Từ năm 1995, ông Yasushi Ogura như "phải lòng" Việt Nam, năm nào cũng tới 3-4 lần. Từ đó, người đàn ông Nhật Bản gần như chẳng đi đến đất nước nào khác mà chỉ dồn tiền tới Việt Nam.
Tháng 3 này, ông Yasushi Ogura (66 tuổi, sinh sống tại Tokyo, Nhật Bản) thực hiện chuyến đi lần thứ 99 tới Việt Nam. Nhiều năm qua, ông thường dành khoảng 3- 4 tháng trong một năm để sinh sống tại các bản làng vùng Đông Bắc và trải nghiệm những điều mộc mạc khác xa cuộc sống tiện nghi ở đất nước văn minh hiện đại bậc nhất. Thời gian còn lại ông sống ở Nhật Bản. Với ông, cuộc sống như vậy mới là lý tưởng.
Ông Yasushi Ogura vừa có chuyến đi lần thứ 99 đến Việt Nam (Ảnh: Tô Ly).
Việt Nam không giống những gì tôi đã nghĩ
Ông Yasushi Ogura vốn là trưởng phòng kinh doanh của một công ty sản xuất và bán hàng thực phẩm ở Nhật Bản. Hàng ngày, ông phụ trách các vấn đề liên quan đến tài chính, kiểm toán, quản lý hiệu suất và hoạt động của các công ty con. Công việc của người đàn ông này hoàn toàn không có chút gì liên quan đến Việt Nam.
"Việt Nam là một của sở thích của riêng tôi dù thời điểm đó, giống như hầu hết người Nhật, tôi chỉ biết đến Việt Nam qua những hình ảnh liên quan đến chiến tranh", ông Ogura nói.
Năm 1995, ông Ogura đặt chân đến TPHCM và Cần Thơ. Người đàn ông Nhật Bản vô cùng ngạc nhiên về sự sống động và tinh thần hiếu khách của người Việt. Ông choáng ngợp khi chứng kiến khung cảnh trù phú tại các khu chợ đầu mối của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trung bình một năm người đàn ông Nhật Bản sống ở Việt Nam 120 ngày (Ảnh: H. A).
Nơi đây có nhiều loại trái cây, rau củ và hải sản tươi ngon. Những người bán hàng luôn niềm nở, khác hẳn với gương mặt lạnh lùng và cuộc sống lúc nào cũng trong khuôn khổ của người Nhật Bản. "Việt Nam quả thực không giống như những gì tôi đã nghĩ", người đàn ông Nhật Bản nhớ lại.
Ông Ogura có sở thích đi du lịch và đã đến nhiều nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia, Lào… Tuy nhiên, từ năm 1995, ông như "phải lòng" Việt Nam, năm nào cũng tới 3-4 lần. Từ đó, ông gần như chẳng đi đến đất nước nào khác mà chỉ dồn tiền tới Việt Nam.
Ông Yasushi Ogura đặc biệt yêu mến Hà Giang (Ảnh: Hồng Anh).
Năm 1999, ông Ogura bắt đầu hành trình khám phá các tỉnh miền núi ở phía Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam. Đặc biệt, khi ghé thăm Hà Giang, ông vô cùng ngạc nhiên với sự đa dạng văn hóa của vùng đất tập hợp tới 22 dân tộc thiểu số.
Điều mà ông cảm thấy ấn tượng hơn cả là cảnh quan tự nhiên độc đáo của các dãy núi đá vôi. Nơi đây không giống như bất kỳ tỉnh thành nào khác ông từng qua. Với ông, Hà Giang là vùng đất đẹp nhất mà ông từng đến ở Việt Nam.
Đó cũng chính là lý do khiến từ năm 2002, người đàn ông này hầu như chỉ đến Hà Giang trong mỗi chuyến ghé thăm Việt Nam. Khoảng thời gian đầu, dù chưa biết tiếng Việt nhưng ông Ogura vẫn một mình rong ruổi khắp các bản làng. Ông dùng ngôn ngữ cơ thể để hỏi đường, bày tỏ các nhu cầu về thuê chỗ nghỉ hay mua đồ ăn.
