Vương quốc đỗ quyên trên đỉnh K'lang (Tây Giang, Quảng Nam) được ví như một phiên bản Avatar ngoài đời thực. Nơi đây là định nghĩa hoàn hảo nhất về một khu rừng có vẻ đẹp ma mị và cổ tích.
Quần thể đỗ quyên rừng mọc trên đỉnh K'Lang (thuộc thôn Abanh 2, xã Tr'hy, huyện Tây Giang, Quảng Nam) ở độ cao 2.005m. Khu rừng này được coi như báu vật của người Cơ Tu, và là một trong số ít rừng đỗ quyên nguyên sinh, còn lại ở Việt Nam.
Tại đây, hơn 430 cây đỗ quyên hàng trăm năm tuổi đã được công nhận là cây di sản Việt nam. Trong đó, có hai loài đỗ quyên chính là lá rộng và lá kim. Chúng sống xen kẽ nhau, không có loài cây nào khác có thể chen vào được.
Từ tháng hai trở đi, hoa đỗ quyên nở dày đặc trên các triền núi. Sự giao thoa hai mạn Đông-Tây của đỉnh Trường Sơn khiến cảnh quan rừng đỗ quyên thay đổi chỉ trong vài bước chân. Hoa đỗ quyên ở đây có đầy đủ màu từ trắng, trắng pha hồng, tím, đỏ.
Hệ sinh thái trong rừng còn nguyên vẹn vì chưa chịu nhiều sự tác động của con người. Đồng bào Cơ Tu ở đây sống dựa vào rừng nhưng chỉ lấy từ rừng những thứ họ cần và vừa đủ cho cuộc sống hằng ngày.
Họ tham gia bảo vệ rừng bằng cách lập các tổ chức tự quản, cử thanh niên trai tráng canh giữ không cho người ngoài vào rừng, ai phá rừng sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật và lệ làng.
Thân cây đỗ quyên được phủ kín bởi thảm rêu chuyển sắc, từ xanh, xanh thẫm đến ngả vàng. Đồng bào Cơ Tu gọi cánh rừng này là "rừng ma" vì các thân cây ở đây xoắn xuýt vào nhau.
Khắp nơi chỉ có màu xanh mướt của rêu. Lớp rêu dày đến mức đứng bên trên cảm giác êm chân và hơi nảy như lò xo. Nắng xiên qua những tán cây rừng, mùi sương hòa với mùi cỏ cây đặc trưng.
Anh Trần Trung Kiên (42 tuổi, Hà Nội) và nhóm bạn mất gần 7 tiếng trekking để lên đến đỉnh K'lang. "Tôi thấy như lạc vào một thế giới siêu thực. Dù đã nhiều lần leo núi, băng rừng, nhưng với tôi đây là cánh rừng đầu tiên mang lại cảm giác được trở về nguyên bản. Cảnh quan này không phải khu rừng nào cũng có được", Trung Kiên chia sẻ.
Anh tự thưởng cho mình những giây phút ngồi im dưới nắng. Kiên gọi đây là "tắm rừng", theo thuật ngữ Shinrin-yoku của người Nhật, nghĩa là vào rừng để phục hồi tâm hồn và sức khỏe.
Giữa rừng có một thung lũng nhỏ là nơi sinh sống của vài hộ dân Cơ Tu.
Họ coi việc bảo vệ rừng như sinh mạng, bởi "còn rừng thì còn người Cơ Tu mà mất rừng thì người Cơ Tu cũng mất", Trung Kiên kể lại lời của một người đồng bào.
Cùng với rừng Lim và rừng Pơ Mu, rừng đỗ quyên cũng là một trong những điểm đến đang được chính quyền địa phương từng bước khai thác, đón khách tham quan du lịch, chủ yếu là hoạt động trekking.
"Tôi tin nơi đây hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn ở miền Trung. Nhưng việc khai thác du lịch cần gắn liền với bảo vệ rừng vẫn là vấn đề chúng tôi băn khoăn nhất. Do vậy hoạt động thu hút khách và phát triển các sản phẩm du lịch vẫn đang phải thực hiện từng bước", anh PLênh, cán bộ phòng Văn hóa huyện Tây Giang cho biết.
Trần Trung Kiên/dantri.com.vn