Trung Quốc dường như có những lý do nhất định khi tỏ ra thận trọng đối với chính quyền do Taliban lãnh đạo tại Afghanistan, dù Bắc Kinh đã duy trì liên lạc với lực lượng này từ lâu.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp đại diện của Taliban hồi tháng 7 (Ảnh: SCMP).
Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên thiết lập liên lạc với Taliban nhưng Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa chính thức xác nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan.
Các nguồn tin ngoại giao và các nhà quan sát chính sách đối ngoại cho rằng Bắc Kinh không vội công nhận chính quyền do Taliban lãnh đạo, thay vào đó lựa chọn chiến thuật dài hơi là "can thiệp mang tính xây dựng" - một ý tưởng lần đầu tiên Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra vào năm 2017.
Ý tưởng này xác định vai trò tích cực hơn của Trung Quốc tại các "điểm nóng" toàn cầu trong khi vẫn duy trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Giới quan sát cho rằng, thay vì sử dụng vũ lực "theo kiểu Mỹ", ý tưởng này dựa vào việc Trung Quốc sử dụng các "công cụ" chính trị và kinh tế để đạt được mục đích.
Khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Trung Quốc tuyên bố sẽ không đưa quân đội vào một đất nước bị chiến tranh tàn phá. Thay vào đó, Bắc Kinh cam kết đóng vai trò hòa giải và giúp Afghanistan tái thiết đất nước sau 2 thập niên chiến tranh. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn còn e ngại về việc nên tin tưởng những lời hứa của Taliban ở mức độ nào.
Taliban tuyên bố muốn loại bỏ một số tư tưởng tôn giáo chính thống và thiết lập một chính quyền ôn hòa và bền vững tại Afghanistan.
Trong nỗ lực nhằm đảm bảo sự công nhận của quốc tế, Taliban tuyên bố sẽ xây dựng một chính phủ toàn diện và liên hệ với cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai để thảo luận về khả năng này. Taliban cũng cho biết sẽ bảo vệ quyền của phụ nữ "trong khuôn khổ của luật Hồi giáo Sharia", đồng thời ngăn lãnh thổ Afghanistan bị lợi dụng để chứa chấp các nhóm khủng bố.
Tuy vậy, nỗi sợ hãi của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan vẫn gia tăng sau khi Taliban yêu cầu họ ở trong nhà. Taliban thừa nhận rằng phụ nữ ra đường sẽ không an toàn khi có sự hiện diện của các chiến binh thuộc nhóm này.
Vụ tấn công khủng bố khiến hàng chục người thiệt mạng tại sân bay Kabul hôm 26/8 do ISIS-K, một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, một lần nữa chứng minh rằng tình hình an ninh ở Afghanistan vẫn chưa ổn định.
Một tay súng Taliban nhìn cờ và ảnh của các nhà lãnh đạo Taliban ở Kabul, Afghanistan (Ảnh: AP).
Các nhà phân tích Trung Quốc dự đoán mối đe dọa về các cuộc tấn công khủng bố ở Afghanistan vẫn sẽ "tồn tại trong một thời gian dài", nhưng những nghi ngờ của Trung Quốc về Taliban sẽ không ngăn Bắc Kinh tiếp tục kết nối với nhóm này.
"Trung Quốc không vội công nhận (một chính phủ Afghanistan do Taliban lãnh đạo) và vẫn đang quan sát cẩn trọng các diễn biến. Trong khi đó, chúng tôi vẫn tích cực duy trì liên lạc với Taliban", một nguồn tin quen thuộc với việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho biết.
Một nguồn tin khác dự đoán Trung Quốc sẽ dành thêm thời gian và rút kinh nghiệm từ việc xử lý cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
"Trung Quốc sẽ không đi đầu (trong việc công nhận một chính phủ do Taliban lãnh đạo). Điều đó sẽ tương tự như cách Trung Quốc đã làm với chính phủ quân sự (ở Myanmar). Mặc dù Bắc Kinh tích cực duy trì liên lạc với chính phủ quân sự (Myanmar) và cả 2 bên đều hiểu rõ về nhau, nhưng Bắc Kinh không đi đầu trong việc công nhận chính quyền quân sự", nguồn tin nhận định.
Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Wang Yu đã gặp Abdul Salam Hanafi, phó trưởng văn phòng chính trị của Taliban ở Qatar, vào ngày 24/8 tại Kabul. Ngoài ra, đặc phái viên của Bắc Kinh về các vấn đề Afghanistan, Yue Xiaoyong, đã gặp Phó Thủ tướng Qatar và Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tại Doha để thảo luận về tình hình Afghanistan vào ngày 26/8.
Bắc Kinh đã liên lạc với Taliban trước khi lực lượng này lên nắm quyền ở Afghanistan. Vào tháng 7, 2 tuần trước khi tiếp quản Kabul, Trung Quốc đã tiếp một phái đoàn Taliban ở Thiên Tân, nhấn mạnh sự cần thiết của một chính phủ toàn diện và hối thúc Taliban cắt đứt quan hệ với tất cả các nhóm khủng bố.
Các nguồn tin cho biết Trung Quốc cũng sẽ xem xét quan điểm của cộng đồng quốc tế trước khi đưa ra bất kỳ hình thức công nhận nào đối với Taliban.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hiện vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Taliban và Ngân hàng Thế giới đã ngừng tài trợ cho Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản đất nước.
"Lập trường mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua sẽ là một dấu hiệu quan trọng để (Trung Quốc) theo dõi, ngay cả khi các biện pháp trừng phạt (Taliban) khó có thể dễ dàng bị xóa bỏ trong thời điểm hiện tại", một nguồn tin nhận định.
Trong nội bộ Trung Quốc, việc công nhận Taliban là một đối tác đáng tin cậy sẽ là quyết định khó khăn với Bắc Kinh, đặc biệt là vì mối quan hệ của nhóm này với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, một nhóm ly khai bị Bắc Kinh cáo buộc đứng sau các cuộc tấn công ở Tân Cương.
Nhiều người vẫn hoài nghi Taliban khi nhớ lại giai đoạn cầm quyền hà khắc của lực lượng này trong những năm 1990, đồng thời bày tỏ lo lắng về an ninh của Tân Cương. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chính thức và cộng đồng mạng Trung Quốc vẫn "ca ngợi" rằng việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan là "hồi chuông đánh dấu sự suy giảm của chủ nghĩa bá quyền Mỹ".
Đối với các nhà quan sát chính sách đối ngoại Trung Quốc, vị trí chiến lược và ảnh hưởng của Afghanistan đối với an ninh biên giới đồng nghĩa với việc Trung Quốc cần phải hoạch định chính sách một cách cẩn trọng.
"Nhiều học giả Trung Quốc đã nói về những bài học của "nghĩa địa chôn vùi các đế quốc". Trung Quốc không nên đổ xô tới Afghanistan lúc này mà nên lên kế hoạch cẩn thận cho các bước đi của mình", Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Hải dương Trung Quốc, cho biết.
Lịch sử Afghanistan được ghi dấu bởi các cuộc chiến rồi rút lui của các đế chế, nhiều đến mức quốc gia Trung Nam Á này được gọi là "mồ chôn đế chế". Các cuộc chiến này ban đầu có thể rất thành công, nhưng không duy trì được lâu, ngược lại, nó khiến quân đội nước ngoài sa lầy vào một cuộc chiến vô ích, tốn kém thậm chí hàng tỷ USD.
Mỹ và các đồng minh NATO đang đẩy nhanh hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm sa lầy trong cuộc chiến ở đây. Trước đó, từ đế chế Ba Tư, Vương quốc Macedonia của Alexander Đại đế, đế chế Mông Cổ, đến gần đây hơn là Anh, Liên Xô và Mỹ, tất cả đều thất bại khi đưa quân đến Afghanistan.
Ye Hailin, chuyên gia về các vấn đề Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng lợi ích chính của Trung Quốc ở Afghanistan là kinh tế.
"Sự can thiệp của Trung Quốc sẽ rất khác so với Mỹ. Chúng tôi sẽ không sử dụng chiến lược như của Mỹ ở Afghanistan, thay vào đó sẽ tập trung vào tái thiết và phát triển kinh tế. Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Afghanistan trong lĩnh vực này. Đây là trách nhiệm mà chúng tôi cần thực hiện với tư cách là một cường quốc, đó cũng là nơi mà chúng tôi có lợi ích quốc gia", ông Ye nói trong một cuộc phỏng vấn với China.com.cn.
Thành Đạt/dantri.com.vn