Giới y tế Israel nói rằng, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, việc sử dụng vắc xin nội địa của nước này với liều cao sẽ cho hiệu quả bảo vệ lâu dài hơn trước virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Israel đã tiêm chủng đầy đủ cho phần lớn người dân (Ảnh: Times of Israel).
Hãng tin Channel 12 ngày 21/8 đưa tin, 230 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng với mũi tiêm vắc xin nội địa liều cao do Viện nghiên cứu sinh học Israel ở Ness Ziona phát triển không cần phải tiêm mũi vắc xin thứ 3 do mức độ miễn dịch của họ vẫn cao sau 6 tháng tiêm mũi hai. Nguồn tin không nêu cụ thể mức độ bảo vệ ở các tình nguyện viên này, nhưng mức độ này được cho là tính dựa vào lượng kháng thể trong cơ thể sau khi tiêm.
Trong khi đó, những người tham gia thử nghiệm lâm sàng với liều thấp hoặc trung bình vẫn được khuyên nên tiêm nhắc lại bằng vắc xin của Pfizer hoặc Moderna, loại vắc xin được sử dụng chủ yếu ở Israel.
Israel bắt đầu triển khai chương trình tiêm vắc xin Covid-19 mũi cho người trên 60 tuổi bằng vắc xin Pfizer hoặc Moderna từ đầu tháng này. Giới chức Israel hy vọng, liều tăng cường có thể giúp tăng mức độ bảo vệ người dân trước sự lây lan của Delta, một biến chủng dễ lây lan hơn của SARS-CoV-2.
Vắc xin nội địa Brilife của Israel vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tháng 12 năm ngoái, Viện nghiên cứu sinh học Israel đã hoàn tất thành công giai đoạn đầu thử nghiệm và đang tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ hai.
Giáo sư Shmuel Shapira, người đứng đầu Viện nghiên cứu và đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực phát triển vắc xin Covid-19 của Israel, đã bất ngờ từ chức hồi tháng 5. Điều này càng khiến quá trình phát triển vắc xin của Israel bị chậm lại. Đến nay, Israel mới cấp phép cho một số loại vắc xin nhập khẩu, trong đó có Pfizer và Moderna của Mỹ.
Israel được cho là một trong những quốc gia kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 nhờ chương trình tiêm chủng nhanh chóng. Tuy vậy, sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến người mắc Covid-19 ở đây tăng trở lại, buộc chính phủ Israel phải điều chỉnh một phần chiến lược ứng phó, trong đó có chủ trương tiêm mũi tăng cường và siết lại một số biện pháp hạn chế phòng dịch.
Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, hơn 5,8 triệu trong tổng số 9,3 triệu dân của Israel đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19, gần 5,4 triệu người đã tiêm đủ hai liều, gần 1,4 triệu người đã tiêm mũi thứ ba.
Minh Phương/dantri.com.vn