Theo báo cáo Tình trạng khí hậu thường niên lần thứ 31 được Hiệp hội Khí tượng Mỹ (AMS) công bố vào ngày 25-8, năm 2020 là năm nóng nhất lịch sử châu Âu và cũng là một trong 3 năm nóng nhất trên toàn thế giới.
Văn phòng Khí tượng Anh (UKMO), cơ quan góp phần soạn thảo báo cáo, khẳng định kỷ lục trước đó đã bị năm 2020 phá vỡ với cách biệt đáng kể 0,5 độ C. Nhiệt độ trung bình châu Âu năm ngoái cao hơn 1,9 độ C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn 1981-2010, quãng thời gian được sử dụng làm chuẩn để đo lường sự thay đổi của nhiệt độ.
Đáng chú ý, 5 năm nóng nhất ở châu Âu đều được ghi nhận từ năm 2014. Báo cáo Tình trạng khí hậu năm 2020 còn cho biết 17 quốc gia châu Âu đã ghi nhận nhiệt độ trung bình năm cao kỷ lục, trong đó có Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Thụy Điển.
Tại Bắc cực, nhiệt độ không khí trung bình của năm 2020 chạm mốc cao chưa từng thấy, cao hơn 2,1 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1981-2010. Năm ngoái cũng là năm thứ 7 liên tiếp nhiệt độ trung bình năm của Bắc cực cao hơn 1 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn kể trên.
Nam cực cũng ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục vào ngày 6-2-2020, khi nhiệt độ đo được tại trạm nghiên cứu Esperanza của Argentina chạm mốc 18,3 độ C - mức cao chưa từng thấy trong lịch sử châu lục và cao hơn 1,1 độ C so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2015. Những khu vực khác của thế giới cũng ghi nhận các mức nhiệt độ cao kỷ lục, bao gồm Nhật Bản, Mexico và quần đảo Seychelles.
Một phụ nữ dùng nước uống để giải nhiệt cho con tại TP Rome - Ý vào giữa tháng 8. Ảnh: REUTERS
Mặc dù các biện pháp hạn chế trong khủng hoảng Covid-19 góp phần làm giảm 6%-7% lượng khí phát thải, năm 2020 vẫn chứng kiến nhiều kỷ lục buồn. Lượng phát thải khí nhà kính chạm mốc cao chưa từng có, khi nồng độ CO2 trung bình năm đạt mức 412,5 phần triệu - cao hơn 2,5 phần triệu so với năm 2019.
Tương tự, mực nước biển trung bình toàn cầu cũng dâng lên mức kỷ lục, cao hơn khoảng 9,1 cm so với năm 1993. Những tác động của biến đổi khí hậu, như băng tan vì nhiệt độ gia tăng, đang khiến mực nước biển toàn cầu dâng trung bình 3 cm mỗi 10 năm.
Báo cáo được công bố giữa lúc phần lớn Bắc bán cầu đối mặt với tình trạng nắng nóng, cháy rừng cực đoan vì biến đổi khí hậu vào hè này trong khi Đức và Bỉ hứng chịu đợt lũ lụt thảm khốc khiến ít nhất 200 người thiệt mạng vào tháng 7. Mỹ và Canada hè này cũng phải chống chọi với các đám cháy dai dẳng.
Bà Liz Bentley, Giám đốc điều hành Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia (Anh), khẳng định báo cáo Tình trạng khí hậu năm 2020 đã phản ánh đúng thực tế và là bằng chứng mới nhất về biến đổi khí hậu. Theo bà Bentley, mặc dù chênh lệch 2 độ C có thể không khác biệt mấy đối với cảm nhận của một người bình thường trên đường phố, mức chênh lệch này ở nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể khiến một số sự kiện thời tiết cực đoan, đặc biệt là nắng nóng, xảy ra thường xuyên và kéo dài hơn.
Trong khi đó, chuyên gia Michael Byrne của Trường ĐH St. Andrews (Scotland) đặc biệt lo ngại: "Kể cả khi chúng ta hoàn thành mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) được đề ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, nhiệt độ nhiều khu vực trên toàn thế giới vẫn tăng vượt xa mức 1,5 độ C" - ông Byrne nói.
Cao Lực/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nam-nong-ky-luc-cua-cuu-luc-dia-20210827202705309.htm