Thế giới chật vật vì sự nguy hiểm khó lường của biến chủng Delta

Thứ 2, 16.08.2021 | 14:06:48
430 lượt xem

Biến chủng Delta đang làm tăng số ca nhiễm đột phá (đã tiêm vắc xin nhưng vẫn nhiễm bệnh) ở nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhất thế giới như Mỹ, Israel.

Thế giới chật vật vì sự nguy hiểm khó lường của biến chủng Delta - 1

Một bệnh nhân Covid-19 được điều trị trong bệnh viện tại Louisiana, Mỹ (Ảnh: AFP).

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của thế giới đang chứng kiến một bước ngoặt khó khăn với sự xuất hiện của biến chủng Delta. Sự xuất hiện của một biến chủng lây lan mạnh đã làm chệch hướng mọi tính toán của các nước, kể cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin cao và đặt ra những thách thức chưa từng có.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019 tới nay, thế giới đã ghi nhận 11 biến chủng virus SARS-CoV-2.

Trong số 4 biến chủng đáng lo ngại là Alpha, Beta, Gamma và Delta, đáng lo ngại nhất, nguy hiểm nhất và ở vị thế thống trị toàn cầu hiện nay là Delta. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện biến chủng này đã có mặt ở hơn 135 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhiều nước tưởng chừng đã khống chế được dịch thì nay lại điêu đứng với làn sóng Covid-19 mới do chủng Delta gây ra.

Delta đẩy Mỹ trở lại điểm nóng dịch bệnh

Thế giới chật vật vì sự nguy hiểm khó lường của biến chủng Delta - 2

Số lượng ca Covid-19 tăng trở lại tại Mỹ vào tháng 8 (Biểu đò: CDC Mỹ).

Các ca mắc mới và tử vong đã giảm đáng kể vào mùa xuân và đầu mùa hè khi vắc xin có sẵn và tỷ lệ tiêm ở nước này cũng ở mức cao. Nhưng rồi, biến chủng nguy hiểm này một lần nữa đẩy nước này trở lại vị trí điểm nóng dịch số một thế giới.

Tại Mỹ, nơi ghi nhận số ca mắc và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, báo Washington Post dẫn dữ liệu từ Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ cho biết, Delta rất nhanh chóng trở thành chủng chính gây bệnh thống trị, vượt lên trên biến thể Alpha, chủng phổ biến nhất trong nhiều tháng trước đây.

Mỹ hiện ghi nhận khoảng 129.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, tăng gấp đôi trong vòng hơn 2 tuần qua, theo số liệu thống kê của Reuters. Với con số này, sau một thời gian, Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới. Số bệnh nhân Covid-19 nhập viện đang ở mức cao nhất trong 6 tháng và trung bình 600 người chết mỗi ngày do Covid-19, gấp đôi tỷ lệ tử vong của những ngày cuối tháng 7.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đưa ra các số liệu để minh họa cho việc chủng Delta lây lan nhanh như thế nào chỉ trong mùa hè này. Theo dự báo mới nhất của CDC, khoảng 97,4% tổng số ca nhiễm virus đến từ tất cả các dòng khác nhau của biến thể Delta, tính đến hết tuần trước. Tỉ lệ này đánh dấu mức tăng vọt kỷ lục so với từ 1,6% ước tính vào đầu tháng 5 và 14,1% vào đầu tháng 6.

Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, Giám đốc CDC Mỹ, bà Rochelle P. Walensky bày tỏ lo ngại khi cho biết các ca nhiễm đột phá vẫn có lượng virus lớn trong mũi và cổ họng.

Israel lao đao do biến chủng Delta

Mỹ không phải hình mẫu tiêm vắc xin duy nhất bị "thủng lưới" do Delta mà Israel cũng đang khốn đốn vì chủng nguy hiểm này.

Nhờ chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc, cho đến nay khoảng 88% dân số trên 50 tuổi của Israel được tiêm đủ 2 mũi, giúp tạo ra một tấm lá chắn hiệu quả. Tuy nhiên, gần 2 tháng qua, Israel đối mặt với đợt lây nhiễm lớn thứ 4, chủ yếu là do biến chủng Delta, buộc chính phủ nước này phải tái áp dụng một loạt biện pháp kiểm soát dịch bệnh dù đã tính toán đầy đủ cho việc tái mở cửa và chấp nhận "sống chung với Covid-19".
"Biến chủng Delta đang lây lan một cách nhanh chóng trên khắp thế giới với tỷ lệ lây nhiễm lớn hơn nhiều so với hiểu biết của chúng ta", Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết.

