Bằng nhiều nỗ lực, thời gian qua, hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, theo một số quan điểm, ngành du lịch hai địa phương có "khoảng trống", đó là lượng du khách quốc tế chiếm tỷ lệ ít trong tổng số lượt du khách.
Du khách chèo thuyền Kayak trên hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh HƯƠNG DỊU)
Thực tế nêu trên đòi hỏi hai địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ phục vụ du khách và quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả nhiệm vụ quảng bá, thu hút du khách quốc tế.
Khách quốc tế chưa nhiều
Hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và bản sắc văn hóa độc đáo. Những năm qua, hai địa phương đã tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.
Ðồng thời, địa phương cũng tích cực quảng bá, thu hút đông đảo du khách, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ. Gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, các số liệu thống kê thời gian gần đây, lượng du khách quốc tế đến địa phương chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số du khách.
Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã được quốc tế vinh danh khi là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới; Vườn di sản Asean, khu Ramsar thứ 1.938 của thế giới. Mới đây, trang du lịch nổi tiếng The Travel của Canada đưa ra gợi ý Vườn Quốc gia Ba Bể là một trong 10 điểm đến hấp dẫn cho hành trình xuyên Việt.
Với những tiềm năng hiện có, hồ Ba Bể là "trung tâm" trong phát triển du lịch của Bắc Kạn, được xác định là "mỏ vàng" thu hút khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tế, "thỏi nam châm" thu hút du khách quốc tế của ngành du lịch tỉnh Bắc Kạn hiện chưa "hút" được nhiều khách quốc tế.
Chia sẻ thực tế này, Giám đốc Ban Quản lý khu du lịch Ba Bể, Hoàng Ngọc Thấm cho biết, lượng khách quốc tế đến với khu du lịch hồ Ba Bể chỉ chiếm 10 đến 15% tổng số du khách. Nguyên nhân lượng khách du lịch quốc tế đến với hồ Ba Bể chưa nhiều một phần là do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá; chất lượng dịch vụ còn hạn chế.
Phân tích nguyên nhân chưa có nhiều du khách quốc tế đến Khu du lịch hồ Ba Bể, anh Ðổng Văn Hoán, chủ homestay Green Ba Bể chia sẻ, phần lớn khách quốc tế đánh giá cao về cảnh sắc, sự hoang sơ của hồ Ba Bể và sự đặc sắc trong bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là ẩm thực.
Tuy nhiên, điều khiến du khách chưa hài lòng đó là tại thắng cảnh không có các địa điểm vui chơi, giải trí; ngoài ngắm hồ thì không còn dịch vụ, sản phẩm du lịch nào khác. Do đó, lượng khách quốc tế đến với homestay Green Ba Bể không ổn định, tăng trưởng thấp. Bình quân một năm đón khoảng 500 đến 700 khách quốc tế, chủ yếu là khách đi đơn lẻ, đặt chỗ qua trang www.booking.com.
Hiện toàn khu vực hồ Ba Bể có 162 xuồng vận chuyển khách tham quan hồ Ba Bể. Xuồng vận chuyển khách tại khu du lịch Ba Bể số lượng nhiều nhưng chất lượng lại kém không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều vấn đề tưởng nhỏ, như: biển báo chỉ dẫn chỉ có tiếng Việt, chưa có song ngữ cũng dẫn đến sự khó chịu cho khách quốc tế.
Tại tỉnh Cao Bằng, các danh thắng như thác Bản Giốc, núi Mắt Thần, hồ Thang Hen và một số điểm du lịch nổi tiếng khác vẫn giữ được những nét hoang sơ, tự nhiên, là lợi thế thu hút du khách quốc tế. Mặt khác, việc đạt và giữ vững được danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đã quảng bá hiệu quả cho ngành du lịch Cao Bằng với du khách trong và ngoài nước. Nhưng việc phát huy lợi thế sẵn có để đẩy mạnh thu hút du khách quốc tế đến với Cao Bằng còn hạn chế.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng Hoàng Mạnh Ngọc, đánh giá, việc ít du khách quốc tế đến với Cao Bằng có nguyên nhân do hạn chế trong công tác đầu tư cho quảng bá, kết nối, thu hút du khách. Ðiều này dẫn đến một thực tế của du lịch Cao Bằng là lượng du khách chỉ tập trung đông vào các dịp nghỉ lễ và ngày cuối tuần và khá thưa thớt vào những ngày trong tuần. Nếu quảng bá hiệu quả, thu hút được du khách quốc tế, lượng khách sẽ "dàn" đều hơn.
