Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định áp dụng biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm đối phó biến chủng Delta, trong đó có việc bắt buộc tiêm chủng đối với khoảng 100 triệu người dân.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định áp dụng biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm đối phó biến chủng Delta, trong đó có việc bắt buộc tiêm chủng đối với khoảng 100 triệu người dân.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP).
Tiêm chủng quyết liệt
Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden chiều 9/9 theo giờ địa phương đã công bố chiến lược mới nhằm đối phó sự lây lan của biến chủng Delta.
Một trong những biện pháp đáng chú ý nhất mà ông Biden nêu ra là áp quy định tiêm chủng bắt buộc đối với công chức liên bang và lao động tại các doanh nghiệp lớn của Mỹ.
Quy định mới sẽ được áp dụng với khoảng 100 triệu người dân Mỹ, chiếm gần 2/3 lực lượng lao động của Mỹ. Theo đó, Bộ Lao động Mỹ sẽ yêu cầu tất cả doanh nghiệp có trên 100 lao động phải đảm bảo nhân viên của họ được tiêm chủng hoặc sẽ phải xét nghiệm định kỳ mỗi tuần một lần. Nếu trái quy định, các doanh nghiệp có thể đối diện với mức phạt hàng nghìn USD với mỗi lao động.
Sắc lệnh mới được Tổng thống Biden ký ban hành yêu cầu tất cả công chức liên bang bắt buộc phải tiêm chủng vắc xin Covid-19, và không có lựa chọn nào khác, kể cả phương án xét nghiệm định kỳ.
Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Biden cũng yêu cầu 17 triệu nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở nhận hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ y tế Medicare và Medicaid phải tiêm chủng đầy đủ.
Quy định mới có thể coi là biện pháp quyết liệt nhất từ trước đến nay của Mỹ nhằm tăng tỷ lệ dân số được tiêm chủng. Ông Biden nói, người Mỹ ngày càng bức xúc với khoảng 80 triệu người đến nay vẫn chưa chịu tiêm chủng và là một trong những lý do khiến Covid-19 lây lan mạnh trở lại.
"Mặc dù nước Mỹ đã ổn hơn so với cách đây 7 tháng khi tôi nhận nhiệm sở, nhưng tôi cần nói với các bạn một điều rằng, chúng ta vẫn đang trong một giai đoạn khó khăn và nó có thể kéo dài một thời gian. Chúng ta có công cụ để chiến đấu với Covid-19 nếu chúng ta hợp sức lại để sử dụng những công cụ này", người đứng đầu Nhà Trắng nói.
Vắc xin được coi là một trong những công cụ hiệu quả nhất hiện nay để đối phó đại dịch. Tuy vậy, đến nay, nhiều người ở Mỹ vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của vắc xin. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, đến nay mới chỉ hơn 53% người Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ.
Hồi tháng 7, ông Biden nói rằng, các công chức liên bang phải tiêm chủng vắc xin Covid-19 hoặc sẽ phải làm xét nghiệm Covid-19 định kỳ và tuân thủ các biện pháp hạn chế khác như đeo khẩu trang ở nơi làm việc.
Tháng trước, Cục Thực và Dược phẩm Mỹ đã cấp phép hoàn toàn cho vắc xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng nhằm tăng tốc chương trình tiêm chủng khi các cơ quan liên bang, trường học có thêm cơ sở để tiến hành tiêm chủng bắt buộc.
Các biện pháp khác
Ngoài tiêm chủng, Mỹ cũng sẽ mở rộng xét nghiệm Covid-19 (Ảnh minh họa: Reuters).
Ngoài biện pháp đẩy mạnh tiêm chủng, Tổng thống Biden cũng công bố một số biện pháp khác bao gồm mở rộng xét nghiệm Covid-19 miễn phí. Giới chức y tế cho rằng, đây là bước quan trọng để đối phó Covid-19, đặc biệt khi học sinh trở lại trường.
Ông Biden cũng kêu gọi các địa điểm giải trí lớn cần đưa ra quy định khách phải có giấy chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Cơ quan chức năng của Mỹ cũng sẽ tăng gấp đôi mức phạt với những người không chấp hành quy định đeo khẩu trang trên máy bay.
Nói một cách tổng quát, 6 trụ cột trong kế hoạch vừa công bố của ông Biden gồm: 1, tiêm chủng cho người chưa tiêm; 2, tăng mức độ bảo vệ cho người đã tiêm đầy đủ bằng liều tăng cường; 3, duy trì mở cửa trường học; 4, tăng cường xét nghiệm và yêu cầu đeo khẩu trang; 5, bảo vệ đà phục hồi của nền kinh tế; 6, nâng cao dịch vụ chăm sóc cho người mắc Covid-19.
Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến Covid-19 bùng phát mạnh trở lại ở Mỹ. Số ca mắc mới trong ngày tại Mỹ gần đây đã vượt mốc 150.000 ca, cao nhất kể từ tháng 1 năm nay, trong khi mỗi ngày có khoảng 1.500 người tử vong vì Covid-19.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Axios, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci nói, với gần 160.000 ca mắc mới mỗi ngày, Mỹ vẫn "trong trạng thái đại dịch". "Chỉ khi nào số ca mới xuống dưới 10.000 ca khi đó mới có thể tạm thở phào", ông Fauci nói.
Minh Phương/dantri.com.vn