Kịch bản nào cho du lịch Việt khi chưa thể đón làn sóng khách Trung Quốc?

Chủ nhật, 19.02.2023 | 14:29:03
761 lượt xem

Nhiều chuyên gia cho rằng, du khách Trung Quốc nắm giữ chìa khóa giúp phục hồi du lịch, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải "nằm im" nếu thiếu đi lượng khách này.

Kinh doanh ảm đạm vì thiếu khách Trung Quốc

Anh Nguyễn Trung Thành, chủ cửa hàng Trầm Hương đoạn quốc lộ 8 (đối diện đường vào khu du lịch Tuần Châu, Hạ Long) đã nhập hàng mới từ một tháng nay, sẵn sàng đón khách Trung Quốc trở lại, nhưng vẫn chưa thấy đâu.

"Nhớ hồi tháng 3/2019 khách Trung ra vào cửa hàng tấp nập, thậm chí còn đông hơn khách nội địa, giờ không biết phải đợi đến khi nào mới thấy cảnh đó", anh Thành thở dài.

Không thể đợi thêm, anh Thành cho biết đã bắt đầu tìm hiểu thêm về sở thích trang sức của khách Hàn Quốc, Ấn Độ, khách châu Âu… để đa dạng hàng hóa, tìm cách đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhóm khách quốc tế khác nhau, thay vì chỉ tập trung bán cho khách Trung Quốc. 

Tương tự cửa hàng kinh doanh quà lưu niệm của anh Trung Thành, nhiều Công ty du lịch lữ hành cũng đang tự tìm "lối thoát" để thích nghi với tình hình mới. 

"Đây là việc làm tất yếu để doanh nghiệp lữ hành "sống sót", nhất là với những doanh nghiệp trước đây nguồn thu của họ hơn 80% đến từ khách Trung.

Không phủ nhận, du khách Trung Quốc nắm giữ chìa khóa giúp phục hồi du lịch, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải "nằm im" nếu thiếu đi lượng khách này", ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group nhận định.

Kịch bản nào cho du lịch Việt khi chưa thể đón làn sóng khách Trung Quốc? - 1

Nhiều chuyên gia cho rằng, du khách Trung Quốc nắm giữ chìa khóa giúp phục hồi du lịch, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải "nằm im" nếu thiếu đi lượng khách này (Ảnh: Hiệp Lê).

Nguồn nào thay thế khách Trung Quốc cho du lịch Việt?

 Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, năm 2022, Thái Lan, Malaysia đón được lượng khách quốc tế nhiều hơn Việt Nam là do họ không bị phụ thuộc vào một số thị trường lớn như Trung Quốc đại lục, Đài Loan... đang phục hồi chậm.

Thị trường khách của họ đa dạng, nhiều khách châu Âu, châu Mỹ… mở cửa là sẵn sàng lên đường.

Trên thực tế, khách Trung Quốc chiếm số lượng đông nhưng lại không phải là thị trường có mức chi trả lớn nhất. Năm 2018, khách Trung Quốc chi tiêu trung bình cho một chuyến đi ở Việt Nam khoảng 18 - 22 triệu đồng/người, 32% trong số đó chi cho lưu trú (số liệu của Hội đồng tư vấn du lịch).

Sau Covid-19, với nhiều chuyển biến mới như hiện nay, du lịch Việt Nam cần định vị lại thương hiệu quốc gia, nhắm tới chất hơn lượng, tập trung vào thị trường mục tiêu, khách cao cấp có khả năng chi trả cao, ở lâu hơn và đảm bảo sự bền vững về môi trường, xã hội. Trong đó có các thị trường khách quốc tế tiềm năng như khu vực ASEAN; Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản; Mỹ…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ khi mở cửa du lịch, Hàn Quốc là nhóm khách nước ngoài lớn nhất đến Việt Nam, đạt hơn 769.000 lượt khách trên tổng số 3,4 triệu lượt khách quốc tế năm 2022. 

Hàn Quốc cũng nằm trong top 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam, bên cạnh Mỹ, Australia, Ấn Độ, Singapore...

"Khách Hàn đang thay thế các khách Nga vốn đến Nha Trang đông đúc vào trước dịch. Riêng hệ sinh thái của công ty tôi, trải nghiệm du thuyền cao cấp đón gần 60% khách Hàn Quốc. Người Hàn thích đánh golf, các sản phẩm du lịch cao cấp như du thuyền. Những điều này Việt Nam đều đáp ứng được", ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group nhận định.

