Trung Quốc, thị trường khách du lịch lớn và quan trọng nhất thế giới đã chính thức trở lại sau khi Chính phủ nước này thông báo mở lại biên giới từ ngày 8/1/2023. Nhằm chuẩn bị cho việc đón nguồn khách trọng điểm này một cách an toàn, hiệu quả và bền vững, ngày 9/1, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Giải pháp thu hút khách Trung Quốc đến Việt Nam”.
Hội nghị diễn ra tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và hơn 200 doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên cả nước.
Thị trường truyền thống trọng điểm
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong giai đoạn trước dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường du lịch outbound lớn nhất thế giới, mang lại nguồn thu chiếm tới 20% doanh thu du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, với chính sách “zero Covid-19” của Trung Quốc, nguồn khách lớn nhất này đã bị “đóng băng”, khiến nhiều điểm đến trên thế giới trong đó có Việt Nam gặp khó khăn. “Vì thế, việc Chính phủ Trung Quốc mở cửa các cửa khẩu quốc tế từ ngày 8/1/2023 đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho du lịch toàn cầu”, ông Vũ Thế Bình nhận định.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất, cả về inbound và outbound. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam) và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc (đạt khoảng 4,5 triệu lượt) cũng đứng đầu danh sách khách outbound của Việt Nam.
(Nguồn: Liên chi hội Lữ hành Việt Nam) |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường khách Trung Quốc, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phân tích: “Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới đường bộ, đường biển. Quan hệ hai nước về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... được chú trọng, củng cố; kết nối hàng không, đường bộ, đường biển thuận lợi là những điều kiện cho hợp tác phát triển du lịch trao đổi khách giữa hai nước. Do đó, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam, với mức tăng ấn tượng là 17% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam cũng luôn đứng trong top 5 thị trường gửi khách lớn nhất của Trung Quốc”.
Kể từ khi mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ tháng 3/2022, du lịch Việt Nam đã và đang hoạt động nhộn nhịp trên cả nước. Trong khi khách du lịch nội địa tăng trưởng ấn tượng (đạt trên 101 triệu lượt, tăng 68% so với kế hoạch năm và tăng 19% so năm 2019) thì lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa phục hồi (3,6 triệu lượt, đạt 70% kế hoạch năm).
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, “bên cạnh nguyên nhân do tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, xung đột Nga-Ukraine... thì việc thị trường du lịch Trung Quốc “đóng băng” cũng là nguyên nhân dẫn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn chưa đạt như kỳ vọng, kế hoạch”.
Từ thực tế hoạt động du lịch, lữ hành tại địa phương, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đánh giá: “Khách du lịch từ thị trường Trung Quốc có tác động tích cực đến hoạt động du lịch Quảng Ninh và đây là một thị trường du lịch quốc tế hàng đầu của du lịch Quảng Ninh".
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh dẫn chứng: Trong những năm qua, lượng khách du lịch Trung Quốc đến với Quảng Ninh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái ngày một tăng. Năm 2014 mới đạt 131 nghìn lượt khách thì sau 5 năm đã tăng gấp 5,7 lần lên 750 nghìn lượt vào năm 2019. Đối với khách du lịch Trung Quốc lưu trú tại Quảng Ninh, bình quân chiếm khoảng 50% tổng khách quốc tế đến Quảng Ninh.
Tại Hội thảo, ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã nêu một số dự báo về đặc điểm du lịch hậu đại dịch của du khách Trung Quốc, trong đó “Đối với thị trường Việt Nam, nhiều du khách Trung Quốc vốn đã có kế hoạch đến Việt Nam nhưng không đi được do dịch bệnh sẽ chọn Việt Nam để đi ngay sau khi mở cửa”.
Một số xu hướng của thị trường du khách Trung Quốc
Du khách Trung Quốc đặc biệt là giới trẻ sẽ bùng nổ đi du lịch;
Du khách sẽ lựa chọn các điểm đến đang thu hút khách, thuận lợi qua đường bộ hoặc các điểm đến có đường bay thuận lợi, có không gian trải nghiệm tốt, dịch vụ nghỉ dưỡng đa dạng hướng thiên nhiên, khám phá ẩm thực, văn hóa địa phương;
Ngoài xu hướng tour đoàn giá rẻ như trước đây, xu hướng đi theo nhóm nhỏ bạn bè, gia đình tự túc và mua dịch vụ tour trong ngày tại các điểm đến theo nhu cầu và sở thích;
Du khách có xu thế chi tiêu nhiều hơn, chọn dịch vụ cao cấp hơn, thưởng thức ẩm thực và mua sắm nhiều hơn sau một thời gian bị gò bó do dịch bệnh.
