Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để khống chế đợt bùng phát dịch mới, sau khi cụm dịch bắt nguồn từ sân bay ở Nam Kinh đã lan ra ít nhất 14 tỉnh thành.
Các phòng thí nghiệm "dã chiến" được dựng lên để xét nghiệm Covid-19 tại Nam Kinh, Trung Quốc (Ảnh: AFP).
Trung Quốc ngày 3/8 đã ghi nhận thêm 90 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 61 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng. Giới chức Trung Quốc cho rằng biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao là nguyên nhân dẫn tới đợt bùng phát dịch mới tại nước này, đồng thời là phép thử cho các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Đợt dịch mới tại Trung Quốc bùng phát vào mùa cao điểm du lịch hè, khi nhiều người dân háo hức được tự do đi lại sau gần 18 tháng bị hạn chế do dịch bệnh. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng vọt khiến nhiều người phải hủy bỏ hoặc sắp xếp lại các kế hoạch di chuyển, trong khi các điểm thu hút khách du lịch tại một số tỉnh đã đóng cửa để tránh trở thành các khu vực siêu lây nhiễm.
Một chuyến bay của hãng hàng không Air China từ Nga đã gây ra chùm ca nhiễm, khi 9 nhân viên vệ sinh tại sân bay Lộc Khẩu của thành phố Nam Kinh bị mắc Covid-19 trong quá trình làm việc trên máy bay mà không tuân thủ các quy trình bảo hộ.
Các nhân viên vệ sinh làm việc cho các chuyến bay nội địa và quốc tế không được tách biệt, cho phép họ lây nhiễm chéo tại sân bay, sau đó lây lan sang cộng đồng và các thành phố xung quanh. Ổ dịch tại Nam Kinh hiện đã lan ra hơn 30 thành phố và hơn 10 tỉnh của Trung Quốc, trong đó có những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải.
Những hành khách bị nhiễm virus tại sân bay Nam Kinh tiếp tục đi đến Trương Gia Giới, một điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam. Sau đó, những người này đã tham dự một sự kiện văn hóa ngoài trời, tạo thành ổ dịch lớn lan rộng khắp Trung Quốc.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Nam Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Ngày 3/8, chính quyền các địa phương đã ra lệnh không cho phép bất kỳ ai, kể cả người dân hoặc khách du lịch, được phép đi vào hoặc rời khỏi Trương Gia Giới, trong một nỗ lực nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Bắc Kinh, nơi ghi nhận 20 ca nhiễm, cũng cấm bất kỳ ai ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm ở mức trung bình hoặc cao vào thành phố này. Bắc Kinh đã thay đổi lịch trình các chuyến tàu và xe buýt để hạn chế hoạt động đi lại của người dân. Video được chia sẻ trên WeChat cho thấy, nhiều người rời thủ đô đã bị mắc kẹt tại các trạm kiểm soát hoặc được xe cảnh sát hộ tống.
Cơ quan điều hành mạng lưới đường sắt Trung Quốc đã hoàn tiền cho bất kỳ hành khách nào phải thay đổi kế hoạch đi lại của họ, trong khi các cơ quan văn phòng và các công ty kêu gọi nhân viên không tham gia các cuộc tụ tập đông người.
Ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn, chính quyền địa phương thậm chí triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nhiều so với Bắc Kinh. Nam Kinh, Trương Gia Giới và Vũ Hán, tâm chấn của đợt bùng phát đầu tiên vào năm ngoái, đã yêu cầu toàn bộ người dân phải xét nghiệm axit nucleic nhằm loại bỏ các ca nhiễm không có triệu chứng, đồng thời phong tỏa các khu vực có chùm ca nhiễm.
Các quan chức y tế cấp cao cũng được điều động đến Nam Kinh, Trương Gia Giới và thành phố Trịnh Châu, nơi vừa trải qua trận lũ lịch sử và đang đối mặt với đợt bùng phát dịch mới.
Trung Quốc đã tiêm 1,6 tỷ liều vắc xin Covid-19 và là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch mới đã đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng tại Trung Quốc.
Các chuyên gia đã nhanh chóng xóa bỏ mọi nghi ngờ, nhấn mạnh trong cuộc họp báo vào tuần trước rằng, các vắc xin Covid-19 nội địa của Trung Quốc, đặc biệt là Sinovac, đã cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng.
"Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều nước rất cao, đặc biệt là ở các nước phát triển, nhưng sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, các ca nhiễm đã bùng phát trở lại đáng kể. Điều này một lần nữa cho thấy việc tiêm vắc xin phải được kết hợp với các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt", Shao Yiming, một thành viên của nhóm chuyên gia nghiên cứu và phát triển vắc xin Trung Quốc, cho biết.
Thành Đạt/dantri.com.vn