Trực tiếp theo dõi và trải nghiệm cách làm "vàng trắng", du khách vừa hòa nhập với thiên nhiên, vừa thấy trân trọng công sức lao động của người dân sống giữa nơi bốn bề là nước ở TPHCM.
Tại Ngày hội Du lịch TPHCM lần thứ 19 năm 2023, Sở Du lịch TPHCM đã tổ chức city tour với chủ đề "Bản hòa ca thiên nhiên", đến những điểm đặc sắc ở khu vực phía Đông Nam thành phố. Trong đó, ấp đảo Thiềng Liềng khiến du khách vừa thỏa thích tận hưởng không khí trong lành, vừa bất ngờ với những trải nghiệm độc đáo, thoát ly khỏi khói bụi, cuộc sống nhộn nhịp hằng ngày.
Thiềng Liềng nằm sâu trong xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ - địa phương duy nhất tại TPHCM giáp biển. Hòn đảo nhỏ với bốn bề là nước, hệ thống kênh rạch chằng chịt, nên dù chỉ cách trung tâm TPHCM khoảng 70km, du khách phải mất 5-6 tiếng di chuyển từ đường bộ xen lẫn đường thủy mới đến được.
Đây là một trong những lý do khiến Thiềng Liềng vẫn còn giữ được nét hoang sơ, khi các vùng xung quanh hầu hết đã có sự phát triển nhất định. Và cũng chính nhờ điều này, du khách được dịp trải nghiệm nhiều khung cảnh: Từ cung đường bộ hiện đại ở trung tâm thành phố, qua bến phà Bình Khánh thấp thoáng nét tương đồng với hình ảnh miền Tây sông nước, đến không gian biển đầy nắng gió, nghe tiếng sóng ập vào mạn tàu, hai bên là những hàng đước, mắm xanh mát.
Cách đây gần 10 năm, Thiềng Liềng vẫn chưa có điện. Đến năm 2016, để chào mừng kỷ niệm 41 năm ngày thống nhất đất nước, chính quyền địa phương đã quyết tâm mang điện xuyên qua những cánh rừng ngập mặn đến với người dân ấp đảo. Đây cũng là nơi duy nhất tại TPHCM có núi, với tên gọi Giồng Chùa.
Từ khu du lịch Dần Xây (đường Rừng Sác, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) di chuyển bằng cano cao tốc khoảng 30 phút, đoàn chúng tôi đã đến được với Thiềng Liềng. Từ xa, đã thấy người dân chào đón khách ghé thăm bằng chiếc nón lá, tà áo bà ba và những cái vẫy tay thân thiện. Hình ảnh này đã xuất hiện từ cuối tháng 12 của năm ngoái, khi Thiềng Liềng bắt đầu hoạt động du lịch cộng đồng.
Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, người rất tâm huyết với vùng đất Cần Giờ chia sẻ, du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng có triết lý khai thác là "du lịch hội tụ" - nghĩa là hội tụ sự tươi đẹp của thiên nhiên và sự cần cù, sáng tạo của người dân.
Đến với Thiềng Liềng, bạn có thể trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như xem người dân vò lá và trực tiếp thưởng thức món sương sâm, trải nghiệm ngâm chân thư giãn với các vị thuốc và muối, uống nước giải nhiệt, ăn các món bánh dân gian, nghe đờn ca tài tử... Tất cả các địa điểm đều được di chuyển đến bằng phương tiện xe đạp, giúp khách đắm mình vào cảnh quan tươi đẹp, không khí trong lành.
Nhưng đặc biệt nhất là hoạt động trải nghiệm, khám phá nghề làm muối - sinh kế chính của người dân những năm qua. Với 396 ha là cánh đồng muối, tạo nên cả một vùng trắng xóa vào mùa thu hoạch, nên Thiềng Liềng còn được gọi là "đảo muối nở hoa".
"Hạt muối ở nơi đây kết tinh rất đẹp, được ví như "vàng trắng" nuôi sống người dân. Thời điểm hiện tại đang là cao điểm của hoạt động làm muối (từ tháng 10 đến tháng 3-4 âm lịch), nên có thể coi là mùa đẹp nhất để trải nghiệm Thiềng Liềng" - Tiến sĩ Minh nói.
