Báo động nguy cơ chủng Lambda kháng vắc xin lan rộng ở Mỹ

Chủ nhật, 08.08.2021 | 14:55:52
577 lượt xem

Biến chủng Lambda với khả năng kháng vắc xin Covid-19 đã xuất hiện tại hàng loạt bang ở Mỹ.

Báo động nguy cơ chủng Lambda kháng vắc xin lan rộng ở Mỹ - 1

Người Mỹ tiêm vắc xin tại Indiana năm 2020 (Ảnh: Reuters).

Còn được gọi là C.37, biến chủng Lambda lần đầu tiên được phát hiện ở Peru vào tháng 11/2020. Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, với 595 ca tử vong trên 100.000 người - tỷ lệ cao hàng đầu thế giới.

Theo sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID, biến chủng Lambda đã lan rộng đến 41 quốc gia trên thế giới. Lambda đang có nguy cơ trở thành biến chủng chủ đạo ở Nam Mỹ, khiến số ca nhiễm tăng cao ở Argentina, Colombia, Ecuador, Chile, Uruguay và Paraguay.

"Hiện có hơn 1.300 ca nhiễm Lambda (C.37) ở Mỹ tính đến ngày 4/8 và biến chủng Lambda đã được xác nhận ở 44 bang", một người phát ngôn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nói với Newsweek.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Lambda là "biến chủng đáng quan tâm", có nghĩa là biến chủng này bị nghi ngờ có khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng ban đầu hoặc có khả năng kháng vắc xin cao hơn. Khi có thêm bằng chứng cho thấy một biến chủng đạt được cả 2 điều kiện trên, nó sẽ được phân loại lại là "biến chủng đáng lo ngại".

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản lo ngại rằng việc phân loại biến chủng Lambda là "biến chủng đáng quan tâm" sẽ làm giảm mối đe dọa tiềm ẩn từ biến chủng này.

"Vì Lambda chỉ được coi là biến chủng "đáng quan tâm", nên có thể coi biến chủng này không phải là mối đe dọa hiện thời so với các "biến chủng đáng lo ngại" khác của Covid-19. Tuy nhiên, do biến chủng Lambda tương đối kháng vắc xin, nên biến chủng này có khả năng gây ra ca nhiễm đột phá (những người vẫn bị mắc bệnh dù đã tiêm vắc xin)", nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết.

Theo một số chuyên gia, khả năng lây nhiễm của biến chủng Lambda được cho là không lớn như biến chủng Delta.

1.300 trường hợp được xác nhận nhiễm biến chủng Lambda ở Mỹ chiếm chưa đến 0,2% số ca nhiễm mới. Ngược lại, CDC cho biết biến chủng Delta hiện chiếm 93% số ca nhiễm mới. Cho đến nay, CDC vẫn chưa phân loại Lambda là biến chủng "đáng quan tâm" hay "đáng lo ngại".

Tuy vậy, việc hàng loạt bang ở Mỹ đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Lambda, trong đó có Texas, South Carolina, Georgia và Maryland, khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng biến chủng này có khả năng lây nhiễm như thế nào và liệu nó có gây ra mối đe dọa tiềm ẩn như biến chủng Delta hay không.

"Từ những gì chúng ta đã thấy ở Nam Mỹ bây giờ, biến chủng Lambda dường như dễ lây lan hơn so với các chủng ban đầu của virus corona", Rachel Graham, phó giáo sư khoa dịch tễ học tại Đại học Bắc Carolina, cho biết.

Mặc dù chưa trở thành biến chủng chủ đạo ở Mỹ, nhưng Lambda vẫn là chủng virus nổi trội tương tự Delta trước đây.

"Nếu biến chủng này có thể phá vỡ khả năng miễn dịch ở những bệnh nhân từng nhiễm bệnh trước đó theo cách tương tự Delta, chúng ta có thể chứng kiến một làn sóng dịch bệnh khác trong thời gian 6 tháng mà số ca nhiễm chủ yếu là Lambda hoặc liên quan đến Lambda", Graham nói.

Theo các nhà khoa học, cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan Lambda là tiêm chủng vắc xin.


Thành Đạt/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/bao-dong-nguy-co-chung-lambda-khang-vac-xin-lan-rong-o-my-20210808095837605.htm

  • Từ khóa