Vùng đất Tây Nam Bộ sở hữu nhiều nét văn hóa bản địa phong phú cùng hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng ngập mặn, cù lao, hải đảo, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...
Cáp treo Hòn Thơm, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. |
Với nguồn tài nguyên dồi dào, nhiều địa phương ở đây đã phát triển các loại hình du lịch mang nét đặc trưng riêng, góp phần thu hút lượng lớn du khách.
Thực tế cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố ở Tây Nam Bộ đã chủ động xây dựng chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng sự trải nghiệm của du khách, đa dạng hóa sản phẩm và ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy vậy, cũng còn nhiều việc phải làm để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế sẵn có…
Đa dạng sản phẩm, loại hình du lịch
Những ngày qua, vườn nho của ông Nguyễn Bá Vũ nằm dưới chân con suối Đá Bàn ở xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang ra trái rộ, đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, chụp ảnh miễn phí mỗi ngày. Khi du khách có nhu cầu, ông Vũ bán nho với giá dao động từ 50.000-100.000 đồng/chùm, tùy kích thước. Đam mê nông nghiệp và mong muốn tạo điểm tham quan sinh thái, ông Vũ thử nghiệm trồng mít Thái, ổi, táo và nho trên 10.000 m2 đất của gia đình.
Giống như ông Vũ, trong quá trình phát triển, nhiều điểm tham quan ở Phú Quốc đã không ngừng đổi mới, tạo thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn để thu hút du khách. Từ lợi thế sẵn có, thành phố đảo này đã hình thành, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách. Có thể nhắc đến như: Khu vui chơi giải trí Vinpearland; Khu vui chơi giải trí VinWonders; Khu bảo tồn và chăm sóc động vật hoang dã Safari Phú quốc; Cáp treo Hòn Thơm vượt biển dài nhất thế giới…
Thực tế cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố ở Tây Nam Bộ đã chủ động xây dựng chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng sự trải nghiệm của du khách, đa dạng hóa sản phẩm và ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy vậy, cũng còn nhiều việc phải làm để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế sẵn có…
Theo thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang, sáu tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ước đón hơn 5,4 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 13.394 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023. Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng đẹp, nổi tiếng, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch thành ngành kinh tế trọng yếu, đột phá của tỉnh theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”. Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, tỉnh tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh với các địa phương trong và ngoài nước để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch, sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương.
Còn tại An Giang, loại hình du lịch văn hóa-tâm linh đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng của tỉnh này trong nhiều năm qua với những điểm tham quan như: Khu du lịch quốc gia Núi Sam; Khu du lịch Núi Cấm…, trong đó, Khu Du lịch quốc gia Núi Sam với Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam tại thành phố Châu Đốc là khu du lịch tâm linh lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây, mỗi năm có hơn bốn triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Miếu Bà kết nối trục dọc với lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang tạo nên sự khác biệt, đặc trưng về sản phẩm du lịch vùng sông nước, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch An Giang.
Trong sáu tháng đầu năm 2024, tỉnh An Giang đón hơn bảy triệu lượt khách tham quan, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, tăng 105%. “Tỉnh đang từng bước khai thác, xây dựng những sản phẩm du lịch mới, mang tính hiện đại, ngày càng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách. Đơn cử như du lịch trekking kết hợp khám phá, trải nghiệm Núi Cấm; du lịch Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc kết hợp tìm hiểu đời sống văn hóa cộng đồng người Chăm ở Châu Phong…”, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết.
Với tỉnh Đồng Tháp, du lịch của địa phương này hình thành chậm hơn ngành du lịch cả nước nhưng bằng những cách làm thiết thực, phù hợp, hiện, du lịch Đồng Tháp đã xác định được vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và toàn quốc. Những năm qua du lịch Đồng Tháp giữ vững vị trí tốp 4 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về lượt khách tham quan. Năm 2023, tỉnh thu hút 4,034 triệu lượt khách và doanh thu từ du lịch đạt 1.925 tỷ đồng. Để đạt được sự thành công bước đầu ấy, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều cách làm sáng tạo, chú trọng phát triển du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp, du lịch gắn với tổ chức các sự kiện lớn...
