Cùng nhìn lại một năm 2022 của du lịch thế giới với nhiều "mảng tối" và cả "ánh sáng" báo hiệu tích cực về sự khởi sắc trong năm tới.
Trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch toàn cầu chịu nhiều "cú sốc" lớn. Kết quả báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy, 2020 là năm "tồi tệ nhất" từng được ghi nhận với ngành du lịch toàn cầu. Lượng khách quốc tế giảm tới 73%. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á.
Thời điểm nửa sau năm 2021, khi tỷ lệ tiêm vaccine tăng lên, các nước nới lỏng lệnh hạn chế đi lại, du lịch toàn thế giới có sự phục hồi nhẹ nhưng chưa đáng kể.
Cuối tháng 11/2021, sự lây lan của biến thể Omicron tiếp tục là "cú sốc" với du lịch toàn cầu. Theo số liệu thống kê của UNWTO, dù thu nhập toàn ngành vào khoảng 1.900 tỷ USD trong năm 2021, tăng 19% so với năm 2020, nhưng con số này vẫn "khiêm tốn" chỉ bằng 50% so với thời điểm trước khi dịch bệnh (khoảng 3.500 tỷ USD trong năm 2019).
Tốc độ phục hồi du lịch toàn thế giới trong cùng năm chưa đồng đều ở các khu vực do tỷ lệ bao phủ vaccine, tâm lý của du khách, việc mở cửa của từng quốc gia...
Đến năm 2022, toàn ngành lại chịu thêm "đòn giáng" từ căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine. Những xung đột này ảnh hưởng không nhỏ tới sự phục hồi của ngành vốn đã chịu nhiều tổn thất lớn do Covid-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch vẫn tỏ ra lạc quan. Khi nhu cầu du lịch bị dồn nén trong đại dịch sẽ thúc đẩy tăng trưởng lượng khách quốc tế. Và toàn ngành sẽ khôi phục dần theo từng khu vực khác nhau.
2022 cũng là năm thế giới chứng kiến nhiều trào lưu độc lạ và những xu hướng mới chưa từng thấy xuất hiện.
Khi thế giới dần bước vào giai đoạn bình thường mới, nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng nhóm khách thuộc loại hình du lịch tự túc có chiều hướng gia tăng. Thay vì những tour đông đúc như trước kia, nhiều du khách lại lựa chọn các chuyến đi độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để quản lý rủi ro.
Đó là hình thức du lịch FIT, viết tắt của cụm từ "Frequent Independent Traveler", được hiểu là khách lẻ tự do, không đi theo tour tuyến do các công ty lữ hành tổ chức. Nhóm khách này tự lên lịch trình, tự vận hành mọi chuyện trong suốt chuyến đi của mình.
Các chuyên gia của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho rằng, thời kỳ hậu Covid-19, hình thức FIT chiếm tới 90% và được giới trẻ ưa chuộng. Sau đại dịch, nhiều du khách không còn muốn đi những tour đại trà cùng nhiều người xa lạ nữa. Thay vào đó, họ muốn tự lên kế hoạch tỉ mỉ cho chuyến đi, có thể đơn lẻ hoặc với người thân, mà không qua các công ty lữ hành.
Ưu điểm của những chuyến đi kiểu này giúp mỗi người có một hành trình linh hoạt phù hợp với sở thích, cá tính, không bị lệ thuộc. "Tôi thích tự quản lý thời gian theo lịch sinh hoạt riêng. Có ngày, tôi chỉ muốn ngủ vùi ở khách sạn thay vì phải dậy thật sớm để bắt kịp cả đoàn tham quan", vị khách có tên Beatrice, 32 tuổi, du lịch tự túc ở Malaysia, chia sẻ.
Ông Tara Cappel, người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty lữ hành FTLO Travel, cho biết, số lượt đặt phòng của công ty tại châu Âu trong năm 2022 tăng 225% so với năm 2019. Đối tượng phục vụ chủ yếu của FTLO Travel "nhắm tới" là nhóm khách thích du lịch một mình, ở độ tuổi từ 20 đến 30.
