Sau khi nghe lời giải thích của hướng dẫn viên người Việt Nam, nữ du khách đến từ nước ngoài mới từ bỏ ý định mua bát hương đem về châu Âu làm đồ trang trí.
Khách mua bát hương về... trang trí ở nhà
Mới đây, cư dân mạng chia sẻ đoạn video ghi lại cảnh một vị khách người nước ngoài quyết tâm mua bát hương đem về châu Âu làm đồ trang trí. Đoạn video thú vị đã nhận được nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội.
Hình ảnh trong đoạn video cho thấy, chiếc bát hương được làm bằng sứ, có trang trí hình rồng màu xanh.
Sau khi hỏi chủ cửa hàng, người phụ nữ được biết mức giá khoảng 250.000 đồng/chiếc. Cô kể với chồng, mong muốn đưa về nước để trưng bày dù biết khá cồng kềnh.
Khách Tây muốn mua bát hương đem về nước trang trí (Ảnh: Chụp màn hình).
Sự hào hứng với chiếc bát hương của nữ du khách khiến nhiều người Việt Nam có mặt tại quán ngạc nhiên. Anh chàng hướng dẫn viên đi cùng phải bật cười, vì từ trước đến nay chưa có ai mua bát hương để trưng bày như một món đồ nghệ thuật.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Đỗ Ngọc Phúc - Hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội - cho biết, hình ảnh nữ du khách muốn mua bát hương đem về Tây Ban Nha được quay khi anh dẫn đoàn khách hơn 10 người tham quan Hà Nội cách đây không lâu. Sau khi đoạn video được chia sẻ, không ngờ nhận được sự quan tâm của cư dân mạng.
"Hôm đó, tôi dẫn đoàn khách đi tham quan một số địa điểm ở Hà Nội. Sau khi băng qua đường, cả nhóm ghé vào một tiệm bán đồ thờ.
Khách Tây thích thú ngắm từng đồ vật trong quán vì bát hương, ban thờ... được trang trí sơn son thếp vàng rất đẹp. Nhiều người lần đầu được nhìn thấy đồ thờ kiểu này, nên họ khá tò mò", anh Phúc nhớ lại.
Theo anh Phúc, nữ du khách muốn mua bát hương vì nghĩ đó là món đồ gốm tráng men, trang trí hình rồng tinh xảo, phù hợp để trưng bày tại phòng khách của gia đình.
"Cô ấy không biết đó là món đồ được bày trên bàn thờ của các gia đình Việt Nam. Sau khi nghe tôi giải thích về tác dụng của bát hương, nữ du khách người Tây Ban Nha tỏ ra ngạc nhiên, quyết định không mua nữa với vẻ mặt khá tiếc nuối", anh Phúc cho biết.
Là hướng dẫn viên chuyên dẫn khách Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha, anh Phúc không ít lần chứng kiến những câu chuyện bi hài khi du khách người nước ngoài khám phá các phong tục ở Việt Nam.
Để làm mới các chương trình tour, tạo sự hấp dẫn cho khách, anh chàng sinh năm 1998 thường chuẩn bị tiền âm phủ hay vài món đồ bằng giấy để giải thích cho cả đoàn về đốt vàng mã ở Việt Nam khi khách đến thăm đền, chùa.
Khách Tây thích thú khi cầm tiền vàng mã trên tay (Ảnh: Chụp màn hình).
Theo Phúc, đó là cách để người nước ngoài hiểu rõ và nhanh nhất về những phong tục khác biệt chỉ có ở một số quốc gia châu Á. Hầu hết các vị khách đều tỏ ra thích thú, họ vừa có thêm vốn kiến thức vừa được trải nghiệm, không chỉ nghe những câu chuyện "suông".
"Khi tôi cầm trên tay xấp tiền vàng mã, hầu hết khách đều trầm trồ, đặt rất nhiều câu hỏi. Ở nơi họ sống, không có bán các tờ tiền âm phủ. Thậm chí, có người còn xin một vài tờ để vào ví làm kỷ niệm", anh Phúc cho biết.
Khách thích tìm hiểu văn hóa hơn chụp ảnh, mua sắm
Anh Phúc nhận thấy, khách Tây thích tìm hiểu các nét văn hóa, công trình kiến trúc, trải nghiệm phong tục và ẩm thực hơn là chụp ảnh hay mua sắm.
Các vị khách lớn tuổi thường đặt rất nhiều câu hỏi sâu về một đồ vật, phong tục. Thậm chí, có người còn quay video để mang về giới thiệu cho bạn bè.
"Nhiều đoàn thích tìm hiểu về phong tục thắp hương của người Việt Nam, vì ở nơi họ sống chỉ đốt hương để đuổi muỗi. Một số khách muốn tự mình đốt vàng mã hay trải nghiệm nấu ăn như người bản địa...", anh Phúc cho biết.
Với 6 năm kinh nghiệm trong nghề, nam hướng dẫn viên này nhận thấy khách Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha tình cảm, thích tìm hiểu, không chú trọng đến chuyện hưởng thụ mà hứng thú với văn hóa, dễ tính hơn khách đến từ một số quốc gia khác.
Với những khách trẻ, họ thích lên các vùng rừng núi để trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, sống trong nhà của bà con dân tộc ở Sapa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình). Trong khi các khách lớn tuổi hơn, thích lựa chọn Ninh Bình, Hạ Long (Quảng Ninh).
Đỗ Ngọc Phúc luôn tạo sự thân thiện với du khách khi làm hướng dẫn viên (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Được biết, Phúc là một trong những hướng dẫn viên hiếm hoi biết tiếng Bồ Đào Nha ở Việt Nam. Trước đây, anh chàng học khoa Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành của trường Đại học Thương Mại (Hà Nội).
Từ khi còn là sinh viên năm thứ hai, nam hướng dẫn viên đã tham gia CLB dẫn tour để trau dồi thêm tiếng Anh. Nhờ vậy, Phúc đam mê, bén duyên với công việc này.
Khi đã có thể giao tiếp tiếng Anh, Phúc tự học tiếng Tây Ban Nha. Chỉ sau 1 năm, anh thi lấy chứng chỉ Dele B2 của viện Cervantes bên Tây Ban Nha. Trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, anh chàng tự mày mò học tiếng Bồ Đào Nha.
Theo Phúc, công việc hướng dẫn viên thú vị, được tiếp xúc với nhiều người, giúp tăng vốn hiểu biết và khả năng ngoại ngữ. Tuy nhiên, đằng sau đó là những áp lực ít ai thấu hiểu như: Yêu cầu chuẩn xác về thời gian, phải đáp ứng đòi hỏi của khách với đa dạng tính cách đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau...
Theo dantri.com.vn