Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia, trong đó có điều khoản hỗ trợ Canberra sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) trong lễ công bố thỏa thuận AUKUS. Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tham dự sự kiện trực tuyến (Ảnh: AFP).
Ngày 15/9, Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận hợp tác an ninh xuyên lục địa giữa ba nước lấy tên là AUKUS. Trong thỏa thuận này, Australia sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ cần thiết để có thể sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai.
Các tàu này sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng không được trang bị vũ khí hạt nhân. Theo Guardian, thỏa thuận sẽ giúp Australia trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có tàu ngầm được cấp năng lượng bằng lò phản ứng hạt nhân.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, DC, Mỹ sau đó đã phản ứng với thông tin về AUKUS khi kêu gọi các quốc gia tham gia thỏa thuận này "rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến ý thức hệ". Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu cho rằng các nước "không nên thiết lập nên các khối nhằm mục tiêu hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba".
Giới quan sát nhận định rằng, AUKUS được cho là nhằm đối phó các động thái mở rộng tầm ảnh của Trung Quốc trong khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden từ khi nhậm chức đã coi việc đối phó Trung Quốc là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Washington, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng có dấu hiệu leo thang. Ông Biden cũng bày tỏ việc muốn các đồng minh của Mỹ tham gia vào chiến lược của chính quyền ông.
Tuần tới, ông Biden cũng sẽ mời các lãnh đạo Nhật Bản, Australia và Ấn Độ tới Nhà Trắng họp thượng đỉnh "Bộ Tứ" - động thái được cho là để bàn bạc những chiến lược nhằm đến Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, AUKUS sẽ được xem là bằng chứng cho thấy ông Biden tiếp tục sẵn lòng đồng hành với các đồng minh nhằm duy trì trật tự tuân thủ theo quy tắc ở châu Á.
Pháp "lấy làm tiếc" vì Australia không mua tàu ngầm
Tuy nhiên, AUKUS cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới Pháp khi Australia sẽ hủy thỏa thuận mua các tàu ngầm của Paris trị giá hàng tỷ USD.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly phát đi tuyên bố chung nhận định rằng: "Mỹ không để đồng minh châu Âu như Pháp tham gia vào quan hệ hợp tác mà họ thiết lập với Australia trong thời điểm chúng ta đang đối mặt với thách thức chưa từng có tiền lệ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy sự thiếu gắn kết và Pháp rất lấy làm tiếc vì việc này".
Australia năm 2016 đã chọn tập đoàn đóng tàu Pháp Naval thực hiện hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD thay thế cho đội tàu ngầm đã hơn 20 năm tuổi trong kho vũ khí.
Pháp cũng cho rằng, việc Australia quyết định hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm đã "đi ngược lại tinh thần của sự hợp tác giữa 2 bên". Paris nhận định, động thái này cho thấy châu Âu cần có được "quyền tự chủ chiến lược" trong tương lai.
Hai quan chức hàng đầu của Pháp cho biết, sẽ không còn cách nào khác ngoài việc trở nên tự chủ chiến lược để châu Âu có thể tự bảo vệ lợi ích và giá trị của họ trên toàn cầu, bao gồm khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Đức Hoàng/dantri.com.vn