Ồ ạt rao bán khách sạn, resort

Thứ 6, 07.07.2023 | 10:44:10
769 lượt xem

Bức tranh phát triển du lịch vẫn chưa sáng hẳn trong bối cảnh lượng khách chưa như kỳ vọng; hàng loạt khách sạn, resort, nhà hàng... ở các điểm du lịch nổi tiếng bị rao bán

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo gần 400 tài sản cần xử lý, trong đó có nhiều resort, khách sạn 3-4 sao, nhà hàng ở các thành phố du lịch nổi tiếng. Một số ngân hàng khác cũng rao bán resort để xử lý, thu hồi nợ vay do khách hàng không có khả năng trả.

Làn sóng rao bán rầm rộ

Riêng tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), VietinBank thông báo đến gần 40 bất động sản, chủ yếu là các khách sạn 3-4 hoặc 5 sao, resort, nhà hàng với giá trị từ vài chục tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng. Một bất động sản gồm quyền sử dụng đất và khách sạn 4 sao có diện tích hơn 1.800 m2, tổng số phòng lên tới 104, cần xử lý với giá khởi điểm 420 tỉ đồng; một khách sạn 4 sao khác diện tích hơn 9.000 m2 với 98 phòng cũng rao bán hơn 400 tỉ đồng…

Hơn 1 năm nay, làn sóng rao bán các khu resort, khách sạn ở Hội An ngày càng tăng. Chỉ cần truy cập vào các trang thông tin điện tử về nhà đất, gõ từ khóa "bán resort ở Hội An" sẽ nhận được hàng chục đến hàng trăm kết quả. Nhu cầu bán rất lớn nhưng người hỏi mua lại khá èo uột, có nhiều tài sản được rao bán 4-5 tháng nhưng chưa bán được.

Ồ ạt rao bán khách sạn, resort - Ảnh 1.

Một khách sạn trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP HCM dán kín biển cho thuê. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho biết ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã có nhiều khởi sắc. Dù vậy, so với năm 2019 (trước khi xảy ra dịch COVID-19), lượng khách mới đạt khoảng 40%. Khả năng chi tiêu của khách không còn cao như trước nữa nên ngành du lịch gặp vô vàn khó khăn.

Bức tranh du lịch ở nhiều thành phố khác như Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phú Quốc… cũng chưa thật sự khởi sắc. Trong danh sách các bất động sản cần xử lý của VietinBank còn có một khu du lịch sinh thái Prime - Prime Resorts & Hotels ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo phát mại tài sản bảo đảm khu resort Mỹ Khê của Công ty CP Du lịch Quảng Ngãi với giá khởi điểm hơn 39,7 tỉ đồng. Tương tự, Vietcombank Chi nhánh Hùng Vương cũng thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty CP Du lịch Quốc tế Việt Nam ở quận 5, TP HCM với giá khởi điểm hơn 3,8 tỉ đồng…

Hai "cú đấm" quá lớn

Theo ông Phan Xuân Thanh, hiện chưa có kết quả khảo sát chính thức về con số chính xác nhưng tỉ lệ các cơ sở kinh doanh du lịch ở Hội An mở cửa trở lại mới đạt khoảng 70%.

"Thời điểm 2018-2019, nhiều khách sạn, resort được xây dựng với định hướng thị trường thời đông du khách nhưng giờ lượng khách giảm còn 30%-40% lại chi tiêu ít. Đồng thời, nhiều người vay ngân hàng nhưng được cơ cấu lại thời gian trả nợ, không chuyển nhóm nợ trong giai đoạn 2020-2021, sau đó phải trả nợ gốc và lãi đầy đủ cho cả những năm đó. Do tình hình kinh doanh gặp khó khăn nên nhiều người không thể trụ nổi, phải chấp nhận để ngân hàng thanh lý tài sản bảo đảm" - ông Phan Xuân Thanh nói.

Nhiều ngân hàng thương mại cho biết việc xử lý tài sản thế chấp của các doanh nghiệp (DN), trong đó có DN du lịch, là bước đi sau cùng khi các khách hàng không thể trả được gốc và lãi. Thời điểm này đang là mùa cao điểm khách nội địa trong dịp hè, dù vậy khách chưa đông như kỳ vọng, giá vé máy bay liên tục giảm để kích cầu.

Tổng cục Thống kê công bố 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế ước đạt gần 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều khách sạn, resort công suất phòng đang ở mức thấp. Ngay như ở Hội An, giai đoạn hiện nay là mùa khách nội địa nhưng lượng khách lưu trú không cao, chi tiêu ít và chủ yếu lưu trú ở Đà Nẵng, chỉ đến Hội An tham quan…

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều DN du lịch buồn và xót xa trước thông tin hàng loạt khách sạn, resort phải âm thầm thanh lý, rao bán hoặc bị phát mại tài sản.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, cho biết ngay sau cú sốc dịch COVID-19 là đến khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và khó khăn của kinh tế trong nước từ cuối năm ngoái đến nay. Những yếu tố này khiến không chỉ thiếu vắng khách quốc tế mà cả khách nội địa cũng tiết kiệm chi tiêu, giảm đi du lịch hơn. Hai "cú đấm" liên tiếp khiến nhiều DN không trụ lại được, về lâu dài không cầm cự được buộc phải "bán mình"…

"Nhiều nơi khách đông nhưng quan sát kỹ sẽ thấy đa phần là những điểm đến lân cận ở Hà Nội như Quảng Ninh, Ninh Bình… hoặc gần TP HCM như Vũng Tàu, Phan Thiết… do khách có thể đi tự túc hoặc đi bằng ôtô. Còn những đường tour đi bằng máy bay có phần hạn chế. Điều này lý giải vì sao giá vé máy bay hạ nhiệt ngay trong cao điểm hè" - ông Phan Xuân Anh nói. 


Thái Phương - Trần Thường/nld.com.vn

https://nld.com.vn/du-lich-xanh/o-at-rao-ban-khach-san-resort-20230706204328202.htm

  • Từ khóa