Nhà nước xúc tiến điểm đến, doanh nghiệp xúc tiến sản phẩm du lịch

Thứ 3, 18.07.2023 | 08:32:13
503 lượt xem

Ngành du lịch đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề từ sau dịch Covid-19. Để gỡ khó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã vào cuộc với nhiều giải pháp quyết liệt. Đây là lợi thế nhưng cũng là áp lực buộc doanh nghiệp du lịch phải sớm nhìn nhận và có những giải pháp thay đổi linh hoạt.

Thực tế biến đổi rất nhiều

Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) thông tin: “Hiện đang là cao điểm du lịch nội địa nhưng nhiều nơi chỉ có khách vào cuối tuần, còn đầu tuần hầu như vắng bóng. Nhiều thị trường khách đến ít. Phía Bắc, nhiều vùng biển ô nhiễm nên hầu như khách du lịch chỉ dạo biển, chủ yếu tắm ở hồ bơi khách sạn. Ngay như chủ trương số hóa, Hiệp hội Du lịch Việt Nam hỗ trợ miễn phí nhưng chủ các khách sạn, đặc biệt từ 3 sao trở xuống phản hồi rằng rất khó khăn khi phải mua máy móc, tuyển nhân lực chuyên môn hóa”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel phân tích: “Thực tế hình thức du lịch tự túc ngày càng phát triển khi du khách có thể tự tìm hiểu thông tin, đặt phòng, vé... Khách ngoại quốc tự đi sẽ là "mồi ngon" của những tệ nạn như chặt chém, lừa đảo, chèo kéo. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm tới đối tượng khách này bằng cách tạo điều kiện về visa, quản lý tốt điểm đến, bảo đảm an toàn... Chúng ta cần những đường dây nóng hoạt động hiệu quả cung cấp cho khách bằng nhiều thứ tiếng. Ví dụ, ở Nha Trang (Khánh Hòa) có QR code hoạt động khá hiệu quả với những chỉ dẫn khá cụ thể. Ngoài ra, chúng ta cũng cần cải thiện hệ thống giao thông vận tải, mở rộng kinh tế đêm”.

 Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) thu hút nhiều khách du lịch thời gian qua. Ảnh: HOÀNG GIANG 
 Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) thu hút nhiều khách du lịch thời gian qua. Ảnh: HOÀNG GIANG 

Đồng quan điểm, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Lux Group bày tỏ: “Một nhiệm vụ cấp thiết của du lịch Việt Nam hiện nay là làm mới mình vì sau dịch Covid-19, du khách quan tâm tới cảm xúc nhiều hơn. Tôi cho rằng thương hiệu của du lịch Việt Nam đã cũ, cần làm mới để phù hợp với bối cảnh thay vì chỉ chung chung “Việt Nam vẻ đẹp bất tận”. Ngoài ra, tôi mong muốn chính quyền địa phương, các hiệp hội lưu ý quản lý điểm đến. Nhiều điểm đến của chúng ta quản lý không tốt như Đà Lạt (Lâm Đồng), Cát Bà (Hải Phòng)... thường xuyên tắc đường, thiếu  nước, rác nhiều”. Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Thực tế biến đổi rất nhiều, rất nhanh nên du lịch phải làm mới mình. Trong đó, Nhà nước xúc tiến điểm đến, thương hiệu du lịch Việt Nam. Doanh nghiệp xúc tiến sản phẩm du lịch”.

Tìm giải pháp khôi phục, tăng tốc phát triển du lịch

Dù còn nhiều khó khăn nhưng du lịch Việt Nam thời gian qua cũng đã đón nhận những dấu hiệu tích cực. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này qua kết quả 6 tháng đầu năm khi các chỉ số về khách quốc tế, khách nội địa hay tổng thu đều đạt hơn 60% so với kế hoạch của cả năm 2023. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam: “Kết quả này là một phần nhờ sự quan tâm, vào cuộc của hệ thống chính trị, kịp thời gỡ bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và sự đồng lòng, chủ động của địa phương, doanh nghiệp”.

Một trong các chính sách được những người làm du lịch đánh giá tác động lớn nhất tới khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam: Chính sách thị thực mới sẽ mở "đường băng" cho rất nhiều luồng khách mới, đặc biệt là những luồng khách chủ động, luồng khách gia đình, những luồng khách đi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ gây áp lực lên nhiều dịch vụ, buộc phải thay đổi để phù hợp. Ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định: “Chính sách mới này được coi như một lời mời của Việt Nam với du khách quốc tế. Tuy nhiên, đó mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, nâng cao sức cạnh tranh hơn cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn từ các thị trường quốc tế thì cần triển khai loạt giải pháp đồng bộ, từ việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đến công tác quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ, bài bản, chuyên nghiệp; công tác quản lý điểm đến, an ninh, an toàn, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho khách khi đi du lịch tại Việt Nam”.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours bày tỏ kỳ vọng du lịch 6 tháng cuối năm chuyển biến tốt nhờ hiệu ứng từ chính sách: “Chúng tôi kỳ vọng từ nay tới cuối năm, du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ và định hình được dòng sản phẩm cho khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024, 2025 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, điều cần thiết là chúng ta sớm phân công nhiệm vụ, quy định nguồn lực cụ thể với từng đối tượng để tránh tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", nguồn lực bị phân tán, trùng lắp hay cạnh tranh thiếu lành mạnh”.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan. 


KIM LIÊN

https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/nha-nuoc-xuc-tien-diem-den-doanh-nghiep-xuc-tien-san-pham-du-lich-734955

  • Từ khóa