Kinh tế đêm: Động lực thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Lạng Sơn

Thứ 3, 27.08.2024 | 09:04:45
1,127 lượt xem

Những năm gần đây, nếu có dịp đến với thành phố Lạng Sơn vào buổi tối, hầu hết du khách đều bất ngờ trước những con phố lung linh ánh đèn, khu chợ đêm nhộn nhịp, những địa điểm vui chơi giải trí mới đang dần hình thành... Sự đổi thay đó là kết quả bước đầu của "Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2030", một trong những sáng kiến đột phá nhằm thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế địa phương.

Kinh tế ban đêm bao gồm nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ diễn ra từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Có thể kể đến như các hoạt động kinh doanh, giới thiệu văn hóa ẩm thực, chương trình biểu diễn nghệ thuật, giải trí, lễ hội, sự kiện, hoạt động tham quan, du lịch, trải nghiệm...

Trên thực tế, nhiều địa phương trên cả nước, nhất là ở những trọng điểm du lịch đã khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đêm.

Phát triển kinh tế ban đêm từ những điều kiện sẵn có

Thành phố Lạng Sơn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, gồm 8 đơn vị hành chính (5 phường và 3 xã) với  dân số gần 108.000 người. Thành phố Lạng Sơn nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là đầu mối giao thông quan trọng.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn

Bên cạnh vị trí quan trọng trên, thành phố Lạng Sơn còn có nhiều nét riêng biệt khi vừa có núi, có sông, vừa có hang động nằm ngay trong lòng thành phố với 13 di tích, danh thắng nổi tiếng cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh, hội tụ sắc màu văn hóa của các dân tộc thiểu số Xứ Lạng. Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi để Lạng Sơn phát triển du lịch gắn với kinh tế đêm dựa trên yếu tố tự nhiên, các hoạt động khám phá văn hóa, trải nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố Lạng Sơn có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm. Để khai thác hiệu quả những yếu tố đó, ngày 8/2/2021, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 376 về việc phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2030. Đề án đặt ra mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Mặc dù năm 2021 đề án mới chính thức được phê duyệt, song giai đoạn thực hiện đề án được thống nhất lấy thời điểm từ năm 2020. Theo đó, đến nay các cấp, ngành trên địa bàn thành phố đã ban hành trên 200 văn bản chỉ đạo, triển khai và giao nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn căn cứ vào chức năng nhiệm vụ tham mưu thực hiện các hạng mục đề án lồng ghép vào kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, danh mục thu hút đầu tư trên địa bàn và lồng ghép trong kế hoạch thực hiện hằng năm… với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong đề án.

Theo nội dung đề án trong giai đoạn 2020 - 2025, UBND thành phố thực hiện 5 dự án xây dựng khu, điểm phát triển kinh tế ban đêm; 4 dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị; 4 dự án phát triển dịch vụ kinh tế đêm khác.

Những kết quả bước đầu

Theo nhiệm vụ tại đề án, những năm qua, các cơ quan, đơn vị của thành phố đã tích cực thực hiện đề án theo nhiệm vụ được phân công cụ thể. Nhờ đó, diện mạo "đêm" của thành phố Lạng Sơn đã có nhiều thay đổi.

Cụ thể, các cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 129 cơ sở lưu trú với 2.437 buồng và hơn 800 nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; hạ tầng thương mại, dịch vụ từng bước được cải thiện, thành phố có 4 chợ, 2 trung tâm thương mại, 5 siêu thị đang hoạt động đã được phân hạng và phê duyệt nội quy; hệ thống siêu thị bán lẻ Winmart+, nhiều cửa hàng tiện lợi được mở và nhân rộng trong khu vực đã góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá, bước đầu đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch thành phố. Tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại các khu vực hoạt động kinh tế ban đêm cơ bản ổn định, đảm bảo.