Theo báo Times of Israel, trong ngày 15-8, số ca nặng ở Israel lần đầu tiên vượt qua 500 kể từ tháng 3. Dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy, có 524 bệnh nhân rất nặng, trong đó 84 bệnh nhân đang thở máy. Trong khi đó, 4.145 ca mới được ghi nhận trong ngày 14/8, nhưng tỷ lệ xét nghiệm thấp vào cuối tuần.

Trong bối cảnh các ca bệnh đang gia tăng, hồi tháng trước, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho những người trên 60 tuổi và là nước tiên phong một lần nữa bắt đầu tiêm liều thứ ba cho những người trên 50 tuổi từ ngày 13/8.

Tính đến sáng 15-8, hơn 866.000 người ở Israel đã được tiêm mũi tăng cường. Trong số khoảng 9,3 triệu dân số của Israel, hơn 5,8 triệu đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và hơn 5,4 triệu người đã tiêm 2 liều.

Tuy nhiên, Thủ tướng Naftali Bennett cảnh báo, Israel đang phải đối mặt với "những ngày khó khăn" phía trước khi phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm do biến chủng Delta. Các quan chức y tế đã cảnh báo số ca mới hàng ngày có thể lên tới 10.000 trong tuần tới.

Châu Âu chạy đua ngăn làn sóng lây lan mới

Thế giới chật vật vì sự nguy hiểm khó lường của biến chủng Delta - 3

Giới chức Anh vẫn cảnh báo thận trọng dù nước này có tỷ lệ tiêm chủng cao (Ảnh minh họa: AFP).

Ở châu Âu, giới chức Đức đang nỗ lực giảm lây nhiễm Covid-19 bằng biện pháp hạn chế di chuyển, nhập cảnh. Hành khách đến từ những quốc gia, khu vực có biến chủng Delta hoành hành mạnh, như Anh, Bồ Đào Nha hay Nga… đều phải tuân thủ quy định cách ly 14 ngày, dù họ đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc có chứng nhận xét nghiệm âm tính.

Tại Anh và một số nước đạt tỷ lệ tiêm vắc xin cao, mối lo ngại có thể được xoa dịu phần nào, khi số liệu cho thấy tiêm chủng giúp giảm thiểu số ca tử vong hoặc bệnh nặng ở mức phải nhập viện. Tuy nhiên, ở nhiều vùng chưa được tiêm chủng, các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải kể từ khi chủng Delta xuất hiện khiến ca nhiễm mới ở Anh vẫn cao một cách báo động.

Nga cũng đang oằn mình chống làn sóng lây lan của biến chủng Delta khi nước này ngày 14/8 ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Theo nhà chức trách Nga, trong 24 giờ qua, nước này có 819 người không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong lên 169.683 ca. Hiện tổng số ca bệnh tại Nga cũng đã tăng lên hơn 6,5 triệu ca sau khi có thêm 22.144 ca nhiễm mới.

Asia Times cho biết, Nga, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 4 trên thế giới do Covid-19 (theo thống kê của AFP) đã bị cuốn theo làn sóng thứ bùng dịch thứ 3 không ngừng kể từ giữa tháng 6 do biến chủng Delta.

Ông Yevgeny Timakov, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và vắc xin hàng đầu của Nga, cho biết, biến chủng Delta thậm chí có thể học cách giả dạng thành các bệnh nhiễm trùng hay cúm mùa thông thường do rất ít triệu chứng. Tuy nhiên, đây chính là điểm nguy hiểm của chủng Delta vì tình trạng sức khỏe của người mắc sẽ xấu đi nhanh chóng, bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng trong vòng chỉ 3-4 ngày.

Với sự "tung hoành ngang dọc" này của Delta, cần làm gì để đánh bại chủng virus đáng sợ này? Vắc xin vẫn là chìa khóa quan trọng nhất.

Giáo sư Dịch tễ học, Y tế công cộng Chris Robertson thuộc Đại học Strathclyde ở Scotland cho biết, biến chủng Delta làm tăng nguy cơ nhập viện của người nhiễm nhưng việc tiêm vắc xin có thể làm giảm nguy cơ này.

Thanh Thành/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/the-gioi-chat-vat-vi-su-nguy-hiem-kho-luong-cua-bien-chung-delta-20210816103548149.htm

  • Từ khóa