Xác định nền kinh tế chỉ hoàn toàn dựa vào du lịch, không có nguồn tài nguyên tự nhiên như các khu vực khác của Indonesia, chính quyền Bali mới đây đã quyết định tăng nguồn thu cho ngân sách hòn đảo bằng việc kêu gọi du khách đóng góp tự nguyện thông qua chương trình "We Love Bali".
Du khách xem biểu diễn múa truyền thống Kecak tại đền Uluwatu, Bali. (Ảnh: TheJakartaPost)
Với chương trình "We Love Bali" (Chúng tôi yêu Bali), chính quyền hòn đảo này đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ thu được ít nhất 31,5 tỷ Rp (2,07 triệu USD) tiền quyên góp tự nguyện của khách du lịch. Số tiền quyên góp của du khách sẽ do chính quyền Bali quản lý và sử dụng để bảo tồn văn hóa và môi trường của hòn đảo xinh đẹp này.
Người đứng đầu Cơ quan Du lịch Bali Tjok Bagus Pemayun cho hay, sự đóng góp của khách du lịch là rất cần thiết để bảo tồn văn hóa và môi trường của Bali bởi hòn đảo này không có tài nguyên dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hay dầu cọ như nhiều tỉnh khác ở Indonesia.
“Đây là tự nguyện, không bắt buộc. Nó sẽ thể hiện sự quan tâm của họ đối với những nỗ lực duy trì bền vững thiên nhiên, văn hóa và môi trường của Bali”, ông Tjok Bagus nói.
Ông Tjok Bagus cho biết, chính quyền Bali hiện đã gắn mã vạch của ứng dụng "We Love Bali" ở nhiều khách sạn, phương tiện giao thông, điểm du lịch, nhà hàng và nhiều khu vực công cộng khác trên khắp Bali. Theo đó, các du khách sẵn sàng đóng góp có thể quét mã vạch của "We Love Bali" và chuyển khoản đóng góp của họ trực tiếp.
Người đứng đầu Cơ quan Du lịch Bali cho hay, dự báo có khoảng ít nhất 5% trong tổng số 4,5 triệu du khách đến thăm Bali năm nay sẽ quyên góp thông qua "We Love Bali". Ông Tjok Bagus cũng nhấn mạnh rằng, chính sách này sẽ không tạo gánh nặng cho ngành du lịch vì nó chỉ đóng vai trò giới thiệu chương trình tới khách du lịch.
Đền nước Tirta Empul, một điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến thăm Bali. |
Năm 2019, để tăng nguồn thu cho việc bảo tồn văn hóa và môi trường của Bali, chính quyền của hòn đảo dự định áp thuế 10 USD với khách du lịch nước ngoài khi tới đây. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã được bãi bỏ một phần vì lý do pháp lý. Hội đồng lập pháp và chính quyền Bali đã quyết định chuyển khoản đóng góp này thành quyên góp tự nguyện.
Tháng 10/2020, giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành, nhằm thúc đẩy du lịch nội địa và vực dậy nền kinh tế địa phương, Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia đã phát động “We Love Bali”. Cùng với việc là động lực cần thiết để thúc đẩy cho nền kinh tế địa phương, vốn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 ở Indonesia, chương trình “We Love Bali” còn mang tính chất của một chương trình giáo dục và chiến dịch vệ sinh, sức khỏe, an toàn và môi trường (CHSE) cho người dân Bali, các bên liên quan đến du lịch và các doanh nhân kinh tế sáng tạo.
Cho đến nay, chương trình này được mở rộng ra với cả du khách quốc tế. Cơ quan Du lịch Bali đã tổ chức các cuộc họp với các bên liên quan về du lịch để tích cực quảng bá chương trình. Ông I Gusti Agung Rai Suryawijaya, Chủ tịch Nhóm công tác Bali về thúc đẩy đóng góp của khách du lịch, nói rằng đóng góp của khách du lịch "We Love Bali" đã được hầu hết khách du lịch mà ông nói chuyện hoan nghênh nhiệt liệt.
“Khách du lịch rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi, miễn là khoản đóng góp của họ được sử dụng hợp lý và minh bạch”, ông Suryawijaya, người cũng là chủ tịch phân khu Badung của Hiệp hội Nhà hàng và khách sạn (PHRI Badung) cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Quản lý khách sạn Indonesia (IHGMA) Bali, Yoga Iswara bày tỏ ủng hộ chương trình này, đồng ý rằng nó cần thiết để duy trì văn hóa và thiên nhiên của Bali như nguồn nước và quản lý chất thải. “Đó không chỉ là nhiệm vụ của người dân và chính phủ Bali, mà của tất cả mọi người, kể cả khách du lịch”, ông Yoga Iswara nói.
Theo nhandan.vn