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế đêm cũng góp phần làm tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Bà Hoàng Thị Chấn, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ khi phố đi bộ Kỳ Lừa bắt đầu hoạt động, vào tối thứ 6 và tối thứ 7 hằng tuần tôi và các thành viên trong gia đình lại cùng nhau ra phố đi bộ để bán bánh cuốn thoỏng - món bánh đặc trưng của dân tộc Tày (hay còn gọi là pùn-slin), cũng là món gia truyền của gia đình. Trung bình mỗi tối tôi tráng trực tiếp và bán được 7 kg bánh. Việc phát triển kinh doanh thêm vào ban đêm giúp gia đình tôi tăng thêm thu nhập trung bình khoảng 3 đến 4 triệu đồng/tháng.

Hiệu quả bước đầu từ việc phát triển kinh tế đêm của thành phố đã góp phần giúp cho tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất một số ngành kinh tế trên địa bàn bình quân hằng năm giai đoạn 2020 - 2025 ước đạt 11%, trong đó giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 10,9%.

Kinh tế đêm góp phần "thắp sáng" du lịch thành phố

Gắn với việc phát triển kinh tế đêm, các hoạt động văn hóa trải nghiệm, chương trình trải nghiệm ẩm thực vào ban đêm cũng đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn.

Du khách trải nghiệm ẩm thực địa phương tại Phố đi bộ Kỳ Lừa

Đơn cử, sản phẩm du lịch phố ẩm thực đêm Phú Lộc IV (thuộc phường Vĩnh Trại) và phố đi bộ Kỳ Lừa (phường Hoàng Văn Thụ), khu vực tổ hợp siêu thị, nhà hàng Vincom Lạng Sơn... Với việc phát triển hàng loạt cửa hàng dịch vụ ăn uống và các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng, các địa điểm này luôn tấp nập người qua lại, đặc biệt vào ban đêm.

Bà Hoàng Thuỳ Ninh, Phó Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin, thành phố Lạng Sơn cho biết: Để tạo cảnh quan tại các tuyến, điểm phát triển kinh tế đêm, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố triển khai lắp đặt hệ thống biển, bảng, đèn trang trí, hệ thống chiếu sáng rực rỡ, bắt mắt nhằm tạo hiệu ứng ánh sáng thu hút du khách. Đơn cử từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị tiến hành lắp đặt hệ thống biển báo, dòng chữ nổi tên di tích trên núi Đại Tượng, hệ thống đèn chiếu sáng trong động chùa Tiên… với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng.

Nếu như nhiều năm trước, thành phố khá vắng vẻ khi màn đêm buông xuống thì hiện nay, những địa điểm phát triển kinh tế đêm ngày càng trở nên sôi động đã góp phần "níu giữ" du khách lưu trú lại thành phố.

Đơn cử khi đến với tuyến Phố đi bộ Kỳ Lừa vào mỗi tối cuối tuần, du khách có thể thưởng thức những món ăn nổi tiếng của Xứ Lạng như phở chua, bánh cuốn, nem nướng và có thể theo dõi các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống then, sli, lượn tại sân khấu chính (đối diện đền Tả Phủ); tham gia các trò chơi dân gian tới những tiết mục hát, múa, nhảy hiện đại... Tất cả đều hội tụ tại đây tạo nên một không gian sống động và đầy màu sắc.

Chị Đặng Thu Trà, du khách đến từ Bắc Ninh chia sẻ: Khoảng 2 năm trở lại đây, khi đến Lạng Sơn tôi cảm nhận rõ sự đổi thay về ban đêm. Thành phố trở nên lung linh, sôi động hơn rất nhiều so với thời điểm 4 - 5 năm trước. Không chỉ được tham quan, mua sắm ở chợ đêm Kỳ Lừa truyền thống, tôi còn được trải nghiệm những làn điệu dân ca, những trò chơi dân gian tại Phố đi bộ Kỳ Lừa, được thưởng thức nhiều món ăn ngon và trải nghiệm đi xe điện ngắm cảnh quanh thành phố.

Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2030 là bước đi đúng đắn của thành phố. Tin tưởng với những kết quả khả quan đã đạt được, kinh tế ban đêm sẽ góp phần thúc đẩy du lịch thành phố có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te-dem-dong-luc-thuc-day-du-lich-thanh-pho-lang-son-5019433.html


  • Từ khóa