Từ làng chài nghèo khó, chỉ sau khoảng nửa thế kỷ, Qatar đã trở thành một trong những quốc gia có GDP bình quân cao nhất thế giới và trở thành điểm đến thu hút du lịch.
Vào những năm 1900, khi Qatar còn là thuộc địa của Anh, ngành công nghiệp chính của nước này là mò ngọc trai và săn bắt cá bên bờ tây vịnh Ả Rập.
Sau khi ngọc trai nuôi cấy của Nhật Bản xuất hiện trên thị trường thế giới vào thập niên 1920 và 1930, ngành công nghiệp ngọc trai của Qatar phá sản. Phần lớn người dân rơi vào cảnh nghèo đói.
Qatar từng là một trong những nền kinh tế yếu nhất khu vực Trung Đông (Ảnh: News).
Tới năm 1939, dầu mỏ được phát hiện ở thành phố Dukhan. Đến năm 1951, Qatar sản xuất khoảng 46.500 thùng dầu mỗi ngày, tương đương doanh thu 4,2 triệu USD.
Việc phát hiện thêm các mỏ dầu ngoài khơi đã nâng sản lượng khai thác lên tới 233.000 thùng mỗi ngày. 30 năm sau, quốc gia này tiếp tục phát hiện thêm những mỏ khí tự nhiên với trữ lượng 7.000km3, lớn thứ 3 thế giới.
Từ làng chài nghèo khó với nền kinh tế phát triển kém nhất khu vực Trung Đông, nhờ doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ, quốc gia này "lột xác" hoàn toàn sau vài thập kỷ.
Trường học, bệnh viện, nhà máy điện, nhà máy lọc nước biển, hệ thống điện thoại đầu tiên được mở vào những năm thập niên 50.
Có thể nói, nguồn thu dầu khí mang lại sự thay đổi lớn về diện mạo cho quốc gia vùng Vịnh, khiến Qatar "bật lên" trở thành "vùng đất của tương lai".
Sau 50 năm phát triển, từ làng chài nghèo khó, Qatar đã bật lên trở thành một trong những nước có GDP bình quân cao nhất thế giới, đang trên đà thu hút du lịch (Ảnh: AP).
Trong số đó, thành phố Doha phát triển thần tốc. Các hoạt động thương mại, doanh nghiệp ngày một tăng kéo theo hàng trăm tòa nhà mới được xây dựng ở Doha trong thời gian ngắn với những "thiết kế không tưởng". Nhiều khu du lịch, trung tâm thương mại và các hòn đảo nhân tạo lần lượt xuất hiện.
Việc đăng cai World Cup 2022 được xem như một sáng kiến mang tính tầm nhìn của chính phủ Qatar nhằm biến đổi đất nước có diện tích khiêm tốn này trở thành một trung tâm kinh doanh và du lịch của khu vực.
Qatar đặt nhiều kỳ vọng World Cup 2022 sẽ là "cú hích" phát triển kinh tế và du lịch (Ảnh: Visit Qatar).
Cụ thể, Qatar đã xây dựng những cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể đón khoảng 1,2 triệu du khách tới tham dự trong một tháng diễn ra sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh, tương đương với một nửa dân số nước này.
Ngoài những sân vận động hiện đại, nước này đưa vào sử dụng hệ thống tàu điện ngầm, mở rộng giao thông và xây dựng các quận mới trong thủ đô Doha. Ước tính, khoảng 200 tỷ USD đã tiêu tốn cho những dự án này.
Du khách check-in tại một điểm du lịch ở Qatar (Ảnh: Daily Sabah).
Ông Berthold Trenkel, Giám đốc điều hành của Qatar Tourism, nhận định: "World Cup 2022 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế đất nước. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng số lượng khách du lịch với mức chi tiêu gấp 3-4 lần so với năm 2019".
Dự kiến, Qatar sẽ mở cửa cho tất cả du khách tới xem World Cup 2022 sau khi vòng bảng kết thúc vào ngày 2/12 tới đây.
Du khách không cần trình vé xem World Cup khi nộp đơn xin thị thực nhưng phải đăng ký "thẻ Hayya". Những người sở hữu "thẻ quyền lực này" có thể được nhập cảnh Qatar nhiều lần trong thời gian quy định mà không cần xin visa du lịch, vào sân vận động, được sử dụng miễn phí các dịch vụ giao thông công cộng tại Qatar như tàu điện ngầm, xe bus, taxi từ ngày 10/11 đến ngày 23/12.
Nước này hiện là điểm trung chuyển quốc tế với Sân bay quốc tế Doha (Ảnh: News).
Hiện truyền thông nước này dự báo World Cup 2022 có thể mang về cho nền kinh tế 17 tỷ USD, thúc đẩy ngành du lịch. Theo The Citizen, nước chủ nhà đang tập trung vào các gói dịch vụ cao cấp, như mua vé VIP giá 4.950 USD sẽ được nhận đồ uống, bữa ăn 6 món, ở căn phòng có tầm nhìn về phía sân vận động Lusail (Doha).
Tuy nhiên, ông Ronan Evain, Giám đốc Football Supporters Europe, lại cho rằng, phần lớn du khách tới xem World Cup thuộc tầng lớp trung lưu. Đây không phải là nhóm khách "sẵn lòng trả 5.000 USD cho một tuần lưu trú trên du thuyền".
Huy Hoàng/dantri.com.vn