Du khách quốc tế tham quan thác Bản Giốc (Cao Bằng). (Ảnh CHU PHÚC) |
Quảng bá, thu hút khách
Nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém để khắc phục, tỉnh Bắc Kạn đã và đang tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của ngành du lịch. Ðịa phương đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ðồng thời, chỉ đạo các ngành sớm hoàn thiện Ðề án khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch quốc gia, giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh Bắc Kạn cũng đã "dồn" hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư mở mới đường du lịch từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; hạ tầng giao thông chung quanh hồ Ba Bể; đề xuất triển khai cao tốc Chợ Mới-thành phố Bắc Kạn và nâng cấp đường nối Bắc Kạn-Cao Bằng.
Tỉnh Bắc Kạn cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với Tập đoàn Viettel và Công ty Cổ phần FPT, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới gắn với phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tỉnh cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác, hợp tác với các tập đoàn, công ty lớn để đào tạo nhân lực phục vụ ngành du lịch.
Ngoài ra, cũng cần mở rộng liên kết du lịch, nhất là với các tỉnh có lượng khách quốc tế đến nhiều như Quảng Ninh, Ninh Bình... và các địa điểm đón tiếp rất nhiều khách du lịch quốc tế hạng sang-chi tiêu lớn. Ðồng thời, đồng bộ triển khai các giải pháp, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất chỗ ăn, nghỉ, thái độ phục vụ, giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái ở khu du lịch, bảo tồn và phát huy tối đa các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ du lịch.
Chia sẻ về số liệu thống kê lượng du khách, đồng chí Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết, ngành du lịch tỉnh Cao Bằng đang mất cân đối khá lớn giữa số lượt khách trong nước và ngoài nước. Nguyên nhân của thực tế này, một phần do hạn chế về hiệu quả và kinh phí phục vụ tuyên truyền, quảng bá thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Trước thực tế đó, thời gian qua, Sở đã tích cực tham mưu, đề xuất với tỉnh một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quảng bá thu hút du khách.
Hiện Sở đang tiếp tục phối hợp triển khai Ðề án số hóa du lịch tỉnh Cao Bằng. Trong đó, bước chuyển biến tích cực là từ cuối tháng 4/2023, Cổng du lịch thông minh tỉnh Cao Bằng, có nhiều tiện ích, với ba ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh đã chính thức đi vào hoạt động. Với mục tiêu giúp du khách nước ngoài dễ dàng tìm hiểu về dịch vụ và điểm đến tại Cao Bằng.
Trong quý III năm nay, lần đầu tiên, tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức sự kiện quảng bá Du lịch Non nước Cao Bằng tại quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội. Sự kiện dự kiến sẽ được tổ chức trong ba ngày, với nhiều hoạt động đặc sắc, nhằm quảng bá và thu hút du khách trong và ngoài nước đến Cao Bằng. Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục phối hợp, tham mưu, đề xuất để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quảng bá thu hút du khách. Trong đó, sẽ xúc tiến công tác xã hội hóa, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia quảng bá, thu hút du khách quốc tế đến với Cao Bằng.
Ngành du lịch hai địa phương Bắc Kạn và Cao Bằng đang cần sự quan tâm, đầu tư, phối hợp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quảng bá, thu hút du khách, đặc biệt là nguồn khách quốc tế. Ðồng thời, ngành du lịch hai địa phương cũng cần tiếp tục đổi mới, vươn lên, khắc phục tình trạng "bước bằng một chân", chủ yếu đón tiếp du khách trong nước và khá thưa vắng du khách quốc tế.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/cao-bang-bac-kan-thu-hut-khach-du-lich-quoc-te-post760429.html