Đỉnh Lùng Cúng cao 2913m, thuộc xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, là đỉnh núi cao thứ 11 trong danh sách 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Ba năm trở lại đây, Lùng Cúng thu hút một lượng lớn lượng khách leo núi do địa hình rừng núi đẹp, cung đường leo ngắn với độ khó vừa phải và đây cũng là thiên đường của mây.
Hoàng hôn trên đỉnh Lùng Cúng (Ảnh: Mạnh Chiến).
Đầu tháng 12, nhóm 17 người chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lên thị trấn Tú Lệ từ tối hôm trước để hôm sau đi chinh phục Lùng Cúng.
Đi xe ôtô khách giường nằm lên Tú Lệ hoặc thị trấn Mù Căng Chải nằm cách Hà Nội gần 300km để nghỉ ngơi và hôm sau đi leo là phương án thường được các trekkers lựa chọn.
Có thể lên đỉnh Lùng Cúng từ ba hướng khác nhau là bản Lùng Cúng, bản Tu San và bản Thào Chua Chải. Chúng tôi chọn xuất phát từ bản Tu San lên đỉnh và đi về qua thung lũng Tà Cua Y và bản Thào Chua Chải để trải nghiệm hết được cảnh đẹp của cung leo.
Đường từ thị trấn Tú Lệ đến điểm xuất phát leo ở bản Tu San rất xấu, chỉ có thể đi bằng xe máy do người dân địa phương rành đường chuyên chở. Chúng tôi mất gần 1 tiếng chỉ để vượt qua quãng đường khoảng 17km này.
Xuất phát leo Lùng Cúng (Ảnh: Đức Hùng).
Sau khi gặp gỡ người dẫn đường địa phương, chúng tôi xuất phát leo lúc 9h. Sau khi vượt qua khu đồi với các cây lá thấp, chúng tôi vào khu rừng dẻ và sồi.
Gần 11h, chúng tôi đến chân thác 2 tầng được bà con địa phương gọi là Hấu Chua La. Bên cạnh biển mây thường trực ở trên đỉnh núi có tầm nhìn 360 độ, con thác là điểm nhấn check-in của cung leo.
Thác hai tầng Hấu Chua La (Ảnh: Đức Hùng).
Hơn 12h, chúng tôi dừng lại ăn trưa. Sau khoảng 1 tiếng ăn trưa và nghỉ ngơi lấy lại sức, chúng tôi tiếp tục lên đường. Đường càng lên cao càng dốc và khó đi. Chúng tôi vừa đi vừa dừng nghỉ và chụp ảnh cho nhau. Những thành viên đầu tiên tới lán nghỉ lúc hơn 14h.
Một trong hai lán nghỉ được người dân địa phương dựng cuối năm 2018 (Ảnh: Đức Hùng).
Khu vực lán nghỉ có 2 lán chính chứa được khoảng 80 người. Lán nghỉ do 6 người địa phương dựng cuối năm 2018. Lán nghỉ rộng rãi và có khu vệ sinh và phòng tắm nằm tách biệt ở ngoài. Nước phục vụ cho lán được dẫn từ con suối ở gần đó.
Theo anh A Tàu, một trong những chủ lán, có những cuối tuần cao điểm có hơn 100 du khách đến nghỉ tại lán, dẫn tới tình trạng quá tải và một số buộc phải dựng lều bên ngoài để ngủ.
Đỉnh núi nằm cách lán nghỉ khoảng 1 tiếng leo nên sau khi đến lán nghỉ ngơi và để lại đồ đạc, chúng tôi lên đỉnh để ngắm hoàng hôn.
Qua khu rừng dẻ, sồi, cây lá phong là khu rừng trúc nhỏ. Từ đây cảnh vật thay đổi rõ rệt. Toàn bộ khu vực triền núi gần đỉnh Lùng Cúng trải một thảm cỏ dầy xanh mướt và gió rít quanh năm.
Hoàng hôn trên đỉnh Lùng Cúng (Ảnh: A Châu).
Mọi cảm giác mệt nhọc biến mất khi chúng tôi chạm tay vào chóp inox ở trên đỉnh và được ngắm nhìn hoàng hôn trong biển mây bồng bềnh như trong chốn bồng lai tiên cảnh.
Nhờ có tầm nhìn 360 độ và thảm cỏ dày, xanh rất ấn tượng này mà hoàng hôn trên đỉnh Lùng Cúng được đánh giá là đẹp nhất trong các đỉnh ở Việt Nam khi lên ảnh.
Sau khi ngắm hoàng hôn, chúng tôi quay về lán lúc khoảng 6h chiều. Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm và đi trong bóng đêm với sự trợ giúp của đèn đội đầu và cùng nhau lên đỉnh lúc 5h30 sáng để ngắm bình minh.
Khung cảnh tuyệt đẹp vào khoảnh khắc bình minh ẩn hiện giữa biển mây bồng bềnh trên đỉnh Lùng Cúng (Ảnh: Lại Hồng Thái).
Trên đỉnh rất gió và lạnh, nhiệt độ chỉ khoảng 4-5 độ. Sau khi chụp ảnh lưu niệm, chúng tôi nhanh chóng về lại lán ăn sáng và thu dọn đồ đạc để xuống núi.
Check-in bên chóp inox trên đỉnh Lùng Cúng. Trong số 15 đỉnh cao nhất nước ta, bên cạnh Lùng Cúng, chỉ còn có Lảo Thẩn và Ngũ Chỉ Sơn là các đỉnh có khu vực lán nghỉ nằm gần đỉnh để các trekkers có thể 2 lần lên đỉnh ngắm hoàng hôn và bình minh trong một lần leo (Ảnh: Đức Hùng).
Trên đường từ đỉnh Lùng Cúng xuống cảnh đẹp hoang sơ (Ảnh: Đức Hùng).
Đường xuống núi qua thung lũng Tà Cua Y đi qua 5 con suối lớn nhỏ trong khu rừng rậm hơn phía đường lên. Gần tới thung lũng là các triền núi thoáng, có thể ngắm và chụp ảnh biển mây và toàn bộ khu vực núi và rừng xung quanh.
Thung lũng Tà Cua Y được vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Tà theo tiếng địa phương là khu đất bằng phẳng, Cua Y là một loài cây thảo dược quý.
Theo anh A Châu, người dẫn đường, tháng 3 là tháng đẹp nhất để ngắm thung lũng này khi hoa lá vào mùa xuân rực rỡ dưới ánh nắng vàng ấm áp.
Thảm thực vật ở Lùng Cúng rất đa dạng và nguyên sơ (Ảnh: Đức Hùng).
Sau khi qua thung lũng Tà Cua Y, chúng tôi về lại bản Tu San chứ không đi qua bản Thào Chua Chải như dự định ban đầu do không sắp xếp được người đón từ hướng này.
Chúng tôi về thị trấn Tú Lệ nghỉ ngơi, tắm suối nước nóng để tối hôm đó lên xe giường nằm về lại Hà Nội, kết thúc hành trình 2 ngày một đêm chinh phục đỉnh núi của mây và gió.
Theo anh Mạnh Chiến, quản trị viên của Diễn đàn Đam mê leo núi nơi hội tụ hơn 77 ngàn thành viên, có thể đi chinh phục Lùng Cúng trong các mùa khác nhau. Tháng 11-12 là mùa lá phong chuyển mầu và mùa hoa dã quỳ nở rực rỡ trên các triền núi. Tháng 1-3 là mùa hoa đào và hoa táo mèo. Còn biển mây thì luôn có ở mọi mùa trong năm ở Lùng Cúng.
Nguyễn Đức Hùng/dantri.com.vn