Theo các chuyên gia, việc du khách Trung Quốc có xu hướng thay đổi cách đi, không tập trung theo đoàn, ưu tiên sở thích cá nhân sẽ là cơ hội để du lịch tăng doanh thu.
Trung Quốc là thị trường du lịch tiềm năng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm 2019, nước ta từng đón 5,8 triệu du khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Tuy nhiên có một thực tế là, mặc dù khách Trung Quốc chiếm số lượng đông nhưng lại không phải là thị trường có mức chi trả lớn nhất. Năm 2018, khách Trung Quốc chi tiêu trung bình cho một chuyến đi ở Việt Nam khoảng 18 - 22 triệu đồng/người, 32% trong số đó chi cho lưu trú (số liệu của Hội đồng Tư vấn du lịch).
Từ ngày 15/3, Trung Quốc đồng ý mở tour khách đoàn tới Việt Nam. Nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi, làm thế nào để thu hút khách Trung Quốc trở lại sau dịch và khiến họ chịu "móc hầu bao"?
Khách du lịch tham quan phố cổ Hội An (Ảnh: VGP).
Chia sẻ với Dân trí, Giám đốc công ty AZA travel Nguyễn Tiến Đạt cho hay, khách Trung Quốc có khả năng chi tiêu khá cao. Tuy nhiên, Việt Nam trước đây chủ yếu đón khách Trung Quốc ít tiền.
"Vậy câu hỏi đặt ra là do phân khúc chúng ta chọn, cách tiếp thị quảng cáo hay do sản phẩm của Việt Nam chưa đủ sức thu hút những vị khách có tiền của Trung Quốc", ông Đạt nêu vấn đề.
Theo ông Nguyễn Minh Xoang, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành quốc tế Hải Vân Cát, thời điểm này, để hút nguồn khách của thị trường đông dân nhất thế giới, Việt Nam cần triển khai lại các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến. Ngoài ra, cần xúc tiến nhanh các đường bay thương mại để việc đi lại của hành khách thuận tiện.
"Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với trung tâm xúc tiến của Đà Nẵng, Hội lữ hành TP. Đà Nẵng và một số đơn đi xúc tiến các thị trường, thành phố như Hàng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô. Chúng ta phải có các hoạt động quảng bá chứ không phải ngồi chờ khách tới", ông Xoang nói.
Đại diện của đơn vị có tới 35% khách đến từ Trung Quốc cũng cho biết, sau khi mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/2/2022, Việt Nam đã có nhiều sự chuẩn bị. Tại Đà Nẵng có nhiều sản phẩm mới hướng tới khách Trung Quốc như tour du lịch sinh thái, du lịch golf, nghỉ dưỡng.
Khu Bà Nà sau 3 năm dịch cũng đã được nâng cấp thêm nhiều hạng mục mới. Những nguồn tài nguyên này nếu quảng bá tốt chắc chắn sẽ thu hút được khách Trung Quốc. "Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu tiền số 1, thậm chí cả dòng khách thị trường", ông Xoang nhấn mạnh.
Đánh giá về lưu lượng khách Trung Quốc thời gian tới, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, số lượng khách sẽ sang dần dần, chưa đông ngay. Lý do là bởi, 20 quốc gia thí điểm đón khách Trung Quốc từ tháng 2 nhưng vẫn chưa thấy tình trạng du khách kéo đến ồ ạt.
Thực tế này do nhiều nguyên nhân: Sau dịch, người dân được "sổ lồng" nhưng sẽ ưu tiên du lịch nội địa bởi Trung Quốc là đất nước rộng lớn và cũng có rất nhiều cảnh đẹp. Nhu cầu đi du lịch giảm do sau dịch người dân Trung Quốc cũng đang tập trung vào công việc sau bình thường mới. Kinh tế khó khăn chung nên họ phải tính toán nhu cầu, xem xét nên chọn quốc gia nào đi du lịch. Quá trình đó sẽ mất khoảng 1-2 tháng nên khách chưa thể sang Việt Nam ồ ạt.
Cũng theo ông Nguyễn Tiết Đạt, đúc kết từ 20 quốc gia đón khách Trung Quốc đợt 1 cho thấy, nhóm khách Trung Quốc đã thay đổi cách đi khá nhiều so với trước dịch.
Theo các chuyên gia, việc du khách Trung Quốc có xu hướng thay đổi cách đi, không tập trung theo đoàn, ưu tiên sở thích cá nhân sẽ là cơ hội để du lịch Việt Nam tăng doanh thu.
"Trước dịch, họ có thể đi rất đông, thuê cả cái máy bay 200 người, di chuyển bằng các xe 45 chỗ rồi đi rầm rầm, đến đâu cũng khá ầm ĩ. Đây là cách du lịch theo chương trình phổ thông. Tuy nhiên, sau dịch, khách Trung Quốc có xu hướng đi theo nhóm nhỏ, chuyên sâu hơn, ưu tiên sở thích. Họ tới các điểm không phổ thông nhưng khá độc đáo, thú vị. Việt Nam cần lưu ý những điểm này để có sự chuẩn bị", ông Đạt cho hay.
Nhiều đơn vị lữ hành đưa ra sản phẩm mới hướng tới khách Trung Quốc như tour du lịch sinh thái, du lịch golf, nghỉ dưỡng (Ảnh minh họa: Vietnamplus).
Nhiều chuyên gia du lịch đồng tình rằng, khách Trung Quốc trở lại Việt Nam là một tin vui, là "mỏ vàng" để du lịch Việt Nam khai thác. Các đơn vị lữ hành cần nắm bắt thị hiếu khách sau dịch, khai thác một cách khôn ngoan. Việc làm ra những sản phẩm giá trị và đa dạng để du khách mua sắm, tạo các điểm đến phù hợp để du khách tiêu tiền cũng là điều cần đặc biệt lưu tâm.
Hồng Anh/dantri.com.vn