Trên những cánh đồng, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân hì hục cào muối, chất đầy các cần xé giữa trời nắng chang chang. Những hạt muối trắng ngần sau khi hình thành sẽ được mang vào kho tích trữ cẩn thận, trước khi bắt đầu cuộc phiêu lưu đến nhiều nơi. Trong đó, Tây Ninh là địa phương tiêu thụ lượng lớn và góp phần mang hạt muối chất lượng, đậm đà của ấp đảo thuộc Cần Giờ lan tỏa đi mọi miền đất nước.
Trực tiếp trải nghiệm cách làm ra "vàng trắng", du khách vừa thỏa thích hòa nhập với thiên nhiên, vừa trân trọng công sức lao động của người dân. Nếu muốn mang về sản vật đặc trưng mà đất trời ban tặng cho Thiềng Liềng, bạn có thể chọn "hoa muối" (muối kết tinh trên bề mặt, độ mặn không cao) do người dân tinh luyện, để làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Sự hội tụ đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị nhân văn của Thiềng Liềng đã níu chân được kẻ phương xa đến đây không nỡ rời đi.
Anh Quân (người Hà Nội), du học sinh từ Đan Mạch trở về chia sẻ, sau khi có cơ duyên đến Thiềng Liềng, anh quyết định chọn vùng đất này để xây dựng một "không gian hoài niệm".
Giữa một ốc đảo hoang sơ phương Nam, không khỏi bất ngờ khi xuất hiện ngôi nhà hội tụ nhiều vật dụng, thức quà của khu vực phía Bắc như quả sấu, nước vối, tranh đông hồ... Theo anh Quân, ngoài việc tìm sinh kế, anh cũng muốn tạo ra một cuộc sống trong lành, yên bình cho gia đình, cha mẹ. Và anh tin tưởng Thiềng Liềng là nơi phù hợp làm điều này.
3 tháng tính từ ngày ra mắt hoạt động du lịch cộng đồng, đến nay Thiềng Liềng đã ghi nhận khoảng 550 khách đến trải nghiệm, trong đó có một số công dân Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ. Ngoài ra còn có một số khách tự phát, thuê vỏ lãi của người dân để tìm ra đảo. Con số trên nghe thì có vẻ khiêm tốn, nhưng đã tăng đến 3-4 lần so với trước đây, giúp người dân có thêm phương kế mưu sinh, thay vì chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Đến ngày 7/4, UBND TPHCM đã chính thức phê duyệt chủ trương phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2 tại ấp đảo Thiềng Liềng. Đây là tin rất vui, để người dân nơi đây có quyền mơ về một tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn trên chính những cảnh quan, sản vật quê nhà.
Quận 7 công bố các điểm du lịch đạt chuẩn
Hòa trong không khí Ngày hội Du lịch TPHCM lần thứ 19, UBND quận 7 vừa tổ chức hội nghị giới thiệu các điểm đến phục vụ khách du lịch.
Ông Trần Quốc Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết, quận 7 có vị trí địa lý đặc thù được bao bọc bởi nhiều sông lớn, diện tích mặt nước hơn 871 ha (chiếm gần 25% diện tích tự nhiên). Đây là nơi trung chuyển kết nối các quận, huyện trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ, các tỉnh miền Tây và miền Đông. Quận 7 cũng có khu đô thị Phú Mỹ Hưng thuộc hàng hiện đại bậc nhất nước, với hơn 150.000 người nước ngoài đến sinh sống và làm việc; có các bệnh viện, trường học quốc tế chất lượng cao...
Với đặc thù riêng, quận 7 phát triển công tác du lịch theo hướng đa dạng các dịch vụ tại các điểm đến, phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp với chất lượng tốt như: khách sạn, ẩm thực, dịch vụ giáo dục; mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe; hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện, văn hóa, điểm đến.
Theo các tiêu chí trên, UBND quận 7 đã giới thiệu các điểm đến đạt chuẩn du lịch, như Trường Quốc tế Canada, Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Trung tâm thương mại Crescent Mall, tuyến đường Tôn Dật Tiên, Saigon South Marina Club…
Hoàng Lê