Bên cạnh đó, có những trào lưu du lịch độc lạ chưa từng được "biết mặt đặt tên", thì nay lại trở thành xu hướng mới. Trước khi đại dịch bùng phát, khái niệm "Sleep tourism" (tạm dịch: Du lịch ngủ) gần như chưa xuất hiện, bỗng chốc trở nên phổ biến.
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đóng vai trò lớn với xu hướng này. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí y học giấc ngủ lâm sàng (Mỹ) hồi tháng 1/2021 cho thấy, 40% trong số 2.500 người tham gia khảo sát thừa nhận, chất lượng giấc ngủ của họ sút giảm kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Ước tính có tới 50 đến 70 triệu người Mỹ trưởng thành mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Điều này lý giải tại sao "du lịch ngủ" lại trở thành một trong những xu hướng du lịch lạ của năm 2022.
Nhằm "ăn theo" trào lưu mới, hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên thế giới đã thiết kế "dịch vụ ngủ" phù hợp. Đơn cử như khách sạn Park Hyatt New York (Mỹ) khai trương loại phòng mang tên "Bryte Restorative Sleep Suite", có diện tích hơn 80m2, thiết kế tiện nghi nhằm nâng cao chất lượng giấc ngủ. Tương tự, Zedwell là khách sạn đầu tiên ở London (Anh) tập trung vào giấc ngủ, với phòng ốc trang bị hệ thống cách âm tốt, hỗ trợ việc ngủ nghỉ.
Cũng trong năm 2022, thế giới còn chứng kiến trào lưu "breakup vacation" (tạm dịch: du lịch để chia tay). Đây là một trào lưu mới dành cho các cặp đôi muốn cùng nhau lưu lại khoảnh khắc ngọt ngào nhất trước khi chia tay. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng xu hướng này lại khá phổ biến với thế hệ trẻ.
Do ảnh hưởng từ đại dịch, nhiều người ngại di chuyển tới các điểm đến nổi tiếng - nơi thường xuyên rơi vào tình trạng đông đúc. Thay vào đó, họ chuyển sang du lịch cắm trại gần nhà (du lịch camping), tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ bên bạn bè, người thân. Hay trào lưu Road Trip (di chuyển bằng xe tự lái) là hình thức được nhiều người trẻ hưởng ứng. Với trào lưu này, mọi người an toàn trong xe riêng mà vẫn có nhiều trải nghiệm thú vị.
Bà Ana Nicholls, Giám đốc phân tích của Cơ quan Tình báo Kinh tế (Economist Intelligence Unit EIU), nhận định: "Ngành du lịch đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Và chúng tôi kỳ vọng điều đó sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2023".
Nghiên cứu cho thấy, các chuyến bay quốc tế sẽ đạt 68% so với mức trước khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, dự kiến tăng lên 82% vào năm 2023. Lượng khách toàn cầu tăng 30% vào năm 2023 sau mức tăng 60% vào năm 2022. Tuy nhiên, EIU cho rằng, sự tăng trưởng sẽ không thể quay lại so với thời điểm trước đại dịch.
Mặc dù vậy, nhiều quốc gia đang thấy rõ triển vọng sáng sủa để phục hồi ngành. Theo báo cáo xu hướng du lịch toàn cầu của American Express Travel, du khách đang mong chờ nhiều chuyến đi hơn để "bù đắp lại" những ngày trước dịch, và dự định chi tiêu nhiều hơn.
Báo cáo do Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cho thấy, khoảng 70% du khách đến từ những quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Anh, Canada, dự kiến sẽ chi tiêu nhiều cho du lịch hơn trong năm tới so với giai đoạn 5 năm vừa qua.
Các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là những dấu hiệu lạc quan, phù hợp với nhận định của Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili: "Sự phục hồi của ngành du lịch đã đạt được tốc độ nhanh chóng ở nhiều nơi trên thế giới, vượt qua những thách thức đang tồn tại".
Việt Hà