Thị trấn Longyearbyen nằm ở cực bắc thế giới đang chứng kiến cảnh nóng lên nhanh nhất hành tinh khiến cả động vật hoang dã và con người phải vật lộn để tồn tại.
Khó khăn chồng chất, gấu Bắc Cực phải ăn cả thịt tuần lộc để tồn tại
Nằm sâu bên trong vòng Bắc Cực, quần đảo Svalbard của Na Uy có khu định cư xa xôi nhất thế giới Longyearbyen - nơi đang chứng kiến hiện tượng nóng lên nhanh nhất toàn cầu, gấp 6 lần so với trung bình của cả hành tinh, theo số liệu thống kê từ Viện địa cực Na Uy.
Nhà thờ của Svalbard là công trình bằng gỗ màu đỏ, nằm ở phía tận cùng nhất của phía bắc. Linh mục Siv Limstrand mới tới đây 3 năm nhưng đã sốc khi chứng kiến sự thay đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ chóng mặt ở nơi này.
Quần đảo Svalbard được biết tới là nơi tận cùng thế giới (Ảnh: Travel).
Tại Longyearbyen, người dân luôn phải mang súng mỗi khi ra ngoài phòng trường hợp phải chạm trán với gấu Bắc Cực. Nhiệt độ tăng khiến băng tan làm loài gấu này khó kiếm hải cẩu - nguồn thức ăn chính của chúng. Thay vào đó, chúng buộc phải ăn cả tuần lộc, loài vốn không phải con mồi thông thường của chúng.
Băng tan chưa từng thấy kéo theo hiện tượng tuyết lở khiến cộng đồng sinh sống thêm khó khăn. Vào mùa hè, những trận lở bùn cuốn trôi mọi thứ.
Một con gấu Bắc Cực (Ảnh: RNZ).
Kể từ những năm 1980, lượng băng biển mùa hè đã giảm một nửa. Các chuyên gia lo ngại nó sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2035. Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ tại quần đảo Svalbard tăng thêm 4 độ. BBC nhận định, con người và động vật hoang dã cùng đang vật lộn để tồn tại.
Nơi không còn an toàn cho cả người sống lẫn người chết
Những hàng thánh giá bằng gỗ màu trắng bám vào sườn núi. Xung quanh đó là vài con tuần lộc cùng màu sắc trầm lặng của cây cỏ mùa hè. Hai bên nghĩa trang có những rãnh như đường hầm trong lòng đất. Những rãnh này là vết tích của các trận lở đất, cuốn trôi gần như toàn bộ nghĩa trang xuống dòng sông bên dưới.
Những ngôi nhà gỗ nhiều màu sắc ở Longyearbyen thuộc quần đảo Svalbard (Ảnh: Trip).
"Nhìn vào nơi này như một vết thương. Nó gợi cho tôi về một hành tinh nhiều vết đau của chúng ta", linh mục Limstrand thở dài.
Ở thời điểm hiện tại, số lượng những trận lở đất hay tuyết tăng lên nhiều hơn so với trước, nghĩa trang cần được di dời sang nơi mới. "Đây không còn an toàn cho cả người sống lẫn người chết", linh mục Limstrand nhận xét.
Vùng đất ở tận cùng thế giới miễn visa cho tất cả du khách
Đang quan sát động vật hoang dã qua chiếc ống nhòm, nhà thám hiểm Falun Strom bỗng trở nên đầy phấn khích khi phát hiện thấy 3 con gấu Bắc Cực đang ngủ gật bên rìa một sông băng.
Cô nhận định, để tồn tại được như loài động vật này, chúng phải thực sự siêu giỏi trong việc săn bắn vì nguồn thức ăn chính như hải cẩu đang giảm dần.
Lượng du khách đổ về đây gây áp lực không nhỏ cho môi trường khu vực này (Ảnh: News).
Vốn làm việc trong lĩnh vực du lịch, nhưng hiện tại Falun Strom tạm dừng công việc hàng ngày để thành lập một dự án liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu.
Tại quần đảo Svalbard, từ lâu du lịch đã vượt qua ngành khai thác than để trở thành nguồn thu nhập chính. Nhưng việc hàng chục nghìn du khách tới đây mỗi năm bằng máy bay hay tàu thủy, tiếp tục gây thêm "căng thẳng" cho môi trường vốn rất "mong manh" ở khu vực này.
Đây cũng là nơi duy nhất ở Na Uy mà du khách tới không cần visa. Nhưng chắc chắn, đây không phải là nơi dễ sống. Dù mọi thứ không đầy đủ tiện nghi, nhưng lại thu hút rất đông khách du lịch từ khắp nơi đổ về hàng năm, chủ yếu là những vị khách mê mạo hiểm.
Svalbard cũng là một trong những vùng lãnh thổ lớn nhất châu Âu, đồng thời là vùng hoang dã nguyên sơ với 7 công viên quốc gia và hơn 15 khu bảo tồn chim.
Ít người hiểu về Svalbard hơn Kim Holmen. Ông vốn là cố vấn đặc biệt của Viện địa cực Na Uy, người nghiên cứu quần đảo này suốt hơn 40 năm qua. Theo ước tính của ông, độ cao của sông băng Longyear đã mất khoảng 100m. Băng tan khiến mực nước biển trên thế giới tăng.
Và số phận nơi này gắn bó chặt chẽ với số phận toàn cầu.
Huy Hoàng/dantri.com.vn