Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường ở Lý Sơn

Thứ 5, 01.12.2022 | 14:49:09
857 lượt xem

Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được ví là hòn ngọc, là thiên đường xanh giữa biển. Với tiềm năng, lợi thế rất lớn về du lịch biển, đảo, lượng du khách trong nước, quốc tế ra tham quan, nghỉ dưỡng tại Lý Sơn ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng khách du lịch ra đảo thì áp lực về bảo vệ môi trường càng lớn.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Ra đảo Lý Sơn, chúng tôi thấy ngay sự thay đổi của mảnh đất này. Các khu nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà ở kiên cố của người dân trên đảo mọc lên san sát; cảnh quan môi trường sạch đẹp; giao thông thuận tiện. Các khu chợ hải sản, đặc sản nhộn nhịp người bán, khách mua... Sát mép nước, hàng trăm tàu thuyền đánh bắt hải sản neo đậu, chuẩn bị xuất bến, ra khơi.

Dẫn chúng tôi tham quan một số địa danh nổi tiếng trên đảo, đồng chí Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn chia sẻ: "Những năm gần đây, du lịch biển, đảo ở Lý Sơn đang chiếm tỷ trọng cao trong hoạt động của ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi. Đáng chú ý, tỉnh có chủ trương thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, nhiều kinh nghiệm đầu tư vào Lý Sơn, vừa góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh cũng như của Lý Sơn ngày càng phát triển, vừa bảo đảm các vấn đề về quốc phòng, an ninh...".

Huyện đảo Lý Sơn cách bờ khoảng 30km, diện tích gần 10km2, dân số hơn 23.000 người, gồm 3 hòn đảo: Đảo Lớn, Đảo Bé và hòn Mù Cu. Trên đảo hiện còn lưu giữ được nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân cư như: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; lễ hội đua thuyền; lễ hội đình làng An Hải.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường ở Lý Sơn
Một góc đảo Lý Sơn nhìn từ đỉnh núi Thới Lới. 

Những năm gần đây, cùng với bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc, tiềm năng lớn về du lịch, Lý Sơn đặc biệt coi trọng việc giữ gìn, bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của quê hương, nhất là sự ảnh hưởng dày đặc các tầng văn hóa từ Sa Huỳnh đến Chăm Pa, Đại Việt còn tồn tại đến ngày nay với nhiều di tích lịch sử như: Hệ thống đình, chùa, dinh miếu, trong đó có 7 di tích quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể, 19 di tích cấp tỉnh. Năm 2019, đảo Lý Sơn được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, nhằm thu hút khách du lịch, những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ của Lý Sơn không ngừng phát triển với hệ thống hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản, như: Xây dựng mới chợ trung tâm, dịch vụ homestay, dịch vụ ăn uống, lưu trú, nhà hàng, phương tiện vận tải phong phú, đa dạng, giá cả hợp lý, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách.

Cùng với đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh thông qua các lễ hội truyền thống, hội chợ du lịch, các sự kiện văn hóa tổ chức tại đảo Lý Sơn: Giải vô địch Marathon toàn quốc, Giải vô địch các câu lạc bộ dù lượn quốc gia...

Trong đó, chú trọng phát triển du lịch theo chiều sâu gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương Lý Sơn chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý xây dựng, bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ, tự nhiên của huyện đảo.

Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Điều đáng mừng là sau đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Lý Sơn tăng lên theo cấp số nhân. Tuy nhiên, giải quyết bài toán về bảo vệ môi trường bền vững đang trở thành vấn đề cấp thiết. Theo đồng chí Phạm Thị Hương, để vừa thu hút khách du lịch, vừa bảo đảm môi trường không bị ảnh hưởng, cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ môi trường, đến từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện, nhất là tổ chức đoàn thanh niên. 

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường ở Lý Sơn
 Toàn cảnh đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh do địa phương cung cấp

Xác định mục tiêu từng bước đưa huyện đảo trở thành đô thị biển xanh-sạch-đẹp, văn minh, mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh, những năm qua, Lý Sơn chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo vệ môi trường bền vững. Những năm gần đây, phong trào lặn vớt rác thải nhựa dưới biển thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia, góp phần xử lý số lượng lớn rác thải nhựa trôi nổi, nằm dưới đáy biển.

Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông, khuyến khích dùng sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng giỏ khi đi chợ; tích cực vận động chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, tiểu thương buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường (như túi giấy, túi ni lông tự hủy, dùng lá chuối, lá bàng, lá tra, giỏ lưới...) trong các hoạt động buôn bán hằng ngày.

Trao đổi với chúng tôi về cách làm, kinh nghiệm bảo vệ môi trường của địa phương, đồng chí Nguyễn Minh Trí, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết: "Hằng năm, địa phương đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học (22-5); Tháng hành động vì môi trường, Ngày môi trường thế giới (5-6), Ngày đại dương thế giới (8-6), Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam.

Thông qua hoạt động tuyên truyền trên sóng phát thanh, tuyên truyền lưu động, qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ môi trường biển, đảo, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm điện, nước. Nhất là tăng cường trồng cây xanh, bảo vệ rạn san hô, thảm cỏ ven bờ biển; nghiêm cấm việc khai thác, đánh bắt hải sản hủy diệt; tích cực tái tạo nguồn lợi thủy hải sản ven biển...

Bên cạnh đó, sau khi được quản lý và vận hành theo hình thức xã hội hóa, hệ thống nhà máy xử lý chất thải rắn trên đảo Lý Sơn đã phát huy hiệu quả tối ưu khi được nâng công suất xử lý rác lên hơn 50 tấn/ngày, thậm chí, còn biến rác thành phân hữu cơ, mỗi ngày nhà máy sản xuất được hơn 5 tấn phân hữu cơ. Huyện Lý Sơn cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thu gom rác thải ở các điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa, nơi có đông du khách đến tham quan...".

Phát triển du lịch gắn với tăng cường bảo vệ môi trường được xác định là mục tiêu và nội dung ưu tiên hàng đầu của huyện đảo Lý Sơn hiện nay. Đây là thời cơ lớn để huyện đảo vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững bằng "ngành công nghiệp không khói”, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân trên đảo, vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/phat-trien-du-lich-gan-voi-bao-ve-moi-truong-o-ly-son-712620

  • Từ khóa