Từ những đặc điểm và dự báo trên, các đại biểu tại Hội thảo đều thống nhất rằng, Việt Nam cần sớm có sự chuẩn bị để đón tiếp và khai thác hiệu quả khách du lịch Trung Quốc, đồng thời bảo đảm thực hiện các quy định nghiêm chỉnh về phòng chống Covid-19.
Khai thác hiệu quả, an toàn và bền vững
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, việc Trung Quốc thay đổi chính sách nhập cảnh từ ngày 8/1/2023 là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch ngay trong những ngày đầu năm 2023. Nhưng bên cạnh những cơ hội lớn luôn tồn tại song song những thách thức không nhỏ. 3 năm đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều thay đổi nội tại ngành du lịch và đối tượng khách hàng, trong đó du khách Trung Quốc đã thay đổi thói quen, nhu cầu, sở thích, cũng như phương thức tiếp cận.
Ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: “Chúng ta cần có những biện pháp vừa đón, phục vụ khách du lịch được chu đáo, cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng, vừa phải bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh”.
Về những tồn tại trong việc đón tiếp khách Trung Quốc, ông Vũ Thế Bình cho rằng, trước đây, trong quá trình đón và phục vụ khách Trung Quốc, còn nhiều vấn đề tồn tại. Tình trạng xuất hiện tour giá rẻ (thường gọi là tour 0 đồng), tình trạng kinh doanh núp bóng, hướng dẫn viên là người nước ngoài, lừa đảo trong mua bán hàng hóa,… công ty lữ hành hoạt động chui đã làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc ở nhiều nơi lộn xộn, khiến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bị hiểu sai và gây thiệt hại cho ngành du lịch.
Đồng tình với ý kiến này của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ thực tế của tỉnh, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh khẳng định: "Nếu các tồn tại từ hoạt động lữ hành và các hoạt động khác có liên quan tiếp tục diễn ra sẽ có tác động tiêu cực đến việc thu hút khách từ thị trường này. Mặt khác, khi một địa phương tập trung quản lý chặt chẽ đối với hoạt động lữ hành và các hoạt động khách có liên quan, thì dòng khách sẽ chuyển đến địa phương khác với các hình thức vi phạm tinh vi hơn".
Nếu các tồn tại từ hoạt động lữ hành và các hoạt động khác có liên quan tiếp tục diễn ra sẽ có tác động tiêu cực đến việc thu hút khách từ thị trường này. Mặt khác, khi một địa phương tập trung quản lý chặt chẽ đối với hoạt động lữ hành và các hoạt động khách có liên quan, thì dòng khách sẽ chuyển đến địa phương khác với các hình thức vi phạm tinh vi hơn.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh
Trước thực tế này, cần có chính sách, cơ chế quản lý, cách thức phối hợp quản lý phù hợp, đồng bộ để khai thác khách từ thị trường này. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa các địa phương trong công tác quản lý.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thế Huệ cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần thường xuyên có hoạt động thanh, kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành về năng lực đón khách, ngăn chặn hoạt động của các doanh nghiệp trá hình, hoạt động chui.
Theo ông Cao Trí Dũng, cần sớm phục hồi mạng lưới các đường bay thường lệ, charter (bay trọn chuyến) có triển vọng từ Trung Quốc đến các thị trường Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang).
“Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải liên kết hình thành đa dạng các nhóm sản phẩm từ giá rẻ đến cao cấp để phục vụ các đối tượng khách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phối hợp đồng bộ công tác xúc tiến thị trường, truyền thông khách Trung Quốc đến Việt Nam”, ông Cao Trí Dũng khuyến nghị.
(Nguồn: VietnamAirlines) |
Nhấn mạnh để đón được lượng khách Trung Quốc một cách sớm và hiệu quả nhất, đại diện hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khuyến nghị 1 số công việc cụ thể như: Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh ở tất cả cửa khẩu đường bộ, hàng không và sớm có thông báo chính sách nhập cảnh với khách du lịch Trung Quốc; Có cơ chế kiểm soát giá dịch vụ; Tổ chức roadshow tại các thành phố lớn, các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc trưng Việt Nam tại Trung Quốc; Xây dựng các ấn phẩm giới thiệu điểm đến Việt Nam phiên bản tiếng Trung với chủ đề: biển, núi, văn hóa, ẩm thực v.v.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể cần triển khai sớm như: Sớm thông báo chính sách visa, tạo điều kiện thông thoáng về chính sách xuất nhập cảnh, tạo môi trường du lịch lành mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách Trung Quốc, triển khai các chiến dịch truyền thông trên các kênh mạng xã hội, nền tảng công nghệ thịnh hành ở Trung Quốc hiện nay như Weibo, Tik Tok, WeChat, QQ, Baidu,...…
T.LINH/nhandan.vn