Trước diện mạo mới của Chùa Cầu sau trùng tu, nhiều người đánh giá cao, khen đẹp, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng nó quá lạ lẫm so với "phiên bản cũ".
Sau khi tháo dỡ nhà bao che bằng khung sắt và tôn, hình hài Chùa Cầu lộ diện. Ghi nhận của phóng viên Dân trí, rất đông du khách đổ về Hội An du lịch ghé Chùa Cầu chụp ảnh.
Nhiều người khen di tích đẹp nhưng cũng không ít ý kiến trái chiều, cho rằng di tích sau trùng tu "như làm mới", kém phần cổ kính so với trước đây.
Video: Du_khách_đến_Hội_An-_-Chùa_Cầu_bên_ngoài_đẹp_hơn_hình_trên_mạng-_-
Du khách tham quan, check-in Chùa Cầu sau trùng tu
Thời gian, thiên tai… đã làm cho Chùa Cầu ngày càng xuống cấp, cần thiết phải trùng tu. Ảnh chụp trước khi Chùa Cầu trùng tu (Ảnh: Ngô Linh).
Từ Quảng Bình vào tham quan phố cổ Hội An, chị Minh Thủy bày tỏ bất ngờ khi thấy hình ảnh mới của Chùa Cầu. "Tôi cảm thấy hơi lạ mắt trước diện mạo này của di tích, trong tâm trí tôi, hình ảnh Chùa Cầu cổ kính, giờ trông có vẻ mới", chị Thủy chia sẻ.
Còn theo anh Lê Phước Thiện, một hướng dẫn viên du lịch, cho hay: "Tôi thường xuyên hướng dẫn khách vào tham quan. Tuy nhiên, hình ảnh Chùa Cầu bây giờ nhìn có vẻ lạ lẫm hơn trước".
Bên cạnh những ý kiến chê diện mạo mới của Chùa Cầu, vẫn có những vị khách cảm thấy cuộc đại trùng tu này mang lại kết quả tốt.
Sau trùng tu, Chùa Cầu trong "diện mạo mới" và có nhiều ý kiến tranh luận (Ảnh: Ngô Linh).
Vốn là một người rất yêu thích Hội An, anh Lê Đức Tới (42 tuổi, du khách đến từ TPHCM) cho rằng, Chùa Cầu nhìn từ ngoài đẹp hơn trên ảnh, du khách nên đến đây để thấy công sức mà đội trùng tu đã bỏ ra chứ không chỉ qua mạng xã hội. Khi vừa sửa chữa xong sẽ có cảm giác mới mẻ, nhưng với thời tiết miền Trung, chỉ cần một thời gian sẽ trở lại dáng vẻ như xưa.
"Trùng tu chứ không phải làm giả cổ, vì phần quan trọng nhất của trùng tu là kết cấu bên trong chứ không đơn thuần là phần mới mẻ bề ngoài", anh Tới bày tỏ.
Bạn Nguyễn Nhật Hạ (27 tuổi, du khách đến từ Đà Nẵng) cho rằng, phần quan trọng nhất là kết cấu bên trong, đó là cả một quá trình nghiên cứu, khảo sát… không nên chỉ nhìn bề ngoài, trên mấy tấm ảnh chụp.
Sau trùng tu, dư luận xôn xao cũng bởi vì quá yêu mến Chùa Cầu (Ảnh: Ngô Linh).
"Có nhiều trang mạng xã hội dẫn dắt dư luận, mọi người nên tỉnh táo để có cái nhìn khách quan hơn", Nhật Hạ nói.
Chùa Cầu không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa thu hút đông đảo du khách ghé thăm mà nơi đây đã trở thành linh hồn, biểu tượng của người dân phố Hội.
Chùa Cầu đã trải qua hơn 400 năm tồn tại, dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ nhưng do sử dụng trong thời gian quá dài, gánh chịu lượng khách lớn cộng với tình hình lũ lụt, mưa bão ở Hội An nên di tích bị hư hại, buộc phải trùng tu là điều không tránh khỏi.
Là một người con của Hội An, anh Đặng Ngọc Vũ cho rằng, Chùa Cầu sau tu sửa vẫn giữ được nét đẹp và nét thơ mộng vốn có. Có thể khoác lên mình chiếc "áo mới" nên du khách nhìn chưa quen mắt.
"Việc hạ giải, đại trùng tu là phương án kịp thời của chính quyền. Nếu công tâm hãy đọc những bài nghiên cứu về Chùa Cầu từ bao năm qua và những giải trình của thành phố Hội An về di tích này", anh Vũ nói thêm.
Chùa Cầu chiều ngày 1/8, đường kẻ màu trắng phía dưới lan can cầu đã được quét nước vôi cho sậm hơn (Ảnh: Ngô Linh).
Theo ông Nguyễn Song (60 tuổi, người dân phố cổ Hội An), từ khi thành phố đưa ra phương án đại trùng tu Chùa Cầu, không chỉ ông mà người dân Hội An luôn dõi theo. Bởi đây không chỉ đơn giản là một di tích, mà còn là "linh hồn" của người dân phố Hội.
"Trùng tu Chùa Cầu là việc rất cần thiết, điều chúng tôi quan tâm là việc tu bổ có làm dối làm ẩu không, đảm bảo nguyên tắc trùng tu di tích không, có giúp "cụ" đứng vững theo năm tháng không, chứ không phải màu sắc mới - cũ", ông Song cho hay.
Trước đó, theo UBND thành phố Hội An, thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, trong nước để tham vấn các nhà chuyên môn đặc biệt các chuyên gia Nhật Bản.
Du khách chụp hình lưu niệm cùng Chùa Cầu (Ảnh: Ngô Linh).
Quá trình trùng tu Chùa Cầu luôn tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc công khai, minh bạch; du khách vẫn tham quan khi di tích đang trùng tu. Trong quá trình triển khai, bộ phận chức năng tháo gỡ từng viên ngói, cấu kiện gỗ đều có đánh dấu, mời các chuyên gia thẩm định hiện trạng, có biên bản cụ thể.
Trước ý kiến cho rằng phần thân Chùa Cầu được sơn mới làm cho di tích khác lạ, hiện đại hơn so với trùng tu, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An khẳng định quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu. Từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.
Có gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.
Về các ý kiến nên "làm giả cổ", chọn tông màu sao cho gần nhất với hình ảnh Chùa Cầu trước khi tu bổ, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng điều này không phù hợp với quan điểm, nguyên tắc "không làm giả" mà dự án đã đề ra. Đặc biệt, điều đó dẫn đến lo ngại sẽ làm sai lệch yếu tố gốc, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của việc nghiên cứu về sau.
Trải qua hơn 400 năm lịch sử, Chùa Cầu đã trở thành biểu tượng của phố cổ, góp phần làm nên một Hội An xứng tầm Di sản văn hóa thế giới.
Dù đã qua 7 lần sửa chữa, nhưng trước sự bào mòn của thời gian cùng tác động của con người lẫn thiên tai, Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng.
Cuối năm 2022, dự án đại trùng tu Chùa Cầu với kinh phí hơn 20 tỷ đồng được tỉnh Quảng Nam triển khai. Khi lớp áo cũ được thay thế đã tạo nên những cuộc tranh luận của cộng đồng mạng.
Theo dantri.com.vn