Kịch bản nào cho du lịch Việt khi chưa thể đón làn sóng khách Trung Quốc? - 2

Khách nước ngoài thích thú chụp ảnh tại phố đường tàu Hà Nội trước khi bị đóng cửa (Ảnh: Tố Linh).

Tại Phú Quốc, Quảng Ninh… chính quyền địa phương cũng đang tiến hành các chính sách kích cầu với khách Ấn Độ. Quan chức và đại diện các công ty du lịch của Việt Nam và Ấn Độ đã họp trực tuyến để quảng bá đảo Phú Quốc và bang Kerala ở phía tây nam Ấn Độ với tư cách là điểm đến lý tưởng để làm đám cưới.

Ông Jyoti Mayal, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý du lịch Ấn Độ cho biết, xu hướng trở thành điểm đến cho đám cưới "có thể là nhân tố tạo sự thay đổi" trong thúc đẩy thương mại du lịch giữa hai nước.

"Chi phí thuê khách sạn hay khu nghỉ dưỡng (tại Việt Nam) thấp hơn nhiều so với tại Ấn Độ. Xét về dịch vụ khách hàng, các khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam rất đáng tiền. Tại Phú Quốc, Quy Nhơn và nhiều nơi khác, nhân viên đều nói tiếng Anh nên việc giao tiếp không phải là rào cản", anh Patil, một tỷ phú người Ấn Độ từng chi 1,3 tỷ đồng tổ chức đám cưới ở Quy Nhơn cho biết.

Thị trường Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn khách Trung Quốc

 Nhận định về lo ngại khi Việt Nam có nguy cơ hụt mất nguồn khách lớn, ông Từ Quý Thành, Tổng giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, tự tin khẳng định, thị trường du lịch Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn với du khách Trung Quốc. 

"Thị trường không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta không có tên trong danh sách không có nghĩa chúng ta sẽ mãi mãi mất đi lượng khách này", ông Thành nói.

Kịch bản nào cho du lịch Việt khi chưa thể đón làn sóng khách Trung Quốc? - 3

Hẻm Tu sản - địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Giang (Ảnh: Quân Đỗ).

 Đồng quan điểm với ông Thành, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Outbox, chuyên nghiên cứu về số liệu du lịch nhấn mạnh, Trung Quốc chưa bao giờ khẳng định họ chỉ mở du lịch cho 20 quốc gia trong danh sách này, họ nói rằng trong giai đoạn đầu sẽ mở thí điểm cho những quốc gia này trước.

"Khi người ta triển khai thí điểm, lưu lượng khách đi lại giữa các quốc gia lớn hơn, nhu cầu du lịch của người Trung Quốc tăng đồng thời các yếu tố về an toàn phòng dịch được đảm bảo hơn thì hoàn toàn có khả năng, thị trường tỷ dân này sẽ nới lỏng danh sách. Vậy thì việc của chúng ta lúc này là phải tận dụng thời gian để chuẩn bị mọi thứ thật sẵn sàng", ông Phước nhận định.

Việt Nam có thể biến áp lực này thành cơ hội cải thiện sản phẩm du lịch. Đây là lúc các công ty lữ hành phải khảo sát lại thị hiếu của khách Trung Quốc sau dịch, xây dựng sản phẩm mới thích ứng với bối cảnh du lịch hiện tại, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể tận dụng thời điểm này để quan sát xem 20 quốc gia đó, đặc biệt là các quốc gia có đặc điểm tương đồng như Việt Nam sẽ đón khách Trung Quốc như thế nào?

Việc đón khách có khả quan không, tệp khách nào là tệp có thể phát triển, phân khúc nào đang tăng trưởng, phân khúc nào không còn nữa… khi đón khách Trung trở lại có phát sinh thêm vấn đề gì liên quan đến phòng chống dịch không?

Việc chuẩn bị này là vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể đón khách Trung Quốc một cách chủ động. Để ngay khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, chúng ta có thể sẵn sàng đón khách ngay trong điều kiện đảm bảo về an toàn phòng chống dịch, tránh xung đột giữa các đối tượng khách quốc tế khác nhau.


Thanh Thúy/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/du-lich/kich-ban-nao-cho-du-lich-viet-khi-chua-the-don-lan-song-khach-trung-quoc-20230217154324002.htm

  • Từ khóa