Theo nhiều chuyên gia du lịch, TPHCM có hệ tầng du lịch tốt, ẩm thực đa dạng với gần 16.000 nhà hàng và dịch vụ ăn uống, 15.800 quán ăn đường phố nhưng việc phát triển kinh tế đêm vẫn còn hạn chế.
Các đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu hơn 100 món ăn, thức uống đặc trưng vùng miền và món quốc tế như Thái, Hàn, Nhật,… (Ảnh: Nguyễn Vy).
Ngày 11/1, tại chương trình "Ngày Hội F&B Việt Nam 2022", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, ẩm thực được xác định là lĩnh vực giữ vai trò quan trọng, thiết yếu của thành phố.
Giám đốc sở Du lịch TPHCM ví ẩm thực ở thành phố như "vùng đất không biên giới" để khai thác du lịch. Nếu biết cách quảng bá nền ẩm thực đa dạng, thành phố sẽ có cơ hội khiến du lịch, đời sống tăng cả về chất và lượng.
"Chúng tôi rất mong nhận được sự đồng hành hiệu quả trong triển khai các hoạt động này để góp phần nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Từ đó, có cơ sở tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân", bà Hoa nói.
Người đứng đầu ngành du lịch thành phố chia sẻ, trong năm 2023, ngành du lịch sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các cơ sở dịch vụ ẩm thực của TPHCM; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch gắn với chủ trương phát triển "Kinh tế đêm" của thành phố.
"TPHCM được đánh giá có tiềm năng rất lớn. Thành phố có 16.000 các cơ sở, dịch vụ ăn uống, nhà hàng có địa chỉ cụ thể; 15.800 cơ sở quán ăn đường phố. Từ đó, có thể dễ dàng nhận thấy TPHCM có cơ sở hạ tầng đa dạng, nền tảng vững để phát triển về ngành F&B nói chung, kinh tế đêm nói riêng", bà Hoa chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, TPHCM cũng đã giao các quận, huyện phát triển kinh tế đêm, tung ra các sản phẩm gắn liền với giá trị đặc trưng của mỗi địa phương. Ngành du lịch sẽ luôn cập nhật những tour, tuyến, dịch vụ, cơ sở du lịch để du khách dễ dàng theo dõi.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa Giám đốc Sở Du lịch TPHCM tại sự kiện (Ảnh: Nguyễn Vy).
Theo ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch Mạng lưới Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - VISTARTUP tại TPHCM, ẩm thực là thế mạnh rất đặc trưng để thu hút khách, nhất là nhóm khách quốc tế.
Ngành ẩm thực sẽ giúp cộng đồng khởi nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong việc sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm ẩm thực đặc sắc của Việt Nam xuất khẩu tại chỗ thông qua khách du lịch qua đó có thể mở rộng thị trường quốc tế.
Thực tế, TPHCM có rất nhiều nhà hàng 4-5 sao. Việc quy hoạch 22 tuyến phố ẩm thực sẽ là động lực phát triển, phục vụ đa dạng ẩm thực từ trung đến cao cấp cho đối tượng khách châu Âu, Mỹ, Hàn, Nhật...
"Đôi khi khách du lịch đến Việt Nam, nhưng quay về với túi tiền gần như ban đầu. Bởi, họ không biết phải tiêu vào cái gì khi đến Việt Nam. Vậy nên chúng ta cần phải tập trung phát triển, lên kế hoạch cụ thể để thu hút du khách, đặc biệt là kinh tế đêm", ông Huy nói.
Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, ẩm thực theo xu hướng thực dưỡng, ẩm thực xanh là điều mà ngành du lịch đang hướng đến. Các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm được ngành du lịch xây dựng theo những tiêu chí cụ thể.
Theo BS.CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp (Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam), xét về xu hướng "Ẩm thực xanh vì sức khỏe" của thế giới, chúng ta tăng được chiều cao trung bình, tuổi thọ nhưng lại thiếu hụt về chất. Đây là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
"Ẩm thực xanh có nghĩa là cân bằng, cân đối, không phải ăn rau mới gọi là xanh. Chúng ta có thể thiết kế rất nhiều khu ẩm thực, nhưng phải mang phong cách quốc tế, đa dạng về món ăn và đảm bảo dinh dưỡng. Điều này sẽ thu hút khách du lịch hơn", bà Diệp nói.
Nguyễn Vy/dantri.com.vn