Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn, nhất là khi cả thế giới đang phải gồng mình chống đại dịch Covid-19.
Tạp chí “Thế giới đa cực” của Nga mới đây đăng bài viết “Khi Covid-19 tràn vào Biển Đông” của tác giả Pavel Vinogradov, trong đó phân tích rõ hàng loạt các hành động thời gian qua của Trung Quốc tại Biển Đông làm cho tình hình ở vùng biển này trở nên căng thẳng hơn, nhất là khi cả thế giới đang phải gồng mình chống đại dịch Covid-19.
Phóng viên VOV thường trú tại Liên bang Nga lược dịch bài phân tích này:
Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông làm cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn. Ảnh: AP |
Trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tổn thất liên quan đến Covid-19 và bất ổn tại các quốc gia phương Tây do phân biệt sắc tộc, thì tình hình tại khu vực Biển Đông tiếp tục căng thẳng, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Nguyên nhân xuất phát từ chính sách của một quốc gia trong khu vực - Trung Quốc. Bắc Kinh đơn phương thiết lập sự hiện diện quân sự và kinh tế của mình tại các vùng lãnh thổ tranh chấp, trước hết là trên các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Những hành động của Trung Quốc đã bỏ qua các quy tắc của luật pháp quốc tế, gây ra quan ngại nghiêm trọng đối với các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như cộng đồng quốc tế.
Sau thời gian tạm lắng, căng thẳng đang gia tăng trở lại ở Biển Đông với tốc độ đáng báo động. Bắt đầu vào tháng 4/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đột nhiên tăng cường kiểm soát toàn bộ các vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xua đuổi ngư dân đánh cá ở vùng biển là ngư trường truyền thống của họ trong nhiều thế kỷ qua. Các tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công các tàu thuyền đánh cá, bắt giữ các ngư dân. Hậu quả là một tàu đánh cá của Việt Nam bị đâm chìm bởi một trong những cuộc tấn công như vậy vào ngày 20/4.
Về vấn đề này, Việt Nam đã gửi các công hàm chính thức phản đối, yêu cầu bồi thường thiệt hại và trừng phạt những kẻ thực hiện hành vi bất hợp pháp. Hành động của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Philippines.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tăng cường các hoạt động liều lĩnh của các hạm đội, cũng như có những hành động thực tế ở Biển Đông, trong khu vực được gọi là “đường chín đoạn” do Trung Quốc tự tuyên bố để thể hiện lợi ích riêng của mình, mặc dù không được Liên Hợp Quốc và các quốc gia khác công nhận. Không gian trong “đường chín đoạn” bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng một số đảo mà Brunei, Malaysia, Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Đến nay, hiện trạng của các đảo này được quy định bởi Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng không bắt buộc phải tuân thủ các quy định của Công ước này, liên tục vi phạm chủ quyền và quyền được phát triển không gian biển liền kề của các quốc gia khác.
Cuối tháng 5/2020, Indonesia đã gửi công hàm tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Anthony Guterres, bày tỏ quan ngại về sự phát triển của các sự kiện gần đây và chỉ ra tầm quan trọng trong các phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực tại LaHay. Theo đó, Toà đã bác bỏ tuyên bố phi lý của Trung Quốc đối với chủ quyền của họ tại Biển Đông.
Indonesia lần đầu tiên đứng về phía Philippines, quốc gia trước đó đã bày tỏ lo lắng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc vì theo đuổi chính sách xâm chiếm lãnh thổ của nước khác. Trước đó, Jakarta đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối các hành động xâm phạm lãnh hải của các tàu Trung Quốc, cũng như hoạt động khiêu khích của hạm đội nước ngoài ở khu vực quần đảo Natuna, nơi đặt căn cứ hải quân lớn của Indonesia.
Indonesia đã trở thành quốc gia thứ 3 trong ASEAN gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc nhằm phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc đối với chủ quyền thềm lục địa tại Biển Đông. Trước đó, Việt Nam đã làm điều tương tự vào tháng 3/2020 và Malaysia là vào tháng 12/2019.
Gần đây, vào giữa tháng 4/2020, Trung Quốc một lần nữa làm rúng động các nước láng giềng bởi các kế hoạch mới nhằm mở rộng ảnh hưởng và quyền tài phán của họ đối với các lãnh thổ của quốc gia khác. Trung Quốc tuyên bố đang xây dựng đơn vị hành chính mới trên các quần đảo tranh chấp thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, đó là quận đặc biệt với trung tâm hành chính ở “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam. Quận này được coi là một bộ phận của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc đã đặt tên mới cho 80 thực thể ở Biển Đông. Theo Reuters, có thể các bước đi này chỉ mang tính biểu tượng nhưng cũng thể hiện rõ mong muốn của Bắc Kinh củng cố quyền của mình đối với hầu hết khu vực Biển Đông bằng mọi cách.
Việt Nam đã có công hàm phản đối mạnh mẽ, tuyên bố rằng quyết định thành lập các quận riêng biệt của chính quyền Trung Quốc là phi pháp và trái với tinh thần láng giềng tốt trong quan hệ hai nước. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền đối với các đảo của mình ở Biển Đông, hủy bỏ các quyết định đã đưa ra và ngăn chặn các bước đi tương tự trong tương lai. Nhưng Trung Quốc đã không có bất kỳ phản ứng tích cực nào trước đề nghị từ Việt Nam, và rõ ràng họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển dần các đảo và rạn san hô chiếm đóng trong khu vực Biển Đông bằng cách này hoặc cách khác.