Festival Hoa-kiểng Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp lần đầu được tổ chức vào cuối năm 2023 đã thu hút hơn 245 nghìn lượt khách, cho thấy một sức hút lớn, vượt ngoài tầm vóc của một lễ hội cấp tỉnh. Ba năm gần đây, thành phố Sa Đéc duy trì tổ chức nhiều hoạt động lễ hội trong năm, như: Lễ hội Hòa Bình, Lễ hội Độc lập, Lễ hội Hoa xuân, Festival Hoa-kiểng và Lễ hội đón chào năm mới.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc Võ Thị Bình, các lễ hội được tổ chức trải đều trong năm chứ không tập trung vào dịp Tết. Từng lễ hội được tổ chức theo các mốc thời gian phù hợp với ngữ cảnh, sự kiện để du khách dễ nhớ. Một đột phá khác trong kích cầu du lịch mà Đồng Tháp đã thực hiện khá thành công là Lễ hội Sen, tổ chức hai năm một lần. Đây là sự kiện quy mô cấp tỉnh, mang đến nét đặc trưng riêng của văn hóa vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.
Nhìn vào lượt khách tham quan cho thấy, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long luôn mang trong mình một sức cuốn hút lớn. Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận, du lịch ở vùng Tây Nam Bộ phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch vẫn còn những hạn chế nhất định…
Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch
Được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu, cũng như các tỉnh khác trong khu vực, Đồng Tháp có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú, nhất là du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Tuy vậy, thời gian qua, sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp chưa thật sự đặc sắc, chưa mang tính đặc trưng văn hóa rõ nét, nên chưa thu hút khách, nhất là du khách quốc tế. Việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn hạn chế, chưa có nhà đầu tư có tiềm lực lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, định hướng đến năm 2030, Đồng Tháp tập trung phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn phát triển du lịch với nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của từng địa phương.
Tỉnh sẽ hình thành các tour, tuyến du lịch mới nội tỉnh, liên tỉnh; nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Cùng với đó, tập trung phát triển các ngành, nghề truyền thống, các làng nghề, các nét đặc sắc về văn hóa của tỉnh như: Nghề dệt chiếu Định Yên, nghề đóng ghe xuồng Long Hậu, nghề dệt choàng Long Khánh… để phục vụ hoạt động tham quan, trải nghiệm.
Theo bà Lê Thị Hải Châu, Tổng Thư ký Hội Đầu tư, phát triển du lịch Phú Quốc, tuy du lịch phục hồi, nhưng phát triển trong xu thế bất cập, chưa thật sự ổn định và bền vững do ảnh hưởng tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn, thiên tai... xảy ra ở một số nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Khó khăn nhất đối với du lịch Phú Quốc là đường bay nội địa và giá vé máy bay khá cao.
Để du lịch Phú Quốc nói riêng, du lịch tỉnh Kiên Giang nói chung khởi sắc hơn, ngoài khách quốc tế, các doanh nghiệp du lịch tại Kiên Giang đang đưa ra các giải pháp kích cầu du lịch nội địa, những chính sách như: Combo giá vé máy bay, giá phòng nghỉ ổn định, không áp dụng chính sách phụ thu; ưu đãi, tặng dịch vụ tiện ích, giảm giá dịch vụ giải trí. Phú Quốc tiếp tục liên kết, hợp tác với các vùng, miền phát triển tour, tuyến du lịch chất lượng phục vụ, thu hút khách du lịch.
Năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh An Giang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Trung Thành cho biết, ngành du lịch tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp các khu, điểm du lịch, các lễ hội địa phương, các dịch vụ phục vụ du lịch, tạo sự đa dạng, đặc trưng về văn hóa để thu hút du khách. Đồng thời, liên kết phát triển du lịch giữa An Giang và các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước…
Từ thực tế, để kích cầu du lịch nội địa, từng tỉnh, thành phố ở Tây Nam Bộ cần có sự quan tâm, triển khai thật đồng bộ; cần sự đồng thuận, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Các chương trình kích cầu cần đa dạng về hình thức, phù hợp với từng đối tượng. Quan trọng hơn, các địa phương không chỉ nhìn thấy tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, mà cần chỉ rõ thực tế những hạn chế, tồn tại trong ngành du lịch.
Với những đặc trưng riêng, ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long từng bước được đầu tư phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa. Nhiều giải pháp kích cầu du lịch được tập trung một cách căn cơ sẽ giúp cho du khách có nhiều trải nghiệm và thể hiện trách nhiệm với đất và người nơi đây…
Sáu tháng đầu năm 2024, hoạt động du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có bước tiến triển khá tốt. Cụ thể, tổng số khách ước đạt hơn 29,9 triệu lượt, tăng 11,20% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ hoạt động du lịch hơn 34.871 tỷ đồng, tăng hơn 33% so cùng kỳ năm 2023… |
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tay-nam-bo-kich-cau-du-lich-noi-dia-post818998.html