượt khách quốc tế, gấp đôi mục tiêu của du lịch Việt Nam. Trong 9 tháng, nước này đã đón 5,7 triệu lượt khách nước ngoài. Theo ông vì sao Thái Lan đạt được con số ấn tượng như vậy, Việt Nam có thể học hỏi được gì?

Thái Lan trước dịch năm 2019 đã đón gần 40 triệu lượt khách quốc tế, hơn gấp đôi lượng khách quốc tế đến Việt Nam với hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch sẵn có. Do vậy họ có tiềm lực tài nguyên, cơ sở vật chất, nhân lực và cả chính sách miễn visa nhiều hơn Việt Nam (miễn visa cho 55 quốc gia so với Việt Nam miễn 25 nước) để thu hút khách và đặt mục tiêu là 10 triệu lượt năm 2022.

Mặc dù vậy, đến giữa tháng 8 Thái chỉ đón 3,78 triệu lượt khách quốc tế đạt hơn 1/3 mục tiêu đề ra, không khả quan hơn Việt Nam.

Vấn đề là sau đó Thái nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ các khó khăn với sự phối hợp và chỉ đạo từ Bộ Du lịch và Thể thao cùng Tổng cục Du lịch Thái Lan để  thu hút khách như chiến lược miễn visa cho khách từ 30 - 45 ngày và có thể kéo dài trong nhiều tháng cho du khách đến từ 60 quốc gia.

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đang thúc đẩy các đề xuất liên quan một dự án kích cầu du lịch trị giá 1 tỷ baht (270 triệu USD), kiến nghị cho phép các địa điểm giải trí được mở cửa đến 4 giờ sáng.

Thái đang kỳ vọng sẽ có thêm khoảng 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc đến nước này, nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Bangkok vào tháng 11 và nếu Trung Quốc cho phép người dân đi du lịch nước ngoài.

Như vậy với nhiều giải pháp tích cực và hành động nhanh chóng, có sự phối hợp đồng bộ từ du lịch, hàng không và sự chỉ đạo của Chính phủ Thái đến hết tháng 9, nước này đã đón 5,7 triệu lượt khách nước ngoài.

So với con số 3,78 triệu lượt khách quốc tế đến giữa tháng 8, chỉ trong vòng một tháng rưỡi Thái Lan đã thu hút được 2 triệu lượt khách và họ tự tin sẽ đón 1,5 triệu lượt khách mỗi tháng trong quý 4 năm nay đạt từ 10 đến 12 triệu lượt khách quốc tế.

Với mục tiêu 5 triệu khách quốc tế đặt ra trong năm nay, theo ông liệu chúng ta có thể đạt được?

Mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 chưa được xây dựng trên cơ sở vững chắc, kèm các chiến lược và hành động của ngành du lịch Việt Nam chưa có sự chủ động, linh hoạt và chưa phối hợp của các ngành liên quan chặt chẽ.

Vì vậy, mục tiêu này có thể đạt và có thể không đạt là bình thường trong điều kiện lâu nay chúng ta vẫn bị hạn chế về công tác quảng bá xúc tiến du lịch hay độ mở của chính sách visa so với các nước trong khu vực.


Hà Trang/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/du-lich/khach-quoc-te-sut-giam-du-lich-viet-nam-van-duoi-thai-lan-20221031115931854.htm

  • Từ khóa