Một điều khá rõ ràng là chính sách này mang tính chiến lược trong đường lối đối ngoại của Trung Quốc và sẽ khó có thể điều chỉnh, mặc dù gặp phải nhiều sự phản đối và phẫn nộ từ các quốc gia láng giềng. Trong mọi trường hợp, cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy chính sách này sẽ thay đổi trong tương lai gần. Trái lại, Trung Quốc đang làm mọi cách để chiếm đóng các vùng lãnh thổ mới.
Cách đây không lâu, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các cơ sở quân sự, các cơ sở với mục đích sử dụng kép trên các rạn đá Subi, Đá Vành Khăn (Mischief) và Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa, nơi đặt các căn cứ hải quân, không quân, hệ thống radar và tên lửa. Điều này đã được chứng minh bằng hình ảnh chụp từ vệ tinh vào giữa tháng 3/2020.
Tất cả hoạt động này cho thấy rõ việc tồn tại kế hoạch phô trương sức mạnh quân sự và tiến hành quân sự hóa khu vực này, nơi căng thẳng ở mức nguy hiểm đã tồn tại trong nhiều năm và những nỗ lực của từng quốc gia riêng lẻ sẽ tạo ra mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình quốc tế.
Về vấn đề này, Chính phủ Malaysia cũng đã đưa ra tuyên bố cảnh báo sự hiện diện của tàu chiến tại Biển Đông có thể làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh không chỉ ở khu vực Đông Nam Á, mà trên toàn thế giới. Malaysia nhấn mạnh rằng các vấn đề tại Biển Đông cần được giải quyết hoàn toàn bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Như tuyên bố của Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hàng hải eo biển Malacca của Malaysia Sumathy Permal, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới để thực hiện các hành động phi pháp với quy mô lớn chưa từng có ở khu vực Biển Đông.
Bắc Kinh vẫn tiếp tục và không muốn từ bỏ các công việc mà họ vừa bắt đầu. Ngày 16/6, tàu thăm dò địa chất Trung Quốc “Hải Dương 4” được phát hiện tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự xuất hiện của Trung Quốc có liên quan đến việc thăm dò khí tại lô 06-01 thuộc Dự án Nam Côn Sơn.
Trước đó, ngày 1/5, Trung Quốc đã gây bất ngờ khi ban hành lệnh cấm đánh bắt cá cho đến 12 độ vĩ bắc trong phạm vi Biển Đông. Lệnh cấm này áp dụng đối với một số điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.
Việt Nam và Philippines chỉ trích gay gắt các hành động đó của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay các hành động phi pháp về hành chính và quân sự.
Trong khi đó, Bắc Kinh giải thích rằng, những hành động này là cần thiết để bảo vệ tài nguyên biển trong khu vực Biển Đông, lệnh cấm sẽ được ban hành hàng năm và sẽ có hiệu lực đến ngày 16/8, ngay chính bản thân ngư dân Trung Quốc sẽ phải chấp hành và họ cũng đề nghị ngư dân nước khác tuân thủ quy định này.
Một số nhà quan sát cho rằng đây là nguyên nhân khiến các nước ASEAN quyết định hoãn đàm phán với Trung Quốc về việc ký kết một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Ngày 20/6, đại diện chính thức của Indonesia tại ASEAN Jose Tavares tuyên bố rằng, quyết định này được đưa ra là do không thể thảo luận một chủ đề quan trọng và mang tính trách nhiệm cao bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt vào thời điểm mà Trung Quốc đang công khai theo đuổi chính sách cường quốc và ích kỷ trong quan hệ đối với các đối tác trên lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Mỹ cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với những hành động phi pháp của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Theo Washington, Bắc Kinh đang lợi dụng khó khăn của các nước láng giềng Đông Nam Á phải chiến đấu với đại dịch Covi-19 để tăng cường sự hiện diện trong khu vực.
Ngày 2/6, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Kraft đã gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó nêu quan điểm Washington phản đối các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với các vùng biển, bởi không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Còn chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Bill Merz, tuyên bố đơn vị sẽ tiếp tục di chuyển tự do bằng cả đường biển và đường không trong khu vực này.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam có lập trường rõ ràng, hợp lý và hoàn toàn dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Điều này đã được lãnh đạo đất nước nhiều lần tuyên bố và ghi lại trong nhiều tài liệu quốc tế. Theo đó, Việt Nam luôn cam kết giải quyết những bất đồng hiện có trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982.
Việt Nam liên tục bày tỏ mong muốn tất cả các bên thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Đồng thời, Việt Nam đang rất nỗ lực để sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử toàn diện cho tất cả các bên ở Biển Đông, đây là tài liệu cần để thay thế DOC và sẽ trở thành văn bản quan trọng để quy định hành vi của tất cả các quốc gia trong khu vực.
Như tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Việt Nam, quan điểm của họ về vấn đề Biển Đông vẫn sẽ không thay đổi. Đó là giải quyết các tranh chấp quốc tế chỉ bằng các biện pháp hòa bình và được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều quốc gia trên thế giới./.
PV/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bien-dong-day-song-trong-dai-dich-covid19-1063129.vov