Các công ty lữ hành kỳ vọng chính sách visa thông thoáng hơn sẽ là đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển
Quốc hội vừa chính thức thông qua dự Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Điểm nổi bật là thời hạn thị thực điện tử (evisa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Nhập cảnh, xuất cảnh không giới hạn số lần
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8 và Chính phủ sẽ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng evisa. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày người nước ngoài được nhập cảnh, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới.
Du khách quốc tế tham quan TP HCM .Ảnh: TẤN THẠNH
Thông tin mới về thị thực và thị thực điện tử ngay lập tức đem lại luồng gió mát cho ngành du lịch. Bởi trước đó, cả chuyên gia lẫn doanh nghiệp (DN) du lịch đã nhiều lần kiến nghị sớm nâng thời hạn tạm trú cho người nước ngoài được miễn thị thực, thay vì chỉ 15 ngày như hiện tại. Trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore đều áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú đến 45 ngày, 90 ngày. Việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong thu hút du khách, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng.
Quy định mới cũng góp phần phát huy hiệu quả trong quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh và tạo điều kiện hơn cho người Việt Nam và người nước ngoài. Thủ tục đơn giản, thuận tiện, người nước ngoài không phải đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, không cần làm thủ tục đề nghị cấp thị thực qua khâu trung gian…
Bà Phạm Thúy Sơn, Chủ tịch Công ty Hồng Ngọc Hà Travel, cho biết trong bối cảnh ngành du lịch cạnh tranh như hiện nay, việc áp dụng chính sách visa mới cởi mở, thông thoáng và thuận tiện hơn cho du khách sẽ tạo thuận lợi rất lớn. "Visa là cánh cửa đầu tiên để khách quốc tế đến và nếu Chính phủ có thể tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở rộng thị trường được miễn visa sẽ hỗ trợ du lịch phát triển hơn nữa" - bà Sơn nói.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị - Công ty Du lịch Vietravel, phân tích chính sách visa mới là yếu tố để thu hút và tạo sự thuận tiện để khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn. Theo bà Khanh, với những quy định mới, Vietravel có thể linh hoạt sắp xếp lịch trình du lịch dài ngày cho khách quốc tế, họ sẽ dễ dàng tham quan theo tuyến du lịch nghỉ dưỡng hoặc khám phá xuyên Việt, 3 nước Đông Dương (Việt Nam - Lào - Campuchia). Việc này cũng thúc đẩy du khách quốc tế tăng ngân sách chi tiêu tại Việt Nam.
"Chính sách visa vừa là yếu tố quan trọng vừa là tiền đề để tạo sức hút điểm đến. Tuy nhiên, việc thu hút khách du lịch quốc tế còn dựa trên nhiều yếu tố cộng hưởng khác như: sản phẩm du lịch đa dạng, mới mẻ; điểm đến hấp dẫn, chất lượng phục vụ nhiệt tình, thân thiện… Đó là những yếu tố cốt lõi mà DN đang tập trung xây dựng, phát triển nhằm khai thác tối đa sự hậu thuẫn từ chính sách visa mới" - bà Vân Khanh nói.
Các công ty lữ hành kỳ vọng chính sách visa mở rộng điều kiện và thông thoáng hơn sẽ là đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển, tăng số lượng khách quốc tế đến, phát triển kinh tế du lịch. Bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, dự báo chính sách visa nhập cảnh mới có thể tác động làm tăng thêm lượng du khách quốc tế đến Việt Nam của công ty từ 5% - 25%/năm.
Không chỉ khách du lịch, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty Du lịch TSTtourist, nhận định chính visa mới cũng góp phần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại… Trước mắt, chính sách này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trong thu hút khách quốc tế, là cơ sở để DN lữ hành cung cấp thông tin cho khách nắm quy định và chuẩn bị quảng bá, xúc tiến thị trường.
Sẽ đẩy mạnh quảng bá
Hiện ngành du lịch Việt Nam đang trong mùa thấp điểm đón khách quốc tế nhưng các DN đã bắt đầu đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến để thu hút khách mùa cao điểm cuối năm (thường từ cuối tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau). Chính sách visa mới được thông qua thời điểm này sẽ tạo cơ hội cho DN và các điểm đến trên cả nước, cũng như ngành du lịch nói chung tăng cường quảng bá để kéo khách.
"Chúng tôi đã thông tin ngay đến các đối tác du lịch tại nhiều thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ, Úc… về chính sách xuất nhập cảnh mới để họ chủ động chuẩn bị các bước phù hợp khi áp dụng chính sách visa mới, biết rõ quy định để chuyển tới khách hàng là những du khách dự định đến Việt Nam hoặc đang phân vân lựa chọn điểm đến. Khảo sát tuyến điểm, thiết kế sản phẩm tour cho du khách quốc tế có hành trình tour từ Việt Nam đến các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia… nâng thời gian lưu trú tại Việt Nam" - bà Phương Anh nói.
Các DN khác cũng cho biết sẽ tăng cường những chương trình xúc tiến, gặp gỡ, đàm phán với các đối tác quốc tế mới, chào bán những sản phẩm du lịch mới dựa trên các tiêu chí và quy định của chính sách visa thông thoáng, mở rộng.
Tại Vietravel, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh cho biết trong năm nay, ngoài các thị trường truyền thống đang dần hồi phục như Trung Quốc, các nước trong khu vực Đông Nam Á hay các thị trường xa như châu Âu - Úc - Mỹ, công ty đang mở rộng khai thác các thị trường trọng điểm khác như Ấn Độ và Trung Đông.
"Chúng tôi hướng đến kế hoạch xúc tiến quảng bá các điểm đến của Việt Nam nhằm tiếp cận gần hơn với du khách quốc tế. Công ty dự kiến tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức sự kiện xúc tiến và tham dự hội chợ du lịch quốc tế lớn ở các quốc gia trọng điểm nhằm góp phần định vị hình ảnh du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới" - bà Vân Khanh nói.
Phải có sản phẩm để giữ chân khách Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, đánh giá quy định mới về visa là tin vui cho ngành du lịch. Dù vậy, bài toán tiếp theo là khi khách được ở lâu thì họ sẽ làm gì? Làm sao để giữ chân du khách ở lâu, tối đa tới 90 ngày? Những câu hỏi này buộc ngành du lịch phải cải thiện sản phẩm dịch vụ, chất lượng tour, tuyến... "Nới visa là một tin vui nhưng đi kèm là nỗi lo bởi ngành du lịch còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực, giữ chân khách ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn" - ông Xuân Anh nói. |
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/kinh-te/du-lich-but-pha-nho-cu-hich-visa-2023062622082839.htm