Du lịch Việt trở lại ấn tượng, tìm kiếm những đột phá

Thứ 2, 19.12.2022 | 15:23:26
893 lượt xem

Sau hơn hai năm ngưng trệ do dịch Covid-19, năm 2022, du lịch Việt Nam trở lại rất ấn tượng, với 96,3 triệu lượt khách du lịch nội địa sau 11 tháng, vượt xa mọi dự báo. Tuy nhiên, ngành công nghiệp không khói còn rất nhiều việc phải làm trong năm 2023 và vài năm tiếp theo để có thể đạt mục tiêu phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch vào năm 2025.

Khách du lịch quốc tế tham quan danh thắng Tràng An (Ninh Bình). (Ảnh ÐĂNG KHOA)

Ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2022 phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa và năm triệu lượt khách quốc tế.

Trở lại ấn tượng, du lịch nội địa "bùng nổ"

Sau hơn hai năm ngưng trệ, kể từ khi mở cửa trở lại (ngày 15/3/2022), du lịch Việt Nam như chiếc lò xo bị kìm nén lâu đã bật tung hết cỡ, trở lại ấn tượng, nhanh chóng gặt hái kết quả khả quan. Du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ ngay ở tháng 5/2022 với 12 triệu lượt khách; tháng 6 với 12,2 triệu lượt. Sau sáu tháng, đã đạt 60,6 triệu lượt khách nội địa, vượt mục tiêu 60 triệu lượt khách nội địa đặt ra cho cả năm 2022. Và hết 11 tháng năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt, vượt qua tất cả các dự báo và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 - khi chưa xảy ra đại dịch. Nhưng mảng du lịch quốc tế thì phục hồi chậm. Sau 11 tháng, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ hơn 2,95 triệu lượt, đạt hơn 50% so với mục tiêu năm triệu khách trong năm nay. Nếu so sánh với Thái Lan vừa đón lượt khách quốc tế thứ 10 triệu (vào ngày 10/12 vừa qua) thì tốc độ phục hồi du lịch quốc tế của Việt Nam còn rất chậm. Hiện đang là mùa cao điểm đón khách quốc tế, nhưng rất khó để hoàn thành mục tiêu năm triệu khách trong năm. Dù vậy, tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19.

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2021 có 95% số doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, 35% số doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép kinh doanh; 90% số cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, công suất buồng/phòng trung bình năm của toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt 5%; năm 2022, có hơn 70% số cơ sở lưu trú đã hoạt động trở lại bình thường; công suất phòng các ngày cuối tuần đạt trung bình 40%-50%, dịp nghỉ lễ đạt khoảng 70%, thậm chí đã xuất hiện tình trạng cháy phòng ở một số thời điểm tại các trung tâm du lịch biển trong mùa hè. Các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động trong việc tổ chức nhiều sự kiện lễ hội, festival, lễ hội hóa trang carnaval… để tạo điểm nhấn giúp hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi trở lại, nhất là tại các trung tâm du lịch lớn. Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao, với 2.362 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 doanh nghiệp. Năm 2022 cũng đã có hàng loạt các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, khu vui chơi giải trí hiện đại ở các điểm đến du lịch được chính thức đưa vào hoạt động, chứng minh năng lực vượt khó và niềm tin vào sự phục hồi nhanh chóng của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam.

Song, cũng cần nhìn nhận tâm lý kìm nén trong dịch và bùng phát đi du lịch sau dịch là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến du lịch nội địa "bùng nổ". Nếu làm một phép tính đơn giản là cộng lượng khách nội địa trong ba năm từ 2020 đến 2022 (55 triệu lượt-năm 2020; 40 triệu lượt-năm 2021; khoảng 100 triệu lượt-năm 2022), rồi chia đều, thì thấy lượng khách du lịch nội địa/năm bình quân là 85 triệu lượt, thấp hơn một chút so với con số của năm 2019 - thời điểm trước dịch. Do đó, nếu không có sự dồn nén do dịch, chưa chắc đạt được lượng khách như hiện nay.

Dự báo và tìm kiếm đột phá để du lịch phục hồi hoàn toàn

Cùng với việc mở cửa trở lại du lịch, năm 2022 đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về phát triển du lịch sau Covid-19 với nhiều dự báo, tính toán về tốc độ phục hồi và kịch bản phát triển du lịch cho Việt Nam. Ðánh giá chung khẳng định, dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát tốt, kinh tế-xã hội đã và đang phục hồi, phát triển nhanh chóng, trong đó có kinh tế du lịch. Nhưng du lịch Việt Nam cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trong đó, các doanh nghiệp đang rất thiếu nguồn lực tài chính để khôi phục, mở rộng và phát triển các cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng du lịch ở các địa phương, các điểm đến du lịch. Sự biến động, dịch chuyển nguồn nhân lực trong dịch khiến các doanh nghiệp du lịch thiếu cả đội ngũ nhân lực chất lượng cao lẫn lao động phổ thông... Các điểm yếu lâu nay của du lịch Việt được nhìn nhận lại một cách sâu sắc hơn để có giải pháp khắc phục triệt để. Và điều quan trọng là cần dự báo sát tốc độ phục hồi du lịch (nội địa và quốc tế), đưa ra các kịch bản khả thi nhất để tái cấu trúc kinh tế du lịch trong tổng thể cơ cấu kinh tế của các địa phương, khắc phục tình trạng tăng trưởng "nóng", phá vỡ quy hoạch ở các địa phương hiện nay.

Năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn bởi những thách thức mới nảy sinh như xung đột Ukraine-Nga, tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các điểm đến trong cùng khu vực, một số thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam chưa sẵn sàng mở cửa… sẽ có tác động không nhỏ tới ngành du lịch. Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, năm 2022, trung bình mỗi khách quốc tế chi tiêu khoảng 2,9 triệu đồng/ngày; khách nội địa chi tiêu 1,2 triệu đồng/ngày. Trong vài năm tới, khả năng chi tiêu của khách du lịch (cả quốc tế và nội địa) sẽ không tăng do hậu Covid-19, tuy nhiên, khả năng chi tiêu sẽ tăng dần khi kinh tế phục hồi, thu nhập của người dân được cải thiện, và khi các dịch vụ du lịch đa dạng hơn, chất lượng cao hơn…

Trên cơ sở phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, Tổng cục Du lịch đã đưa ra ba kịch bản (phương án) phát triển của du lịch Việt Nam, gồm: tăng trưởng thấp; tăng trưởng trung bình và tăng trưởng cao. Trong đó, kịch bản tăng trưởng trung bình được ưu tiên lựa chọn vì tính khả thi cao nhất. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, du lịch Việt Nam phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch (đón được 18 triệu lượt khách quốc tế; khách du lịch nội địa đạt 116 triệu lượt). Do tính cạnh tranh ngày càng cao giữa các quốc gia trong lĩnh vực du lịch, ngành du lịch cần có nhiều chiến lược hơn nữa để hút khách như nới lỏng chính sách visa, quảng bá điểm đến với bạn bè quốc tế, quản lý tốt các điểm du lịch để tạo hình ảnh đẹp về Việt Nam.

Dự báo năm 2023 và những năm tiếp theo, các hoạt động du lịch trên thế giới và trong nước dần phục hồi và phát triển trở lại. Mặc dù cơ hội cho các luồng khách du lịch quốc tế đã đến, việc đi lại rất thuận lợi, nhưng kinh tế thế giới gặp nhiều khủng hoảng, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn còn…, cho nên khả năng đi du lịch của người dân vẫn còn hạn chế. Trong khi cạnh tranh điểm đến giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng khốc liệt. Năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng, thậm chí tốc độ tăng có thể sẽ rất cao, nhưng lượng khách chưa thể phục hồi và đạt được ngưỡng như năm 2019. Vì thế, với thị trường khách du lịch quốc tế, Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường đã mở cửa, các thị trường du lịch đã phục hồi kết nối hàng không. Bên cạnh đó, đầu tư mạnh mẽ thu hút các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng, triển vọng như Ấn Ðộ, Trung Ðông; đồng thời thực hiện miễn thị thực du lịch cho các nước châu Âu, Australia, New Zealand, Canada, Mỹ; kéo dài thời hạn lưu trú cho các đối tượng khách du lịch được miễn thị thực lên 30 ngày.

Ðối với thị trường du lịch nội địa, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, việc xác định thị trường du lịch nội địa là trọng tâm và tập trung khai thác thị trường này, chắc chắn năm 2023, du lịch nội địa sẽ tăng trưởng trở lại và phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận với tư duy mới là không quá quan trọng tuyệt đối về lượng khách mà cần dựa trên mức chi tiêu. Chi tiêu của khách du lịch nội địa trung bình 977.700 đồng/ngày vào năm 2011, nhưng đến năm 2020 cũng chỉ đạt 1,15 triệu đồng. Mức chi tiêu này tăng rất chậm nếu tính đến chỉ số lạm phát hằng năm. Khách nội địa thường đi du lịch vào thời điểm học sinh nghỉ hè và những ngày lễ lớn, như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, 30/4-1/5; các mùa khác thì rất vắng. Ðiểm đến khách du lịch nội thường lựa chọn là nghỉ dưỡng biển cũng chỉ tập trung vào khoảng hơn 10 địa phương. Việc khai thác du lịch nội địa với tâm lý "nội địa" lâu nay, dễ dãi trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ khiến cứ vào những dịp lễ, Tết lại xảy ra tình trạng quá tải tại các điểm du lịch, ảnh hưởng chất lượng dịch vụ phục vụ du khách; không cải thiện được mức chi tiêu. Ðiều này đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch phải tính toán lại một cách thấu đáo, làm ăn bài bản, căn cơ, phải nỗ lực, thay đổi tư duy, chiến lược để giải quyết triệt để. Phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; đổi mới tư duy, cách tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm, nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch. Bên cạnh các dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng như: du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội; du lịch đô thị; du lịch ẩm thực..., các dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới cần được chú trọng phát triển hơn, như: nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch thông minh...

Những dự báo và xác định điểm đột phá nêu trên cần có sự nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng; đồng thời, tăng cường quảng bá, truyền thông về những dịch vụ du lịch... Hy vọng với sự quyết tâm, đồng lòng của các doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, du lịch Việt Nam sẽ sớm hồi phục hoàn toàn.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/du-lich-viet-tro-lai-an-tuong-tim-kiem-nhung-dot-pha-post730568.html

  • Từ khóa