Báo động vấn nạn lừa ký hợp đồng giả mạo vắc xin Covid-19

Chủ nhật, 15.08.2021 | 08:41:49
239 lượt xem

Các nhóm tội phạm hoặc cá nhân giả mạo hợp đồng vắc xin chủ yếu nhắm đến quốc gia đang phát triển, nơi nguồn cung vắc xin Covid-19 còn hạn chế trong khi dịch bệnh đang hoành hành.

Báo động vấn nạn lừa ký hợp đồng giả mạo vắc xin Covid-19  - 1

(Ảnh minh họa: Reuters).

Theo báo Wall Street Journal (WSJ), các giới chức hàng chục quốc gia và các nhà sản xuất đã phát hiện hàng chục âm mưu mời chào ký các hợp đồng giả mạo trị giá hàng triệu USD nhằm cung cấp vắc xin Covid-19.

Các nhóm tội phạm hoặc cá nhân tự nhận có thể tiếp cận nguồn cung vắc xin Covid-19 và đã nhắm đến hàng chục quốc gia đang mong ngóng nguồn vắc xin để lừa ký các hợp đồng giả mạo trị giá hàng triệu USD.

Theo các nguồn tin thân cận, chính phủ các nước mà những kẻ lừa đảo tiếp cận bao gồm Hà Lan, Latvia, Pháp, Israel, Cộng hòa Czech, Áo, Argentina, Colombia, Brazil, Canada và Tây Ban Nha.

Giám đốc bộ phận pháp chế và thanh tra của Bộ Y tế Israel Ronny Berkovitz xác nhận cảnh sát nước này đang điều tra một số vụ việc lừa đảo về mua bán vắc xin. Hồi trong tháng 2, cảnh sát quốc gia Canada đã cảnh báo chính quyền các cấp về hiện tượng chào mời vắc xin Covid-19 đáng ngờ.

Cơ quan chính phủ các nước như Argentina, Áo và nhiều nước khác cũng nhận được những lời chào mời hàng chục triệu liều vắc xin tương tự. Trong thư, đối tượng lừa đảo luôn cung cấp cụ thể chỉ dẫn từng bước về cách thức chuyển khoản kèm cam kết xác minh danh tính với nhà sản xuất vắc xin.

Người phát ngôn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, nước này không đàm phán trực tiếp với các nhà phân phối vắc xin mà thông qua Ủy ban châu Âu (EC).

Văn phòng của Tổng thống Jair Bolsonaro cũng cho hay, Brazil đã không mua vắc xin từ các nhà môi giới, mặc dù họ xác nhận rằng đã có các cuộc đàm phán. Một đại diện của Latvia khẳng định, họ đảm bảo nguồn cung vắc xin trong khuôn khổ hợp đồng do EC ký kết với nhà sản xuất.

Một phát ngôn viên của chính phủ Áo cho biết, những đề nghị mua bán vắc xin của các công ty và cá nhân gửi đến chính phủ rất đáng ngờ và đã được chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý.

Theo ông German Escobar, Chánh văn phòng Bộ Y tế Colombia, họ đã đàm phán hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất sau khi những công ty giả mạo bị chính phủ thúc ép chứng minh tính hợp pháp nhưng rồi bỏ chạy. Trong khi đó, Argentina tuyên bố chỉ ký hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất vắc xin, một phát ngôn viên của chính phủ cho biết.

Những hợp đồng vắc xin lừa đảo

Các nhà điều tra tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã thực sự xác định được từ 50- 75 kẻ lừa đảo, các tổ chức và cả những người môi giới đang tính kế lừa các chính phủ bằng các hợp đồng giả mạo.

Theo các nguồn tin, không rõ liệu có bất kỳ loại giao dịch nào thành công hay không nhưng thực tế là những âm mưu này chủ yếu nhắm đến quốc gia đang phát triển, nơi nguồn cung vắc xin Covid-19 còn rất hạn chế.

Hiện nay, nhiều nước đang nỗ lực tiêm vắc xin chống đại dịch nhưng nguồn cung hạn chế. Trong bối cảnh này, các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế và giới chuyên gia về an ninh lo rằng, việc thiếu nguồn cung này có thể khiến chính phủ các nước vô tình cho phép các thỏa thuận gian lận.

Cơ quan Di cư và Thuế quan (ICE) thuộc Vụ Điều tra An ninh Nội địa tiến hành hàng chục cuộc điều tra về tội phạm liên quan đến vắc xin và hợp đồng lừa đảo tại Mỹ lẫn nước ngoài. Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) sẽ sớm phát cảnh báo về nguy cơ lừa đảo vắc xin trong vài ngày tới nhằm thu thập thêm thông tin hỗ trợ điều tra.

Từ lâu nay, các nhà sản xuất vắc xin tuyên bố họ vẫn chỉ bán trực tiếp cho chính phủ các nước mà không qua trung gian nào. Chính phủ các nước EU và cả chính quyền địa phương hoặc khu vực không thể mua vắc xin trực tiếp từ bất kỳ nhà cung cấp nào mà phải thông qua khuôn khổ giám sát chung.

Lev Kubiak, Giám đốc an ninh của Pfizer, cho biết đã ghi nhận ít nhất 86 lời chào bán lừa đảo gửi đến chính quyền tại 45 quốc gia liên quan đến vắc xin Covid-19.

Ông Kubiak tuyên bố, công ty chia sẻ thông tin về các vụ lừa đảo mà họ thu thập được với cảnh sát và chính phủ liên bang, cùng với các nhà sản xuất vắc xin khác. "Chúng tôi lo lắng rằng cuối cùng, dù là vì lý do gì đi chăng nữa, một số chính phủ có thể bị lừa dối", ông cho biết.

Một đại diện của Johnson &Johnson hồi tháng 4 cũng từng cho biết về các vụ lừa đảo ký hợp đồng mua vắc xin, đồng thời tuyên bố rằng không có doanh nghiệp cá nhân nào được công nhận để tiếp thị hoặc phân phối vắc xin ngoài nhà sản xuất.

Thanh Thành/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/bao-dong-van-nan-lua-ky-hop-dong-gia-mao-vac-xin-covid19-20210814225557340.htm

  • Từ khóa