Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam

Thứ 3, 17.12.2024 | 15:17:49
319 lượt xem

Hiện nay, phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đang là xu thế mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới. Mỗi quốc gia đều tự ý thức nâng cao nội lực của thị trường văn hóa, tạo tiền đề cho giao lưu quốc tế và đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế. Thói quen tiêu dùng và nhu cầu thụ hưởng của công chúng đang thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi thị trường văn hóa cần có những sáng tạo, thích ứng linh hoạt cho phù hợp.

PGS.TS. Đặng Hoài Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phát biểu. Ảnh: bvhttdl.gov.vn

Những năm qua, thị trường văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa đa dạng, phong phú hơn. Nhờ chính sách đổi mới của Ðảng và Nhà nước xác định văn hóa là mục tiêu hàng đầu trong xây dựng và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo ra giá trị vật chất đóng góp vào nền kinh tế, mọi thành phần trong xã hội đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo, tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa.

Tuy nhiên, thị trường văn hóa ở nước ta còn bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế như quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa chuyên nghiệp. Sản phẩm văn hóa ở nhiều lĩnh vực nghèo nàn, đơn điệu, tính cạnh tranh yếu, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của công chúng. Thậm chí, thị trường văn hóa nội địa còn phải đối mặt nguy cơ bị các sản phẩm văn hóa nước ngoài áp đảo, lấn lướt. Ðiều này có thể nhìn rõ nhất trong các lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh. Nguyên nhân của tình trạng này là các chính sách cho phát triển văn hóa của ta còn thiếu tính đột phá, chưa đồng bộ, chưa thật sự khuyến khích và tạo điều kiện cao nhất cho doanh nghiệp và người dân tham gia thị trường văn hóa. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa cũng còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Tại hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới" do Trường đại học Văn hóa (Hà Nội) tổ chức vừa qua, nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài đã đề xuất những ý kiến có giá trị đóng góp vào việc phát triển thị trường văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Các tham luận bám sát những vấn đề thực tiễn như xây dựng chính sách, vai trò của khoa học và công nghệ, các mối quan hệ hợp tác công-tư, mô hình phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo...

Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh yếu tố con người trong xây dựng và phát triển thị trường văn hóa trong thời kỳ công nghệ hiện nay. Theo đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực phải được đặt lên hàng đầu. Người làm văn hóa phải làm chủ được máy móc, công nghệ mới, thành thục các kỹ năng và giàu ý tưởng sáng tạo bởi đây là yêu cầu sống còn để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn cả về nội dung và hình thức, thu hút khách hàng.

Các chính sách cho phát triển văn hóa cần cởi mở hơn, phù hợp thực tiễn, thật sự trở thành lực đẩy giải phóng năng lực sáng tạo và sản xuất cho các ngành công nghiệp văn hóa vốn được xem là trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 mà Chính phủ đã đề ra. Ðể giảm sự lấn lướt của các sản phẩm văn hóa ngoại lai, cần xem xét kỹ việc nhập khẩu các sản phẩm văn hóa nước ngoài, hạn chế các sản phẩm không phù hợp văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Cần nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý văn hóa về tính "đặc biệt" của thị trường văn hóa. Bởi các sản phẩm văn hóa không chỉ đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước mà còn góp phần bồi dưỡng nhân cách, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đấu tranh phê phán các xu hướng văn hóa thiếu lành mạnh, bảo vệ nền tảng tinh thần của dân tộc.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/phat-trien-thi-truong-van-hoa-viet-nam-post850864.html

  • Từ khóa