Khi ghé thăm Hà Giang, ông vô cùng ngạc nhiên với sự đa dạng văn hóa của vùng đất tập hợp tới 22 dân tộc thiểu số (Ảnh: H. A).
Giúp người Hà Giang làm du lịch
Trên hành trình khám phá Hà Giang, ông Yasushi Ogura đã đến với Lô Lô Chải - một bản làng ở cực Bắc Việt Nam thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Dù chỉ ở lại đây mấy tiếng đồng hồ nhưng người đàn ông Nhật đã có cảm tình với Lô Lô Chải.
Ông Ogura nhớ lại chuyến đi định mệnh: "Lần ấy, dù rất muốn ngủ đêm tại Lô Lô Chải để cảm nhận trọn vẹn cuộc sống nơi đây nhưng tôi không được phép. Vào thời điểm đó, việc cho người nước ngoài nghỉ ngơi ngoài tại các làng vùng biên giới chưa thuận tiện như bây giờ. Tôi đành trở về trong ngày và ấp ủ mong ước được làm điều gì đó cho người dân nơi đây".
Người đàn ông Nhật Bản dành nhiều thời gian đi đến các bản làng ở Hà Giang để tìm hiểu về cuộc sống và văn hóa của người địa phương (Ảnh: H. A).
Những ngày sau đó, ông Ogura tìm hiểu và nhận thấy, bản làng vùng cao này có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Người Lô Lô nói được tiếng Kinh, tiếng Mông, một số người còn nói được tiếng Trung Quốc. Nếu cảnh sắc và con người nơi đây được biết tới nhiều hơn thì cũng là cơ hội đổi đời cho những người bản địa.
Sau nhiều trăn trở, năm 2015, người đàn ông Nhật Bản đã bỏ ra số tiền 200 triệu đồng giúp một gia đình của bản này mở quán cà phê, dạy cho họ cách pha cà phê, đón tiếp khách du lịch. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ 100 triệu đồng cho chương trình homestay đầu tiên tại Lô Lô Chải. Ngoài bản Lô Lô Chải, ông Ogura còn đặt chân đến rất nhiều bản làng khác ở Hà Giang.
Thường xuyên ghé thăm Hà Giang, người đàn ông Nhật Bản còn luôn trăn trở với cách thức phát triển du lịch của mảnh đất này. Theo ông, đôi khi người địa phương không hiểu rõ về không gian mà khách du lịch từ thành thị mong muốn. Một vài năm gần đây, Lô Lô Chải phát triển du lịch nhanh chóng và đã xuất hiện nhiều homestay.
"Nếu người dân thiết kế nhà cửa, hàng quán đẹp nhưng không giữ gìn cảnh quan truyền thống thì Lô Lô Chải sẽ không còn là điểm du lịch hấp dẫn với mọi người. "Tôi luôn nhắn nhủ điều này với dân làng nơi đây để mong họ giữ gìn cảnh quan này", ông Ogura nói.
Mỗi lần đến ông lại chọn những homestay truyền thống nhất để hòa mình vào cuộc sống của người bản địa. Ông coi mảnh đất địa đầu Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.
Ông Ogura hy vọng rằng khi phát triển du lịch, Việt Nam sẽ quan tâm đến bảo vệ và bảo tồn tài nguyên hiện có (điều kiện tự nhiên và văn hóa dân tộc thiểu số) (Ảnh: Tô Ly).
Vì muốn hiểu hơn về đất nước con người Việt Nam, năm 2003 ông Ogura bắt đầu học tiếng Việt. Ông chủ yếu tự học bằng cách đọc sách. Ông đã nghỉ hưu cách đây ít năm nên dành thời gian đến Việt Nam thường xuyên hơn.
Mỗi chuyến đến Việt Nam, ông tiêu tốn khoảng hơn 20 triệu đồng (bao gồm vé máy bay khứ hồi, các chi phí đi lại, lưu trú, ăn uống). Tổng số tiền gần ngốn hết tháng lương hưu của ông.
Tuy nhiên, với niềm yêu mến đặc biệt dành cho Việt Nam và mảnh đất Hà Giang, người đàn ông độc thân cứ lặng lẽ phiêu diêu trên khắp các bản làng, hòa mình vào cuộc sống của người dân vùng cao nguyên đá.
Phạm Hồng Hạnh/dantri.com.vn