Khai phá tiềm năng du lịch của Thành cổ Sơn Tây

Thứ 6, 11.11.2022 | 15:18:00
1,136 lượt xem

Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 - 2022) dự kiến được tổ chức vào ngày 12-11 là sự kiện quan trọng nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, biến du lịch trở thành thế mạnh của địa phương và nâng cao đời sống tinh thần người dân.

Tòa thành cổ đặc biệt của Việt Nam

Thành cổ Sơn Tây không chỉ mang trong mình dấu ấn lịch sử, mà còn gây ấn tượng với du khách bởi vẻ đẹp khác biệt của một của công trình kiến trúc phòng thủ cổ độc đáo và tinh tế.

Theo cuốn sách "Thành cổ Sơn Tây" của UBND thị xã Sơn Tây, đất Sơn Tây xưa là một trong “tứ trấn”, nằm phía Tây Kinh đô Thăng Long hay còn có tên gọi là trấn Đoài, vùng “địa linh nhân kiệt”; có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, chứa đựng nhiều dấu tích phản ánh tinh thần đấu tranh bất khuất, trung dũng, kiên cường của nhân dân trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Từ xưa tới nay, Sơn Tây luôn có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự; là một trong những vùng đất phên giậu bảo vệ Kinh thành Thăng Long xưa, cũng như Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Khai phá tiềm năng du lịch của Thành cổ Sơn Tây
Với lịch sử lâu đời, Thành cổ Sơn Tây là di sản có giá trị về lịch sử, du lịch ở ven đô Hà Nội.

Di tích quốc gia Thành cổ Sơn Tây cùng hệ thống di tích khá dày đặc của vùng đất cổ Sơn Tây đã tạo nên giá trị đặc sắc của mảnh đất xứ Đoài. Thành được xây dựng vào năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn và là tòa thành quân sự bằng đá ong độc đáo nhất Việt Nam. Trải qua 200 năm, Thành cổ Sơn Tây hiện vẫn được bảo tồn và lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự...

Có nhiều năm nghiên cứu khảo cổ về Thành cổ Sơn Tây, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín cho rằng, Thành cổ Sơn Tây là đại diện cho một thời kỳ xây dựng thành lũy nhiều nhất ở Việt Nam, trong bối cảnh các cuộc xâm chiếm thuộc địa diễn ra trên khắp trên thế giới. Trải qua nhiều thăng trầm, Thành cổ Sơn Tây hiện còn những dấu tích tốt nhất, minh chứng cho kỹ thuật xây dựng công trình quân sự phòng thủ ở phía Bắc, vì hầu hết các tòa thành khác đã cơ bản phá dỡ hoặc bị các công trình dân sự hiện đại che lấp những dấu tích còn lại.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Khánh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây chia sẻ, đến nay, tòa thành đá ong độc đáo này đã tồn tại gần 2 thế kỷ thông qua những sử liệu, hiện vật khảo cổ học hay tận mắt chứng kiến các dấu tích kiến trúc còn lại.

Theo ông Nguyễn Huy Khánh, sự đánh giá, cảm nhận trực quan, khách quan của đông đảo du khách, nhân dân, các nhà nghiên cứu xa gần đã khẳng định, Thành cổ Sơn Tây là nơi hội tụ, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc niên đại, môi trường sinh thái quý báu đã tồn tại và được quản lý, bảo tồn suốt thời gian dài. Sự tồn tại bền vững của tòa thành có hình tứ giác rộng lớn nằm ở giữa trung tâm của thị xã này đã nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của Nhà nước, sự ủng hộ, chung sức của nhân dân sở tại qua 2 thế kỷ.

Khai phá tiềm năng du lịch của Thành cổ Sơn Tây
Di tích này rất có sức hút đối với du khách thập phương, đặc biệt là những người có đam mê với lịch sử, truyền thống của trấn Đoài. 

Tiềm năng phát triển du lịch cần được khai phá

Mặc dù không tách biệt hẳn với phố phường thị xã Sơn Tây, nhưng khi bước vào khuôn viên của thành cổ thì du khách có thể cảm thấy một bầu không khí yên bình, trong lành, cách xa sự ồn ào náo nhiệt.

Bà Nguyễn Thị Toàn (70 tuổi) trú tại phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây), hiện kinh doanh tại khu vực Thành cổ Sơn Tây cho biết, vào những ngày cuối tuần, thành cổ tấp nập du khách tham quan. Nguồn thu từ du lịch và dịch vụ đã giúp cải thiện đời sống của người dân nơi đây.

Với mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí thông báo sự kiện kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, địa phương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm “đánh thức” tiềm năng di sản, như: Hình thành tuyến phố đi bộ thành cổ; tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học uy tín; xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ - Văn Miếu - đền Và - Đường Lâm”; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thành cổ trên cơ quan thông tin đại chúng và các nền tảng số…

Ngoài ra, việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cho Thành cổ Sơn Tây cũng là một trong những nhiệm vụ địa phương hướng tới, thiết thực kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, góp phần khẳng định vai trò, vị trí di sản và nâng cao hiệu quả giáo dục, tuyên truyền, thúc đẩy ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản.

Khai phá tiềm năng du lịch của Thành cổ Sơn Tây
Thị xã Sơn Tây đang nỗ lực phát triển du lịch trở thành động lực tăng trưởng và biến địa phương trở thành một cực tăng trưởng của Thủ đô nhờ công nghiệp văn hóa. 

Bí thư Thị ủy Sơn Tây nhấn mạnh, kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây là sự kiện chính trị, văn hóa lớn của thị xã nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại; góp phần tôn vinh, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích thành cổ, cũng như tiềm năng phát triển du lịch văn hóa của thị xã với bạn bè trong nước và quốc tế. Từ đó góp phần đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội và nhằm hiện thực hóa mục tiêu biến địa phương trở thành một cực tăng trưởng của Thủ đô.

Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sơn Tây tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa trước, trong và sau sự kiện nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đẩy mạnh kích cầu du lịch văn hóa.

Cụ thể, Thị xã Sơn Tây sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, như: Trưng bày tranh ảnh, hiện vật giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây; trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật trong thành cổ, thư pháp, diễn xướng hát văn; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại khu vực không gian tuyến phố đi bộ; lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại trung tâm thị xã… Cùng với đó là hoạt động quảng bá du lịch trên địa bàn thị xã nhằm thu hút du khách về với vùng đất trấn Đoài lịch sử.


NGỌC HUY/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/khai-pha-tiem-nang-du-lich-cua-thanh-co-son-tay-710707

  • Từ khóa